Sức xuân trong cây cọ già Ngọc Linh
90 tuổi, trong khi nhiều người chỉ lo giữ sức khỏe thì lão họa sĩ Ngọc Linh tất bật lo cho triển lãm nhân 90 năm cuộc đời.
Đa số những tác phẩm hội họa sơn dầu của triển lãm “90 mùa xuân họa sĩ Ngọc Linh” được ông sáng tác trong những ngày ở nhà phòng chống dịch Covid-19. Triển lãm trưng bày tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ 30/10 đến 3/11.
Họa sĩ Ngọc Linh sinh ngày 30/10/1930, tên thật là Vi Văn Bích, là cháu nội cụ Vi Văn Định - Tổng đốc Hà Đông (cũ), sau cách mạng Tháng Tám được Hồ Chủ tịch mời tham gia kháng chiến.
Họa sĩ Ngọc Linh tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi trên chiến khu Việt Bắc. Trong thời gian làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ông là họa sĩ thiết kế cho 25 bộ phim, trong đó có nhiều phim nổi tiếng của giai đoạn đầu dòng phim Cách mạng Việt Nam như: Chung một dòng sông (1959), Vợ chồng A Phủ (1961), Sao tháng Tám (1976)... Ông cũng tham gia thiết kế 9 vở chèo, kịch nói, nhạc kịch…
Đây là triển lãm thứ 11 của họa sĩ Ngọc Linh. Triển lãm với 60 bức tranh. Nổi bật nhất là mảng tranh về đề tài Hà Nội.
Tại phòng tranh của mình, họa sĩ Ngọc Linh giới thiệu các bức tranh vẽ về Hà Nội. Đó là những sáng tác trong thời gian rảnh rỗi ở nhà trong vài tháng giữa năm giữa mùa dịch covid-19. Ông muốn làm những việc ý nghĩa với những năm tháng cuối của cuộc đời.
Được sự động viên của các con, ông đã sáng tác để làm triển lãm nhân ngày sinh nhật 90 tuổi của mình. Những bức tranh về Hà Nội trong tranh của họa sĩ Ngọc Linh rất khác với những bức tranh về Hà Nội thường thấy, càng khác xa với tranh Phố của Bùi Xuân Phái.
Nếu như tranh của Bùi Xuân Phái gợi nhắc về Hà Nội xưa cũ, Hà Nội úa tàn thì phố cổ, di tích cổ như Văn Miếu Quốc tử Giám, Ô Quan Chưởng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đền Ngọc Sơn… trong tranh của Ngọc Linh lại sặc sỡ sắc màu tươi, nóng, cho thấy một Hà Nội bừng sức sống, sức sáng tạo và phát triển. Đó cũng là tâm hồn chất phác của họa sĩ Ngọc Linh trải ra trên tranh.
Bên cạnh dòng tranh đề tài Hà Nội, là những tranh mang ký ức một thời của họa sĩ về phong cảnh quê hương. Đó là một Móng Cái xưa, một Tây Bắc, một Đà Lạt mờ sương. Hay cảm xúc về biển qua hai bức tranh rất ấn tượng.
Bên cạnh đó là một số tranh vẽ chân dung các nghệ sĩ tên tuổi… mà Ngọc Linh có nhiều năm tháng kết giao.
Với những người yêu quý tranh của họa sĩ Ngọc Linh còn cảm mến và kính trọng ông ở đức hy sinh vì thầy, vì bạn. Để có sự khẳng định về tác giả vẽ Quốc huy Việt Nam hôm nay, ít ai biết rằng ông đã cùng các bạn của mình như họa sĩ Lê Lam, Thục Phi… sưu tầm và đấu tranh suốt gần 20 năm trời với các cơ quan chuyên môn để kết luận.
Cuối cùng năm 2019, người thầy của họa sĩ Ngọc Linh - cố họa sĩ Bùi Trang Chước đã được TP Hà Nội đặt tên đường. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tổ chức hai triển lãm vinh danh họa sĩ Bùi Trang Chước và Quốc huy Việt Nam.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-xuan-trong-cay-co-gia-ngoc-linh-522181.html