Suy giãn tĩnh mạch do làm việc trong môi trường phải đứng lâu, ngồi nhiều

Ngày 28-11, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới cùng các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện. Trong số khoảng 200 người đến khám tại chương trình, tỷ lệ nữ giới chiếm đến 80%.

Khám, tư vấn miễn phí bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức ngày 28-11.

Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch - Hô hấp (Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Đức) cho biết, suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Hiện, bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 2-3 lần nam giới.

Suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở những người làm các nghề: Giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ dệt, cảnh sát giao thông... Do tính chất công việc, họ phải ngồi hoặc đứng lâu, khi đó, máu sẽ dồn xuống chân và ứ đọng lại.

"Đặc biệt, phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ làm tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới", bác sĩ Khổng Tiến Bình nói.

Bên cạnh đó, những người bị béo phì cũng rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do họ có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít chất xơ, lại có xu hướng ít vận động, cơ thể nặng nề dẫn đến áp lực lớn dồn đến chân và gây bệnh. Ngoài ra, các đối tượng như người cao tuổi, người từng trải qua phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, người nằm bất động do tai biến, bó bột, hoặc người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm thấp... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

"Điều đáng nói, bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ nên thường bị bỏ qua. Người bệnh đôi khi chỉ thấy đau tức mỏi nhẹ, tê bì, căng bắp chân, chuột rút... nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Đa phần các trường hợp đi khám khi bệnh đã nặng, việc điều trị khó khăn hơn. Thậm chí, ở giai đoạn cuối, bệnh gây viêm sưng, rất khó đi lại, đôi khi còn dẫn đến tình trạng loét chân, phải cắt cụt chi. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân bị tắc hệ tĩnh mạch sâu, nếu cục máu đông theo dòng máu trôi về tim rồi lên phổi có thể gây tắc động mạch phổi, dẫn đến tử vong", bác sĩ Khổng Tiến Bình cảnh báo.

Để phòng bệnh, bác sĩ Khổng Tiến Bình khuyến cáo, cần có tư thế ngồi đúng, không ngồi vắt chéo chân. Nếu công việc gò bó, phải ngồi nhiều cần thay đổi tư thế thường xuyên. Với phụ nữ, cần thay đổi thói quen ăn mặc, mặc đồ thoáng hơn, không đi giày cao gót. Buổi tối khi đi ngủ, kê chân cao hơn so với mặt giường để máu dễ dàng về tim. Ngoài ra, hằng ngày áp dụng bài xoay tròn gót chân, nhón gót chân, bài tập mũi bàn chân, giơ chân... Khi vận động thể thao, nên tránh các môn thay đổi nhanh tư thế như: Cầu lông, bóng đá, mà thay bằng bơi lội, đi bộ, đạp xe. Lưu ý, khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh tránh ngâm chân bằng nước ấm, nước nóng vì khiến mạch dễ bị giãn to hơn.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/984776/suy-gian-tinh-mach-do-lam-viec-trong-moi-truong-phai-dung-lau-ngoi-nhieu