Sức vóc, thành tựu cống hiến của một 'binh chủng đặc biệt'
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, những nhà văn quân đội chính là đội ngũ đã góp phần đặt nền móng cho văn học cách mạng Việt Nam.
Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm là một công trình đồ sộ gồm 5 tập với 3.000 trang, tập hợp sáng tác của hơn 360 nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình, dịch giả tiêu biểu trong đội ngũ nhà văn mặc áo lính qua nhiều thế hệ của nước ta. Công trình do Tạp chí Văn nghệ quân đội, thuộc Tổng Cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, tổ chức sưu tầm, biên soạn.
Thông qua công trình này, độc giả có thể thấy được diện mạo, sức vóc cũng như thành tựu cống hiến của một “binh chủng đặc biệt”, đó là các nhà văn quân đội và từng qua quân đội. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về họ, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã có những chia sẻ với bạn đọc về bộ sách.
Nhân vật trung tâm của văn chương Việt Nam
- Thưa ông, thông qua bộ sách "Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm", chúng ta có thể thấy được gì về vị trí và vai trò của nhà văn quân đội Việt Nam?
- Từ bộ sách này, chúng ta có thể thấy trong suốt quá trình phát triển của văn học Cách mạng, các nhà văn quân đội đã góp phần quan trọng, đặc biệt trong việc xây dựng thành công một nhân vật trung tâm trong đời sống văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, đó là nhân vật anh Bộ đội Cụ Hồ. Cho đến nay, đây vẫn là hình tượng thành công, tiêu biểu nhất mà văn học Việt Nam có được.
Các nhà văn quân đội đã góp phần trong việc xây dựng thành công một nhân vật trung tâm trong đời sống văn học Việt Nam thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, đó là nhân vật anh Bộ đội Cụ Hồ. Cho đến nay, đây vẫn là hình tượng thành công, tiêu biểu nhất mà văn học Việt Nam có được.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương
Qua những tác phẩm của nhà văn quân đội, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa chân thực, sinh động với đầy đủ phẩm chất cao đẹp đại diện cho những giá trị về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tinh thần yêu nước. Văn học cho ta thấy người lính không phải là những cỗ máy thực hiện mệnh lệnh, mà họ là những con người bình thường, có niềm vui nỗi buồn, có dũng cảm, cũng có cả ngại ngần, nhưng quan trọng là họ đã có những lựa chọn đầy cao cả, đầy ý nghĩa trong các hoàn cảnh mang tính quyết định, bất chấp cả sinh mạng mình.
- Vậy trải qua những biến động lịch sử của đất nước, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ trong văn chương đã thay đổi ra sao?
- Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trong văn học Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển và thay đổi cùng sự vận động của đời sống xã hội và sự hiện đại hóa của quân đội. Năm nay tròn 80 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu ví mỗi năm là một km thì quân đội ta đã đi được chặng đường 80 km. 80 km chưa phải là dài, nhưng hành trình này nhuốm màu của huyền thoại, bởi nó đầy những gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất vang dội, oanh liệt mà không dễ gì các đội quân khác có được.
Trên chặng đường ấy, chặng đường khởi từ anh Vệ túm xềnh xoàng, vũ khí mạnh nhất chỉ là ý chí căm thù giặc, đến anh Bộ đội Cụ Hồ chính quy, hiện đại bây giờ là cả một quá trình. Nếu nhìn kỹ khuôn mặt những thế hệ người lính, ta thấy ở đó có ánh sáng không chỉ của bom đạn, của những gian khó, mất mát, mà còn có cả ánh sáng của niềm lạc quan, lãng mạn, của vẻ đẹp tinh thần vì dân, và vẻ đẹp của sự sáng tạo hiển hiện trên đó.
Tất cả những điều này vờn quanh người lính, tạo thành số phận của họ, và văn học đã phản ánh được khá chính xác, khá tinh tế sự biến chuyển này.
- Trong bối cảnh hiện nay, hình tượng nhân vật người lính có ý nghĩa như nào?
