Sức xuân ở huyện vùng cao Trạm Tấu

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 này lên huyện vùng cao Trạm Tấu, đến đâu cũng thấy không khí thi đua làm việc, lao động, sản xuất của đội ngũ cán bộ từ huyện, xã, thôn, đến người dân hết sức sôi nổi, với trách nhiệm cao cùng chung sức phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu xuống đồng cùng nhân dân xã Hát Lừu cấy lúa vụ xuân 2024.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu xuống đồng cùng nhân dân xã Hát Lừu cấy lúa vụ xuân 2024.

Thời điểm này, mặc dù bận nhiều công việc, vừa chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong huyện xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Chương trình 188-CTr/TU của Tỉnh ủy, đồng thời trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh trên địa bàn huyện, nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình 188 của Tỉnh ủy tại địa phương, Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào đã dành thời gian trao đổi nhanh về sự quyết tâm của Đảng bộ huyện.

"Huyện ủy Trạm Tấu đã xây dựng Kế hoạch số 156/KH-HU, ngày 16/12/2023 về thực hiện Chương trình 188 của Tỉnh ủy. UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 48/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND, ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh và Kế hoạch 156 của Huyện ủy Trạm Tấu. Đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2024 trên địa bàn huyện...”.

Để cổ vũ, động viên nhân dân trong huyện sản xuất vụ xuân năm 2024 giành được kết quả cao, ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo huyện, xã Hát Lừu đã xuống đồng cùng cấy lúa xuân, động viên nông dân xã Hát Lừu nói riêng và bà con nông dân trong huyện nói chung sản xuất giành thắng lợi trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng.

Vụ xuân năm 2024, huyện Trạm Tấu đề ra kế hoạch gieo cấy 1.572 ha lúa nước, với cơ cấu giống lúa lai như Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168, Thụy Hương 308; Nghi Hương 308... giống lúa thuần: Hương chiêm, Séng cù, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, nếp địa phương...

Trên cánh đồng Na Phang, bà Lò Thị Xôm ở thôn Hát 2 xã Hát Lừu cùng gia đình đang khẩn trương cấy nốt những thửa ruộng còn lại cho kịp khung thời vụ. Bà Xôm phấn khởi cho hay: "Năm nay là năm thứ tư, gia đình tôi và bà con ở các xã trong huyện không được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nữa, nhưng năm nào gia đình cũng tự chuẩn bị giống, phân bón, gieo cấy hết toàn bộ diện tích 8.700 m2 ruộng, giống lúa Nhị ưu 838 gieo cấy 4.500 m2, nếp địa phương gieo cấy được 3.200 m2; sản xuất 2 vụ thu được hơn 10 tấn thóc/năm, thừa cho 4 khẩu ăn cả năm còn bán đi trên 7 tấn, thu về được trên 60 triệu đồng để tiết kiệm và mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, cuộc sống bây giờ khá hơn trước rất nhiều...”.

Rời xã Hát Lừu, chúng tôi đến xã Bản Công - địa phương gieo cấy lịch muộn hơn một số xã trong huyện vì một số bản ở trên cao thời tiết giá rét, khắc nghiệt hơn. Như đã hẹn, đồng chí Hảng A Hành - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Công đến trụ sở xã từ đầu giờ sáng đưa chúng tôi lên thôn Tà Xùa tìm hiểu việc sản xuất vụ xuân của đồng bào Mông nơi đây.

Cưỡi con "ngựa sắt” ngược dốc theo con đường bê tông ngoằn ngoèo từ trung tâm xã đi khoảng gần 5 km là chúng tôi đã tới trung tâm thôn Tà Xùa. Lúc này, đã khoảng hơn 8 giờ sáng, sương phủ kín rừng thông, giá rét, song đồng chí Phàng A Hành - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Xùa đã đi xe máy từ nương về nhà chở chuyến thứ 3 giống khoai sọ và phân NPK lên nương để cho vợ trồng.

- "Ôi chà, trời rét thế này mà cán bộ thôn chịu khó đi làm sớm thế?” - anh bạn cùng đi khen Trưởng thôn A Hành.

- Mình phải đi làm đúng giờ thì mới trồng được nhiều khoai, cấy được nhiều lúa, cũng để làm gương cho bà con trong thôn làm theo - đồng chí Hành đáp lời.

- Vụ xuân năm nay, gia đình anh cấy được bao nhiêu diện tích lúa, trồng được nhiều khoai không? - tôi hỏi.

