Tập đoàn vũ khí Kalashnikov của Nga hồi đầu tuần đăng video với tiêu đề "Làm thế nào để hủy diệt súng PPSh-41", cho thấy độ bền của một trong những khẩu súng nổi tiếng nhất của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II.
Nhóm thử nghiệm chuẩn bị sẵn 913 viên đạn 7x62x25 mm Tokarev lắp trong 3 hộp tiếp đạn tròn và 20 băng đạn cong. Chuyên gia thực hiện thử nghiệm bóp cò liên tục cho đến khi khẩu PPSh hết đạn rồi nhanh chóng thay băng đạn tiếp theo để tiếp tục bắn.
Khẩu súng bắn tốt trong toàn bộ quá trình thử nghiệm, thậm chí còn tăng tốc độ khai hỏa sau khoảng 500 viên. Nó chỉ bắt đầu gặp trục trặc trong 71 phát cuối cùng do hộp đạn PPSh có độ tin cậy thấp, thường bị kẹt và không thể lắp lẫn cho những khẩu súng khác nhau.
Kết quả kiểm tra súng sau đợt bắn thử cho thấy các bộ phận như nòng và cụm khóa nòng đều không bị hư hại dù đã bắn hơn 900 phát đạn liên tiếp. Chuyên gia Nga sau đó lắp lại khẩu súng, tiếp tục xả hết hộp đạn tròn để chứng tỏ khả năng hoạt động của nó.
Các chuyên gia cho rằng tiểu liên PPSh-41 rất bền vì nó sử dụng nòng có độ dày tương đương súng AKM, các bộ phận gỗ và kim loại tiếp xúc rất ít và khó bị bắt lửa, trong khi cỡ đạn súng ngắn 7,62x25 mm Tokarev có áp suất khí thuốc và sơ tốc đầu nòng thấp, không đủ làm hư hỏng súng.
"Cách duy nhất để làm nó kẹt đạn là bắn nhiều tới mức muội thuốc súng bịt kín nòng", một chuyên gia của Kalashnikov nhận xét.
Sau cuộc chiến Mùa Đông với Phần Lan, trước hiệu quả và ưu thế hỏa lực mà súng tiểu liên Soumi KP/-31 mang lại cho quân đội Phần Lan, quân đội Liên Xô nhận thấy đây sẽ là xu thế vũ khí cá nhân trong tương lai.
Do đó, súng tiểu liên Shapagin rẻ nhưng hiệu quả đã được phát minh (thay cho PPD phức tạp và tốn kém khi sản xuất). PPSh-41 được phê duyệt là vũ khí cá nhân mới cho Hồng quân vào tháng 12-1940 nhưng phải đến cuối năm 1941 nó mới được sản xuất đại trà.
PPSh-41 thường được các binh sỹ Hồng quân gọi bằng cái tên thân thương "Papasha" (Cha trong tiếng Nga), vì các từ viết tắt của khẩu súng và của từ này có vẻ giống nhau.
Trong Thế chiến thứ II, hơn 5 triệu khẩu súng PPSh-41 được sản xuất, trong khi súng tiểu liên tiêu chuẩn cho lính Đức khi đó là MP-40 chỉ được sản xuất khoảng 1 triệu khẩu.
PPSh-41 được thiết kế nhằm đáp ứng các tiêu chí như dễ sản xuất và sử dụng, giá rẻ, độ bền cao. Mỗi khẩu nặng khoảng 3,6 kg khi chưa lắp hộp đạn và đạt tốc độ bắn 1.000 phát/phút.
Lính Đức cũng rất thích PPSh-41, không những vậy với hơn 10.000 khẩu súng tiểu liên của Liên Xô là chiến lợi phẩm, Phát xít Đức còn chuyển đổi sang cỡ đạn 7,62 mm x 19 mm của mình (cỡ đạn chuẩn của súng là 7,62 mm x 25 mm).
Không chỉ những người lính Hồng Quân mà những đơn vị vũ trang các nước chiến đấu bên cạnh Liên Xô cũng sử dụng PPSh. Điển hình như Tiểu đoàn độc lập số 1 Tiệp Khắc hay Sư đoàn bộ binh số 1 Tadeusz Kosciuszko .
Đến cuối cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, PPSh-41 đã được trang bị tới hơn 55% số binh sỹ của Hồng quân, trở thành vũ khí cá nhân chính của quân đội Liên Xô.
PPSh-41 trở thành một phần không thể thiếu bên cạnh hình ảnh người lính Xô Viết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc.
Nhiều chuyên gia vũ khí và sử gia đánh giá PPSh là mẫu tiểu liên tốt nhất, dễ sản xuất và bền bỉ nhất trong Thế chiến II.
Liên Xô đã sản xuất khoảng 6,1 triệu khẩu PPSh-41 trong giai đoạn 1941-1947, vượt xa mọi loại súng tiểu liên cùng thời. Nó chỉ bị thay thế từ năm 1947, khi súng AK-47 của Mikhail Kalashnikov được sản xuất hàng loạt.
Việt Hùng (Tổng hợp)