AKM (tên đầy đủ là Avtomat Kalashnikova modernizirovannyy là súng trường tấn công của Liên Xô, cải tiến từ AK-47 vào thập niên 1950.
Được trang bị cho Hồng quân Liên Xô vào năm 1959, về sau AKM được sử dụng rộng rãi trên thế giới bởi giá thành rẻ, hỏa lực mạnh, bền bỉ đáng tin cậy.
Những thay đổi chủ yếu của súng so với AK-47 là việc ứng dụng loại thép mới bền hơn và cụm cò-búa được cải tiến bằng cách thiết kế thêm một chi tiết làm trễ búa đập.
Những thay đổi khác là việc thiết kế lại báng súng, tay cầm và bộ ốp lót phía trước, đồng thời thay đổi nguyên liệu chế tạo các bộ phận của súng từ gỗ tiện sang gỗ ép cường độ cao và bakelite. Các cải tiến này làm súng nhẹ hơn 25% so với AK-47 nhưng lại chắc chắn hơn.
Ốp lót tay dưới có mấu giữ giúp tăng cường khả năng nắm chắc súng của xạ thủ trong quá trình chiến đấu.
Chụp đầu nòng bù giật của AKM giúp tăng độ chụm của loạt bắn liên thanh.
Ống bù giật có thể được tháo ra và thay thế bằng thiết bị giảm thanh PBS-1, thường được biết tới với tên gọi ống giảm thanh.
Thiết bị giảm thanh này đòi hỏi đạn cận âm để chức năng giảm thanh được hiệu quả. AKM sử dụng loại đạn 7,62x39mm M43 tiêu chuẩn có lõi thép tăng khả năng xuyên giáp chống đạn.
Một thay đổi khác của AKM là việc cải tiến thước ngắm với các vạch chia tầm từ 100 m đến 1000 m (AK-47 tối đa là 800m), dù rằng khả năng ngắm bắn ở khoảng cách 800 hay 1000 m chỉ là trên lý thuyết vì quá xa với mục tiêu đơn lẻ (trừ trường hợp bộ binh địch đứng tập trung thành đám đông).
Tầm ngắm hiệu quả chung của xạ thủ với mục tiêu đơn lẻ khi sử dụng AKM chỉ vào khoảng 300 - 600 m.
Mặc dù AK-74 và sau này là dòng AK-12 hiện đại hơn được sản xuất và sử dụng trong các lực lượng vũ trang tại Nga, song nước này vẫn đang cất giữ số lượng lớn súng AKM.
Một vài đơn vị đặc biệt của Nga tham chiến trực tiếp tại Chechnya trước đây đều sử dụng AK-47 thay vì AK-74, một phần vì đạn 7,62mm của AK-47 có sức xuyên phá mạnh hơn đạn 5,45mm của AK-74.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 28/10 thông báo nước này hoàn tất lệnh động viên một phần và huy động 300.000 quân nhân sau hơn một tháng.
"Nhiệm vụ động viên 300.000 binh sĩ đã hoàn thành, chưa có hoạt động bổ sung nào được lên kế hoạch", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 28/10 báo cáo trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin.
Tướng Shoigu thông báo 218.000 tân binh đang được huấn luyện, 82.000 quân nhân đã hoàn thành khóa đào tạo và được triển khai tới "khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt".
Tổng thống Putin sau đó cảm ơn những người đã gia nhập lực lượng vũ trang Nga.
"Tôi muốn cảm ơn họ vì đã thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, vì lòng yêu nước, vì quyết tâm kiên định bảo vệ đất nước của chúng ta, nước Nga của chúng ta. Đó là ngôi nhà của họ, gia đình của họ", ông Putin nói
Ông Putin đưa ra nhiệm vụ chính cho quân đội Nga là cung cấp trang bị cho các quân nhân được động viên, cũng như huấn luyện và phối hợp cùng họ để "mọi người cảm thấy tự tin nếu cần tham chiến trực tiếp".
Hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, với sắc lệnh này, Nga có thể huy động khoảng 300.000 lính dự bị, nghĩa là chỉ hơn 1% nguồn lực dự bị hiện có.
Giới chuyên gia và quân sự phương Tây cho rằng lệnh động viên một phần của Nga khó mang lại tác động đáng kể tới cục diện chiến trường Ukraine.
Họ cũng cho rằng quân đội Nga đối mặt thách thức lớn về hậu cần và hành chính khi huy động 300.000 quân nhân với quyết định này.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga đã phát súng AKM cho lính mới được tổng động viên.
Súng trường tấn công AKM sử dụng đạn 7,62 mm, trong khi các đơn vị chính quy Nga đang tác chiến tại Ukraine hiện nay phần lớn dùng súng trường tiêu chuẩn AK-74M hoặc AK-12 hiện đại hơn, sử dụng cỡ đạn 5,45 mm.
Việc cấp phát AKM cho các tân binh tới tham chiến tại Ukraine sẽ khiến Nga phải chuyển hai loại đạn tới tiền tuyến, thay vì một loại như trước.
"Điều này có thể làm phức tạp hệ thống hậu cần của Nga vốn đã chịu nhiều áp lực trong thời gian qua", quân đội Anh cho hay. Hiện Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Việt Hùng