- Giữa những biến đổi không ngừng của xã hội, hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn giữ được giá trị, bởi trong hình tượng này có những phẩm chất căn cốt giúp cho sự kết dính và tồn tại của dân tộc. Nổi bật trong đó là phẩm chất vì đồng bào, trung thực, kiên định.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi đồng tiền và vật chất trở thành mối quan tâm lớn, con người dễ rơi vào trạng thái cạnh tranh gay gắt, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau thì lòng tin và tinh thần đồng bào càng trở nên quan trọng. Nó là sức mạnh giúp con người bình tĩnh trước mọi sự cám dỗ, không bị tha hóa.
Tinh thần vì đồng bào thể hiện qua bộ đội giúp dân trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, qua bộ đội nhường cơm sẻ áo cho dân khi họ gặp khó khăn hoạn nạn. Những điều ấy rất cần, thậm chí ngày càng cần được phát huy và lan tỏa ra toàn xã hội vì đó chính là vắc xin chống lại căn bệnh ích kỷ, vô cảm.
Nhà văn mặc áo lính góp phần đổi mới văn chương
-Trong suốt hai thế kỷ qua, đội ngũ các nhà văn quân đội đã có đóng góp như thế nào vào sự đổi mới của văn học?
- Bên cạnh việc xây dựng thành công hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ, các thế hệ nhà văn quân đội đã góp phần vào việc phát triển văn học. Họ là những người dũng cảm trong cả đời sống lẫn nghệ thuật, luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức và luôn đổi mới.
Không thể phủ nhận được rằng nhiều nhà văn từng trải qua quân đội đã đóng vai trò tiên phong trong việc cách tân, mở ra những hướng đi mới cho văn chương nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Không thể phủ nhận được rằng nhiều nhà văn từng trải qua quân đội đã đóng vai trò tiên phong trong việc cách tân, mở ra những hướng đi mới và tạo nên sự đa dạng, sinh động cho văn chương nước nhà. Chúng ta có thể kể đến cả một danh sách dài các tên tuổi lớn như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Bảo Ninh…
- Vậy có quá không khi nói nhà văn quân đội chính là nhà văn Việt Nam còn văn học người lính chính là nền văn chương Việt Nam?
- Tôi nghĩ nói thế có lẽ cũng hơi quá. Dù gì thì các nhà văn quân đội cũng chỉ là một bộ phận, một bộ phận quan trọng, chứ không phải là tất cả. Và văn học về người lính cũng vậy, chỉ là một phần của diện mạo của văn học Việt Nam.
- Văn chương được ví như một vũ khí chiến đấu trong thời kỳ trước, vậy khi đất nước hòa bình, văn chương có giá trị như nào?
- Tôi nghĩ thời nào văn chương cũng cần với con người chứ không riêng một giai đoạn hoặc một thời điểm cụ thể. Còn nếu buộc phải ví văn chương như vũ khí, tôi nhắc lại, nếu buộc phải, thì văn chương thời bình cũng vẫn là vũ khí, để chống lại sự vô cảm tàn ác, chống lại sự độc đoán, để giải phóng con người khỏi những giam cầm về tư tưởng.
Ở bình diện chung, văn chương góp sức nho nhỏ trong việc giúp con người vững vàng trước sóng gió của đời sống. Nó khiến chúng ta thấy giá trị của sự tồn tại, cũng giúp chúng ta thấy giá trị của cá nhân mình. Về căn bản, con người đi từ bầy đàn tới đơn lẻ để hoàn thiện mình, sau đó lại đi từ cá nhân tới cộng đồng để hoàn thiện xã hội. Chính những lộ trình ấy đã sinh ra văn chương và cần đến sự hữu ích của văn chương.
Tại những thời điểm như thời điểm xã hội quay cuồng chóng mặt bây giờ, văn chương khiến người ta chậm lại, từ đó có thời gian để suy ngẫm, sống sâu hơn, hiểu rõ hơn về bản thân và thế giới xung quanh.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nguồn Znews: https://znews.vn/doi-ngu-dat-nen-mong-cho-van-hoc-cach-mang-viet-nam-post1513598.html