Sức trẻ từ bộ môn vật Thanh Hóa
Trình làng lứa VĐV trẻ kế cận đầy triển vọng, bộ môn vật Thanh Hóa hứa hẹn sẽ đem về nhiều thành tích ở đấu trường quốc gia, quốc tế trong giai đoạn phát triển của thể thao tỉnh nhà, cũng như có sự đóng góp cho thể thao Việt Nam.
Các VĐV bộ môn vật Thanh Hóa trong một buổi tập luyện.
Bộ môn vật của Thanh Hóa nhiều năm trước kia đã từng được biết đến với VĐV kỳ cựu Lương Thị Quyên, tuyển thủ quốc gia từng giành nhiều huy chương tại các giải đấu quốc tế, cũng như nhiều năm liền thống trị hạng cân 63kg vật tự do nữ tại giải vô địch quốc gia. Sau khi Lương Thị Quyên giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện, bộ môn vật Thanh Hóa gần như cũng chia tay lứa VĐV kỳ cựu và “làm lại từ đầu” với những lứa VĐV trẻ kế cận. Nếu như ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, bộ môn vật giành được 2 HCV, hoàn thành chỉ tiêu đề ra, thì đến kỳ đại hội lần thứ VIII – năm 2018, với lực lượng VĐV mới, thành tích giành được 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ vẫn có thể xem là khả quan với bộ môn này.
Nói về quá trình chuyển giao lực lượng, ông Nguyễn Minh Dương, HLV bộ môn vật Thanh Hóa, cho biết: Khó khăn lớn nhất của bộ môn trong quá trình chuyển giao lực lượng đó chính là tìm kiếm các VĐV năng khiếu, tài năng. Trên địa bàn tỉnh, ngoài “đất vật” Hoằng Hóa, việc tìm kiếm các VĐV từ các địa phương khác, từ trường học cũng được ví như việc “đãi cát tìm vàng”. Hơn nữa, các VĐV trẻ tham gia vào các giải đấu vật truyền thống của các địa phương đa phần là mang tính phong trào bởi nhiều em, nhiều gia đình không mấy mặn mà với việc theo đuổi con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, với vị trí được xác định là môn thể thao trọng điểm, ban huấn luyện vẫn phải cố gắng tìm kiếm những VĐV có tài năng, năng khiếu cho bộ môn, thậm chí còn phải tiếp nhận cả những “viên ngọc thô” để “mài giũa”, huấn luyện, bổ sung đầy đủ cho 3 tuyến hiện nay”.
Với tổng số 30 VĐV của cả 3 tuyến: Năng khiếu, trẻ và đội tuyển, bộ môn vật Thanh Hóa những năm gần đây bên cạnh việc nỗ lực vượt khó trong công tác huấn luyện, luyện tập, còn phải chấp nhận việc thành tích có thể giảm sút để cho những mục tiêu dài hơi hơn, trọng điểm hơn. Lãnh đạo bộ môn cũng như Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh không gây áp lực về thành tích với các VĐV, đồng thời tạo điều kiện để các em được tham gia thi đấu, cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Qua đó, bộ môn có sự đánh giá sát nhất, chọn những gương mặt thực sự xuất sắc để đầu tư có trọng điểm, hướng đến những thành tích tốt tại đấu trường quốc gia, quốc tế. Nguyễn Thị Vinh chính là minh chứng cho điều đó. Nữ VĐV sinh năm 1992 này xứng đáng là người thay thế “đàn chị” Lương Thị Quyên. Thành tích liên tục nhiều năm giành HCV ở hạng 69 kg vật tự do nữ tại giải vô địch quốc gia; giành HCV ở cả Giải trẻ và Giải vô địch Đông Nam Á; giành 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải vô địch châu Á (năm 2018) đã khẳng định tài năng của tuyển thủ quốc gia này. Nguyễn Thị Vinh vừa được xem là VĐV “đầu tàu” của vật Thanh Hóa vừa là trụ cột quan trọng của đội tuyển vật Việt Nam chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế quan trọng như Giải vô địch Đông Nam Á, châu Á năm 2019.
Một VĐV đầy triển vọng khác đó là Nguyễn Thị Oanh (hạng 53 kg vật tự do nữ) sẽ chuẩn bị tham gia Giải vô địch vật tự do trẻ châu Á tổ chức trong tháng 7 này. Nữ VĐV sinh năm 2001 này đã giành 2 HCB tại Giải trẻ Đông Nam Á và 1 HCB tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – năm 2018. 3 VĐV còn lại là Nguyễn Hữu Mạnh (hạng 79 kg tự do nam), Nguyễn Thị Lệ (hạng 50 kg tự do nữ) và Nguyễn Thị Ánh (hạng 53 kg vật tự do nữ). Đây đều là những gương mặt mới của bộ môn vật Thanh Hóa nhưng đã sớm thể hiện được khả năng chuyên môn tốt và đã được tuyển chọn cho đội tuyển trẻ quốc gia. Ngoài ra, Thanh Hóa vẫn còn 1 gương mặt dự bị đó là Đặng Thị Linh (hạng 76 kg tự do nữ). VĐV này vừa giành HCV tại Giải trẻ quốc gia 2019. Cũng tại Giải trẻ quốc gia năm 2019, bộ môn vật Thanh Hóa đã giành được 3 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ ở các nhóm tuổi 14-15, 16-17, 18-20. Đây được xem là thành tích khích lệ của các VĐV trẻ của Thanh Hóa trong bối cảnh phải gặp hàng loạt đối thủ mạnh đến từ các tỉnh, thành, ngành có phong trào mạnh trên cả nước.
Hiện nay, điều kiện tập luyện của bộ môn vật đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các VĐV đã được chuyển sang tập luyện tại Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa (cũ), không còn cảnh phải san sẻ sàn tập, chia ca với các bộ môn khác. Hơn nữa, sự quan tâm của ngành, của tỉnh với chế độ đãi ngộ hợp lý, tạo niềm tin và sự yên tâm cống hiến cho các VĐV, nhất là các VĐV tuyến trẻ.
Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn, tuy nhiên sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các VĐV bộ môn vật là rất đáng ghi nhận. Vật vẫn là bộ môn thể thao trọng điểm của Thanh Hóa trong giai đoạn 2020-2025, do đó sức trẻ chính là cơ sở để bộ môn này hướng tới những mục tiêu dài hơi hơn, những thành tích tốt hơn ở đấu trường trong nước và quốc tế. Với đội ngũ VĐV trẻ kế cận hiện nay, bộ môn vật Thanh Hóa đang từng bước tìm lại vị thế trong tốp đầu toàn quốc và phấn đấu chinh phục những cột mốc thành tích mới trên đấu trường quốc tế.
Bài và ảnh: Mạnh Cường
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/suc-tre-tu-bo-mon-vat-thanh-hoa/105000.htm