Suối Giàng và nỗi lo của các 'cụ chè'

Từ lâu, thương hiệu chè Suối Giàng đã nổi tiếng bởi hương vị chè đặc trưng có một không hai. Song, thời gian gần đây, không ít những cây chè cổ thụ vốn là niềm kiêu hãnh và cũng là 'miếng cơm' của người dân Suối Giàng đang dần héo hon và đứng trước nguy cơ tàn lụi.

“Có một không hai”

Suối Giàng nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chừng 12km, là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Mông nên mang đậm dấu ấn văn hóa Mông đặc thù. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho miền sơn cước nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển này một vùng chè trải rộng trên diện tích 400ha với rất nhiều cây có tuổi đời lên tới vài trăm năm. Do vậy, chè ở Suối Giàng khác hẳn chè được trồng từ tất cả các vùng chè khác trên cả nước, bởi chỉ có chè ở đây mới có hương vị tự nhiên, màu nước vàng nhạt, vị chát dịu.

Ông M.K. Đe-gie-mu-khat-de - Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây đã ưu ái dành những lời nhận xét cho chè Suối Giàng: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới” (trích từ sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng).

Thu hoạch chè cổ thụ ở Suối Giàng

Theo truyền thuyết dân gian lưu truyền ở Suối Giàng, những ngày đầu di cư đến đây, qua bao nhiêu ngày vượt suối băng đèo, con người đã mệt lả và khi nằm nghỉ chứng kiến sau khi chim ăn lá một loài cây lạ vào hót rất hay. Người ta liền hái lá cây đó ăn thấy tinh thần phấn chấn và mạnh khỏe trở lại. Từ đó, người ta chọn nơi đây làm điểm dừng chân và cây chè cũng từ đó được giữ gìn, bảo vệ, dần dần thành loài chè đặc sản của xứ sở Tây Bắc. Dù chỉ là truyền thuyết, nhưng những câu chuyện đó cũng minh chứng cho sự độc đáo và quý hiếm của loại chè này.

Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi chè lá, chè búp, quyến rũ đến mức chỉ ngửi thôi ta cũng có cảm giác dưới đáy họng mình có vị chan chát, ngầy ngậy. Đúng là một thứ chè rất được nước, hương thơm, uống xong rồi dư vị vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi... Do đặc thù khí hậu nơi đây nên cây chè đặc biệt không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào, vì sâu bệnh không thể phát triển được. Mùa đông thường không có mặt trời và sương mù bao phủ, búp chè cũng ngậm sương mù, hái đến buốt tay.

Hiện, xã Suối Giàng có khoảng 394ha chè. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, qua thống kê cho thấy ở Suối Giàng có tới gần 40.000 cây chè cổ thụ có độ tuổi từ 200-300 năm, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì rất nhiều. Điều đặc biệt là từ khi thu hoạch đến khi chế biến, chè Suối Giàng đều dựa vào phần lớn phương pháp thủ công của người Mông. Trên thực tế, người dân trong xã Suối Giàng đã sống được nhờ cây chè và cây chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn của xã.

Có mất đi một di sản?

Cây chè Suối Giàng cổ thụ phủ một lớp rêu xanh nhạt và đôi khi trắng mốc, cộng với “dáng” rất chuẩn, tạo hình uốn lượn sù sì, nhưng lá lại xanh ngắt tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên khiến ai cũng thích thú. Nhìn bao quát cả đồi chè, mới hiểu tại sao xứ sở chè Suối Giàng hút hồn du khách đến thế. Có lẽ, trên thế giới hiếm có nơi nào có nhiều cây chè cổ thụ hàng hai, ba trăm năm tuổi như ở Suối Giàng. Hàng năm người dân nơi đây đều tổ chức cúng cây chè tổ. Tuy nhiên, cũng chính sự quyến rũ của chè cổ thụ mà hiện nay, một thú chơi mới rất nguy hiểm là mang cho được cây chè cổ thụ về trồng ở sân vườn nhà làm cảnh. Số lượng cây chè cổ thụ vì thế dần dần ít đi. Không rõ chính quyền địa phương có động thái nào để ngăn cản việc này, chứ hằng ngày du khách và những người yêu mến hương vị chè Suối Giàng không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những chiếc xe ben nối đuôi nhau chở các cây “cụ chè” cổ thụ về xuôi.

Việc bảo tồn giống chè quý này là cả một vấn đề khó vì các cơ quan, ban, ngành chức năng địa phương chưa có kế hoạch bảo tồn một cách dài hơi nguồn gen quý này. Ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Vài năm trở lại đây, người dân vùng chè Suối Giàng phát hiện cây chè có dấu hiệu bị bệnh, búp cây chè không xanh và cứng, xuất hiện tình trạng cây chè chết rải rác. Từ đầu năm 2011, năng suất và sản lượng búp chè thu hái đã giảm đáng kể. Hiện có tới trên 50ha chè bị nhiễm bệnh, khiến người dân trong xã lo lắng. Sau khi nhận được thông tin từ phía người dân, lãnh đạo xã Suối Giàng đã trực tiếp đi kiểm tra những cây chè chết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, xã cũng chưa xác định được cụ thể có bao nhiêu cây chè cổ thụ đã chết.

Được biết, vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn đã cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra tình hình thực tế tại xã Suối Giàng, qua đó cho thấy, một số cây chè ở Suối Giàng bị chết là do tuổi cao, số còn lại là do bị mối xông. Người dân xã Suối Giàng vẫn đang loay hoay tìm cách chữa trị cho những cây chè bị mối xông theo nhiều cách riêng, đến khi chữa không khỏi thì đành chặt bỏ những cây chè bị bệnh. Theo anh Sổng A Chu, một người dân ở xã Suối Giàng, mấy năm trở lại đây, “đại dịch mối” như vết dầu loang “gặm” hết chỗ này, sang chỗ khác khắp rừng chè cổ thụ ở Suối Giàng. Người Suối Giàng từ buồn rầu chuyển sang lo lắng và dần trở nên hoang mang về số phận rừng chè cổ thụ trăm tuổi.

Từ trước tới nay, ngành Du lịch Yên Bái đã quy hoạch Khu du lịch sinh thái Suối Giàng với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Do đó, việc chăm sóc và bảo vệ những cây chè cổ thụ đòi hỏi quyết tâm cao của những người dân và chính quyền các cấp để những cây chè cổ thụ trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Suối Giàng, một nguồn thu nhập ổn định của người dân. Đã đến lúc, địa phương và các ngành chức năng cần có những biện pháp tích cực, khẩn trương giúp đỡ người dân cứu những “cụ chè” ở Suối Giàng.

Khánh Linh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/suoi-giang-va-noi-lo-cua-cac-cu-che/