Từ 5 giờ sáng ngày 27/1, các bến đò luôn tấp nập dòng người ra vào đổ về chùa Hương.
Lối lên đền Trình chật cứng đò qua lại.
Dòng người hành hương, di chuyển trên suối Yến tấp nập.
Hiện nay, tại suối Yến có khoảng 4000 đò hoạt động phục vụ chuyên chở khách tham quan.
Với nhiều người, đi thuyền đêm từ sớm vào lễ chùa để có trải nghiệm và không ngần ngại mưa gió, lạnh giá.
Nhiều du khách cho biết, do e ngại cảnh tắc sông, chen lấn trên đường nên đã về chùa Hương dâng lễ bái Phật từ rạng sáng.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách tham dự ngày khai hội chùa Hương vào mùng 6 Tết Nguyên đán (ngày 27/1), lực lượng công an thành phố Hà Nội được điều động tăng cường từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán tại khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 3 năm Quý Mão).
Ông Hiển cho hay, điểm đổi mới năm nay đó là hình thức bán vé thăm quan và vé xuồng lễ hội năm 2023 từ vé truyền thống sang mô hình bán vé điện tử.
Cùng với đó, Ban tổ chức triển khai hệ thống xe điện với hơn 50 phương tiện phục vụ nhu cầu tham quan, vãn cảnh của người dân.
Trước đó, BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn mở cửa đón khách từ mùng 2 Tết.
Theo các lái đò trên suối Yến, lượng khách mùng 5 lớn hơn các ngày trước rất nhiều.
Ông Hiển cũng cho biết thêm, năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho du khách.
BQL di tích, Ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội đa dạng, hấp dẫn, phù hợp để người đi lễ hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội.
Hà Phương - Tuấn Anh/VOV.VN