- Vụ xuân năm nào gia đình mình cũng cấy được 1 ha ruộng bậc thang, thu được hơn 3 tấn thóc/vụ, để lại gia đình ăn 1,5 tấn, còn bán đi lấy tiền nuôi con ăn học. Khoai sọ thì trồng 3.000 m2, thu được gần 1 tấn củ, bán giá bình quân 20.000 đồng/kg; diện tích còn lại 6.000 m2, mình cho thuê trồng su su lấy ngọn được 20 triệu/năm.

- Ngoài trồng lúa, trồng khoai, gia đình anh có chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm không?

- Có chứ, mình nuôi vài chục con gà để sinh hoạt và nuôi 4 con trâu, 4 con bò, mỗi năm cũng bán đi từ 1 - 2 con để chi tiêu vào những việc cần thiết, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không chỉ tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi để sớm thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành hộ khá giả của xã, đồng chí Hành còn thường xuyên đến các hộ gia đình vận động nhân dân cấy 2 vụ lúa, trồng khoai sọ nương để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và đầu tư chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Chị Giàng Thị Mảy ở thôn Tà Xùa đang cùng chị em cấy đổi công cho xong diện tích đúng khung thời vụ. Thấy lãnh đạo xã, thôn đến thăm ruộng, động viên bà con sản xuất vụ xuân, chị dừng tay trò chuyện với mọi người.

Chị Mảy chia sẻ: "Trước đây, gia đình chỉ gieo cấy 1 vụ lúa mùa, tháng 10 thu hoạch, không đủ cho gia đình ăn. Từ khi lãnh đạo huyện, xã về thôn hướng dẫn gieo mạ, che chống rét cho mạ cấy thêm vụ xuân, mỗi năm gia đình thu được trên 6 tấn thóc, thừa lương thực ăn và chăn nuôi, mình còn bán đi khoảng 2 tấn lấy tiền mua quần áo, đồ dùng học tập cho các con ăn học đầy đủ hơn”. Nhờ trồng lúa, trồng thêm hơn 3.000 m2 khoai sọ nương và chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình chị Mảy đã thoát nghèo được hơn 3 năm nay, không phải xin gạo cứu đói mỗi khi giáp hạt nữa.

Đứng trên rừng thông thôn Tà Xùa nhìn xuống cánh đồng lúa của thôn rộng 118 ha đã cơ bản được phủ xanh bằng giống lúa lai và lúa thuần của địa phương, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hảng A Hành chỉ tay về những nương khoai sọ liền kề với những cánh rừng thông ở thôn Tà Xùa, Sán Trá, Kháo Chu... đang được bà con làm đất để trồng, chậm rãi nói: "Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã, đã nhiều năm rồi nhân dân trong xã đều sản xuất 2 vụ lúa với tổng diện tích 372 ha. Vụ xuân năm nay gieo cấy 212 ha lúa nước và 167 ha ngô xuân, 140 ha khoai sọ nương...

Đến hết tháng 2, các thôn vùng thấp đã gieo cấy xong lúa vụ xuân; đối với các thôn ở cao hơn, khí hậu lạnh, gieo cấy xong trước ngày 5/3. Với thời tiết thuận lợi, bà con gieo cấy đúng khung thời vụ, xã phấn đấu sản lượng lương thực có hạt năm nay đạt trên 2.307 tấn, cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực tại chỗ...”.

Sự nỗ lực của nhân dân xã Hát Lừu, xã Bản Công và nhân dân các xã trong huyện, đến ngày 5/3, toàn huyện Trạm Tấu đã gieo cấy xong toàn bộ 1.572 ha lúa vụ xuân theo kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề để Trạm Tấu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi 46 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đề ra trong năm nay.

Chia tay bà con người Mông ở Trạm Tấu khi những cây mạ non bắt đầu bén rễ, dậy lên màu xanh của sức xuân mạnh mẽ nhân dân Trạm Tấu tiếp tục thi đua trồng hoàn thành 800 ha khoai sọ và 1.900 ha ngô vụ xuân trong tháng 3, những người làm công tác tuyên truyền chúng tôi đã được đồng hành cùng bà con vùng cao trong nhiều thập kỷ qua thầm chúc cho bà con người Mông, người Thái ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này sẽ sớm thu được thành quả lao động, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu năm 2024.

Minh Hằng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/319327/suc-xuan-o-huyen-vung-cao-tram-tau.aspx