Suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Ðồng chí Võ Chí Công trong một lần về thăm người dân huyện Hiệp Ðức, tỉnh Quảng Nam căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu V Ảnh: TƯ LIỆU

Cống hiến trọn đời cho cách mạng

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được đào luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ kể cả những lúc bị địch bắt, tù đày, đồng chí Võ Chí Công vẫn một lòng trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản, không sợ hy sinh gian khổ với nghị lực phi thường của người cộng sản, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ sớm, Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931. Tháng 5-1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ năm 1939 đến năm 1943, trước khi bị địch bắt đày đi Buôn Ma Thuột, là thời kỳ thực dân Pháp ra tay đánh phá, đàn áp dã man phong trào cách mạng, đồng chí vẫn kiên trì bám trụ trong lòng dân, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm bởi vòng vây của mật thám, đã lặn lội đến nhiều địa phương để khôi phục, củng cố lại tổ chức Đảng, nhằm duy trì sự lãnh đạo của Ðảng trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Nhờ đó nhiều tổ chức Đảng trong tỉnh vẫn được duy trì sau khi đồng chí bị địch bắt cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Lịch sử 9 năm kháng chiến của nhân dân Nam Trung bộ đã ghi rõ đồng chí có nhiều công lao trong việc xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng của Liên khu V. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí ra miền Bắc, được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ cho trở về miền Nam làm Bí thư Khu ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của khu V, trước mắt là đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Trải qua 4 năm, địch ra sức phá hoại hiệp định, gây thiệt hại hết sức to lớn cho phong trào cách mạng. Trước thực tế đó, đồng chí luôn trăn trở và suy nghĩ, đã đến lúc phải thay đổi phương pháp đấu tranh cách mạng. Năm 1959, đồng chí quyết định ra Hà Nội để xin ý kiến Trung ương và Bác Hồ, cho thay đổi phương pháp đấu tranh, cụ thể là đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị. Bác thấy đề nghị đó là đúng đắn, rất phù hợp với Ðề cương Cách mạng miền Nam của Trung ương Cục đồng chí Lê Duẩn vừa mới đem ra xin ý kiến Trung ương và Nghị quyết 15 đã ra đời, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn bằng trận tiến công của quân dân ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Lúc này, đồng chí là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, ở địa bàn Tây nguyên lãnh đạo quân dân toàn khu tiến công địch ở nhiều nơi, phối hợp chặt chẽ với sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch, góp phần giành thắng lợi oanh liệt giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975.

Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ sớm, Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931. Tháng 5-1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Nhà lãnh đạo có tầm chiến lược

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công ra Bắc nhận nhiệm vụ ở Trung ương, giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thủy sản. Giai đoạn này với sự chỉ đạo của đồng chí, ngành thủy sản đã vượt qua khó khăn, từng bước phát triển, dần trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Những năm 1980- 1981, đồng chí lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp. Ðồng chí đã trực tiếp đến tận các hợp tác xã nghiên cứu, so sánh kết quả của hai cách khoán để có quyết sách. Từ thực tế chứng minh cách khoán mới đạt hiệu quả kinh tế cao hơn do có động lực của lao động, đồng chí tích cực ủng hộ sáng kiến mới, cách làm mới này. Lãnh đạo Ðảng và Nhà nước lúc đó có quyết định ban hành Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng. Sau đó, Chỉ thị 100 ra đời được hàng triệu nông dân, xã viên hoan nghênh và tích cực thực hiện có hiệu quả, đã trở thành phong trào “tháo khoán” trong các hợp tác xã cả nước. Tiếp đó, đồng chí tham gia xây dựng cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

Thực hiện Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 đã đưa nông nghiệp nước ta phát triển đột phá, năng suất và sản lượng lương thực miền Bắc tăng nhanh, Nhà nước giảm được nhập khẩu, giải quyết đời sống cán bộ và nhân dân trong những năm kinh tế đất nước bị khủng hoảng.

Sau Ðại hội VI, đồng chí giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp. Ðồng chí chỉ đạo thực hiện đổi mới thành công hoạt động của cơ quan lập pháp, chủ yếu mở rộng dân chủ, nâng cao vai trò trách nhiệm của đại biểu nhân dân trong sinh hoạt Quốc hội để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ðồng chí chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1980 phù hợp đường lối đổi mới thành Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới ở nước ta.

Trong công tác, đồng chí Võ Chí Công được đánh giá là người luôn thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược. Đồng chí vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức, vừa là người hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, có nguyên tắc nhưng không máy móc mà hết sức linh hoạt; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc Đảng và nhân dân giao phó.

Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong sinh hoạt bình dị, gần gũi mọi người, chân thành, thẳng thắn, thân ái, chu đáo luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội và nhân dân, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đồng chí là người lãnh đạo được nhân dân tôn trọng, quý mến. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18- 5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5- 2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập và noi theo đồng chí Võ Chí Công, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Quảng Nam với những phẩm chất cao quý.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

THU THẢO (tổng hợp)

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/suot-doi-tan-trung-voi-nuoc-tan-hieu-voi-dan-a277016.html