Sửng sốt khoảnh khắc chạm trán cá mập nguyên thủy khổng lồ dưới lòng đại dương

Được biết, để tìm kiếm con cá mập này, nhóm nghiên cứu phải lặn xuống sâu 800 mét dưới bề mặt đại dương.

Video: Chạm trán cá mập nguyên thủy dưới đáy biển sâu 800m

Mới đây các thủy thủ của tàu ngầm Nadir thuộc chương trình thám hiểm do OceanX tổ chức để gắn thẻ cho cá mập dưới biển sâu đã có dịp tiếp cận với một con cá mập 6 mang cái thuộc họ cá mập nguyên thủy khổng lồ ở gần Mũi Eleuthera của quần đảo Bahamas.

Theo đoạn video được ghi lại, con cá mập sáu mang có chiều dài khoảng 6 mét, nó bơi xuyên qua lớp cát, trước khi tiến lại ngày càng gần hơn chiếc tàu ngầm.

Được biết, để tìm kiếm con vật nhóm nghiên cứu phải lặn xuống sâu 800 mét dưới bề mặt đại dương và hi vọng có thể gắn thiết bị theo dõi vào một trong những con cá khổng lồ này. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một con cá mập sáu mang được gắn tag. Việc này sẽ giúp các nhà bảo tồn tìm hiểu thêm về loài động vật kỳ thú này.

Cá mập 6 mang (Hexanchus griseus) còn được gọi là cá mập bò, là một trong những loài cá mập lớn nhất thế giới, và cũng là loài cá mập lớn nhất thuộc bộ Hexanchiformes (cá mập nguyên thủy). Chúng nằm trong họ cá mập lâu đời xuất hiện trên Trái Đất từ 180 triệu năm trước. Rất dễ nhận biết loài này do nó có 6 mang lớn trong khi phần lớn các loài cá mập khác chỉ có 5. “Loài cá mập này có một vây lưng ở gần đuôi”, theo Gavin Naylor, thành viên đoàn thám hiểm đến từ Chương trình nghiên cứu cá mập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida. Đây là loài cá mập còn tồn tại có liên quan chặt chẽ nhất với cá mập hóa thạch, đã tồn tại cách đây 200 triệu năm. Cá mập sáu mang sống ở vùng nước sâu gần đáy biển, có thể lên tới gần 2.000 mét.

Ngoài ra loài cá mập này thường dài hơn 5 mét và nặng trên một tấn. Đây là loài mang thai. Con cái lớn hơn con đực có thể đẻ hơn 80 con non mỗi lứa. Chúng chủ yếu ăn xác thối nhưng cũng săn con mồi sống nếu có cơ hội.

Hiện nay cá mập 6 mang phân bố khắp các vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên thế giới ở độ sâu 198 - 1.000 mét. Tuy nhiên, giới nghiên cứu biết rất ít về loài vật bí ẩn này. Việc gắn thẻ cho phép họ tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm sinh học và hành vi của chúng, qua đó bảo vệ loài vật trước những mối đe dọa.

Lộc Liên

Newsweek

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/sung-sot-khoanh-khac-cham-tran-ca-map-nguyen-thuy-khong-lo-duoi-long-dai-duong-1448937.tpo