Súng trường bắn tỉa huyền thoại SVD Dragunov
Tương tự như súng trường tấn công AK-47, súng trường bắn tỉa SVD Dragunov cũng là mẫu vũ khí cá nhân được coi là huyền thoại. Dòng vũ khí này được Liên Xô và nhiều quốc gia trên thế giới chế tạo và đưa vào trang bị cho tới ngày hôm nay với nhiều biến thể khác nhau.
Hình ảnh các mẫu súng bắn tỉa SVD Dragunov mod 1990 một lần nữa được chú ý khi chúng được nước chủ nhà Nga trang bị cho các đội tuyển xạ thủ bắn tỉa các nước tham gia nội dung Ranh giới xạ thủ thuộc Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020, trong đó có đội tuyển Việt Nam.
Súng bắn tỉa SVD Dragunov là sản phẩm của nhà thiết kế Yevgeny Dragunov ra mắt vào năm 1963. Nó sử dụng cỡ đạn tiêu chuẩn 7,62x54mm, tương tự như loại trang bị cho mẫu súng trường Mosin mod 1891 nổi tiếng. Dù khác nhau về chiều dài thân đạn, nhưng cỡ đạn 7,62mm tới tận thời điểm hiện tại vẫn là một trong những cỡ đạn tiêu chuẩn cho cả quân đội Nga (7,62x54mm) và khối NATO (7,62×51mm). Thiết kế của công trình sư Yevgeny Dragunov đã vượt qua các thiết kế của Sergey Simonov và Aleksandr Konstantinov để trở thành súng bắn tỉa phổ biến bậc nhất của quân đội Liên Xô, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Dù mang tên gọi là súng trường bắn tỉa, nhưng vai trò chính của SVD Dragunov lại là vũ khí hỏa lực hỗ trợ bộ binh. SVD Dragunov được quân đội Liên Xô chấp nhận vào trang bị với vai trò là vũ khí hỗ trợ hỏa lực tầm xa cho bộ binh với tầm bắn hiệu dụng khoảng 800-1.000m. Yếu tố này cũng có thể thấy rõ ràng qua thiết kế của súng SVD Dragunov. Nó sử dụng cơ cấu trích khí thuốc đạn bán tự động thay vì kiểu lên đạn bằng tay so với các loại súng trường bắn tỉa truyền thống. Ưu thế của lên đạn trích khí là tốc độ bắn của súng nhanh, nhưng độ giật lại tăng và sự ổn định của súng lại kém hơn so với súng bắn tỉa kiểu lên đạn bằng tay. Thiết kế của SVD Dragunov phù hợp để cung cấp hỏa lực hỗ trợ cho bộ binh ở tiền tuyến như: Tiêu diệt các hỏa điểm, ghìm đầu bộ binh đối phương hay phá hủy các mục tiêu giá trị cao trong tầm bắn.
Ban đầu, quá trình sản xuất súng trường SVD Dragunov do nhà máy Izhmash thực hiện từ năm 1964 và đưa vào trang bị quân đội Liên Xô từ năm 1965. Tuy nhiên, bản quyền sản xuất sau đó được cung cấp cho nhiều quốc gia Đông Âu giúp biến SVD Dragunov thành loại vũ khí phổ biến trong biên chế quân đội thành viên Tổ chức Hiệp ướcWarsaw.
SVD Dragunov được thiết kế theo nguyên lý tối ưu cho sự đơn giản, tiện dụng, dễ sửa chữa. Nòng súng được kéo dài giúp tăng tầm bắn và ổn định đạn đạo của mỗi phát bắn. Kết cấu khương tuyến 4 trục giúp tạo ra sơ tốc đầu nòng tương đương 830m/s. Với hộp tiếp đạn 10 viên, SVD Dragunov có tốc độ bắn 30 phát/phút đủ để cung cấp mật độ hỏa lực áp chế ở tuyến đầu. Ốp cách nhiệt và báng súng được làm bằng gỗ dễ chế tạo, thay thế và trọng lượng nhẹ. Ngoài phiên bản tiêu chuẩn, SVD Dragunov còn có phiên bản báng gập rút ngắn chiều dài dành cho lính thủy đánh bộ và lực lượng đổ bộ đường không.
Nhắc tới súng bắn tỉa, một yếu tố quan trọng chính là kính ngắm. SVD Dragunov sử dụng kính ngắm PSO-1 được lắp trên thân súng thông qua bộ gá chuyên dụng. PSO-1 có độ khuếch đại 4x, cung cấp khả năng quan sát tới 1.200m. Trên kính ngắm có hồng tâm và thang tính điểm rơi của đạn để xạ thủ có thể lấy đường ngắm chính xác nhanh nhất có thể.
SVD Dragunov với đầy đủ hộp tiếp đạn có trọng lượng từ 4,3-5kg, phù hợp với điều kiện mang vác cá nhân của người lính.
Súng bắn tỉa SVD Dragunov trở thành huyền thoại chính nhờ sự tin cậy và tiện dụng, dễ bảo quản ở điều kiện chiến trường. Dù không có độ chính xác cao như súng bắn tỉa chuyên dụng, nhưng nó giúp cung cấp hỏa lực áp chế cần thiết. Tính năng chiến đấu của SVD Dragunov đã được khẳng định qua nhiều chiến trường.
Trong hơn 50 năm tồn tại, súng trường bắn tỉa SVD Dragunov có nhiều biến thể khác nhau, trong đó đáng chú ý là biến thể SVD Dragunov mod 1990 do Nga phát triển với việc thay thế các chi tiết gỗ bằng vật liệu composite để tăng độ bền, cũng như cải thiện độ chính xác với nòng súng mới. Đầu năm 2020, Nga đã giới thiệu phiên bản SVDM với nhiều cải tiến đáng chú ý. Súng SVDM được thay thế nòng súng mới nặng hơn để ổn định đạn đạo của các phát bắn, giúp súng bắn chính xác hơn. Các chi tiết thay thế bằng vật liệu composite được tăng cường. Ngoài ra, súng còn được trang bị thanh ray Picatinny để lắp các thiết bị hỗ trợ chiến đấu hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ở giai đoạn đầu tiên của nội dung Ranh giới xạ thủ, Army Games 2020 Đội tuyển Việt Nam đã giành vị trí thứ 4/7 đoàn tham dự. Ở giai đoạn 2, các xạ thủ Việt Nam quyết tâm lọt vào nhóm dẫn đầu của nội dung thi đấu.