Suy ngẫm chuyện làm từ thiện

Làm từ thiện là một trong những hành động đẹp được nhiều người ủng hộ, lan tỏa, nhất là khi xảy ra thiên tai, hoạn nạn đột xuất. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tốt đẹp, mỗi đợt có hoạt động từ thiện quy mô diễn ra, lại không thiếu những 'hạt sạn' đính kèm, tạo dư luận không tốt. Dù xuất phát từ suy nghĩ hay hành động, chúng ta cũng cần suy ngẫm để những hành động từ tâm thực sự phát huy ý nghĩa.

Cơn bão số 3 vừa càn quét các tỉnh miền Bắc, để lại những thiệt hại nặng nề. Rất nhiều hoạt động thiện nguyện cứu trợ của các tỉnh trên cả nước hướng về những địa phương chịu thiệt hại cũng là tâm điểm người dân chú ý. Những ngày này, mạng xã hội (MXH) tràn ngập thông tin cập nhật tình hình mưa lũ, với trạng thái bày tỏ sự lo lắng, cảm thông với đồng bào, lan tỏa lời kêu gọi chung tay hỗ trợ bà con đang hoạn nạn. Đó là nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Trong khi những hành động đẹp đang được lan tỏa, cũng có không ít tổ chức, cá nhân có cách nghĩ, cách làm khiến cộng đồng phải trăn trở. Một số người cho rằng việc hỗ trợ hiện nay đang bị MXH dẫn dắt, khi chưa xác minh rõ nơi đó đang cần gì, mà chỉ dựa vào một số cá nhân đăng tải làng A, xã B… đang thiếu hỗ trợ, lập tức các nguồn hàng hóa đổ tập trung về. Bên cạnh đó, nhiều đoàn cứu trợ mang quá nhiều thực phẩm, đồ dùng không phù hợp lên vùng lũ, trong khi điều kiện tại nơi tiếp nhận rất khó sử dụng vào lúc này.

Học sinh quyên góp quần áo ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3

Học sinh quyên góp quần áo ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3

Trong cách kêu gọi ủng hộ từ thiện, có nơi đặt “tiêu chí” rất khó hiểu. Chị N.P. (huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Đọc tin tức thấy bà con đang gặp ảnh hưởng thiệt hại, tôi rất đau lòng. Cùng lúc đó, 1 trang Facebook nổi tiếng trong tỉnh kêu gọi cứu trợ bằng quần áo, không nhận tiền. Tôi thấy rất ý nghĩa và cần thiết, nên vội vàng đóng gói 1 bao đồ nhờ người gửi sang TP. Long Xuyên. Tuy nhiên, khi đến nơi, đại diện nhóm trên cho biết không nhận quần áo cũ, chỉ nhận quần áo mới hoàn toàn chưa qua sử dụng. Thiết nghĩ trong hoàn cảnh khó khăn, bà con cả nước san sẻ trong khả năng, tại sao phải đặt tiêu chuẩn lạ lùng này. Tôi thà gửi tiền mặt đến các tổ chức quyên góp, còn hơn bỏ tiền ra mua quần áo mới”.

Rất nhiều năm qua, mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, bão lũ, dù ở nơi nào, Nhân dân các tỉnh còn lại đều chung tay giúp đỡ, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”. Ngoài các nguồn lực đóng góp theo kêu gọi của UBMTTQVN các cấp, hội, nhóm từ thiện… mỗi người dân còn nghĩ cách giúp đỡ thêm bằng khả năng riêng của mình. Chẳng hạn, học sinh sẽ đóng góp bằng số tiền ăn sáng hoặc tiết kiệm được; giáo viên giúp đỡ nhau bằng các thiết bị dạy học; người dân góp gạo, nhu yếu phẩm, quần áo, thuốc men… Thế nhưng, trước những lời kêu gọi, có người lên MXH bày tỏ, học sinh đi học còn nhỏ, chưa làm ra tiền, việc từ thiện là tự nguyện, sao phải kêu gọi trong học sinh… là vô lý.

Chị Nguyễn Thanh Triều (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) bày tỏ: “Tôi không có điều kiện, nên lựa tất cả đồ đạc còn tốt đóng gói đem gửi ra miền Bắc. Các con của tôi cũng phụ một tay, đến nơi tiếp nhận ủng hộ để phụ viết thư, gói hàng… Tôi mong con mình học được bài học trân trọng những gì đang có và biết san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Đến trường, các cháu chỉ có số tiền nhỏ góp cùng các bạn để ủng hộ đồng bào nơi bão lũ. Theo tôi, quan trọng không phải ở con số đóng góp nhiều hay ít, mà là tấm lòng và bài học các con đón nhận. Thế nhưng, lại có những suy nghĩ phủ định cách giáo dục này, thật đáng trăn trở”.

Hành trình diễn ra các hoạt động từ thiện, những ngày đầu cứu trợ, do tình hình ngập lụt, sạt lở, người dân sống trong đợt bão lũ đi qua không có điện, nhiên liệu, rất bất tiện nấu nướng… Ưu tiên lúc này là tiếp tế thực phẩm đơn giản, có thể sử dụng ngay, nên những túi hàng được hút chân không với bánh mì, nước suối, lương khô, sữa… đẩy lên tuyến đầu. Chưa rõ thực hư có đúng từ người nhận hay không khi có clip “phàn nàn” bánh mì hỗ trợ bị khô cứng, hư hỏng. Làn sóng một bộ phận dư luận cho rằng trong điều kiện thiếu thốn, có gì giúp nấy, mà người tiếp nhận còn đòi hỏi, khen chê…

Anh Phan Tôn (thành viên 1 nhóm thiện nguyện ở TP. Long Xuyên) cho biết, tuy không trực tiếp theo đoàn ra các tỉnh miền Bắc, nhưng hành trình cứu trợ được nhóm cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Hàng hóa đến nơi, bà con đều đón nhận rất trân trọng. “Qua nhiều mùa lũ, hầu như ai cũng có kinh nghiệm bảo quản thực phẩm. Tôi cho rằng những thông tin không mấy tốt đẹp chỉ là trường hợp hy hữu hoặc một số thành phần cố ý chia rẽ. Sau khi đọc thông tin, người dân rất cần xác minh rõ, tỉnh táo và có sự sàng lọc. Trong tình thế khó khăn lúc này, không nên để những “hạt sạn” làm ảnh hưởng mối đoàn kết của dân tộc” - anh Tôn chia sẻ.

Vài năm trước, chuyện quyên góp từ thiện đã xảy ra những trường hợp không hay, nhất là ủng hộ tiền. Vì vậy, ở lần kêu gọi này, nhiều tổ chức từ thiện chủ yếu tiếp nhận hàng hóa, không nhận tiền để tránh phiền phức không mong muốn xảy ra. Thực tế, sau khi bão lũ đi qua, còn rất nhiều khó khăn của người dân cần được chia sẻ, tái thiết cuộc sống. Do đó, ủng hộ tiền mặt cũng rất cần thiết, quan trọng là người ủng hộ chọn đúng địa chỉ, kiểm tra kỹ thông tin để tránh gửi lòng tốt nhầm chỗ. Hầu hết các tổ chức, đơn vị, hội, đoàn thể ở các địa phương hiện nay kêu gọi ủng hộ tiền mặt và chuyển toàn bộ về UBMTTQVN cấp huyện hoặc tỉnh.

Làm từ thiện là một nghĩa cử đẹp, thể hiện tinh thần đùm bọc của đồng bào dành cho nhau, không phải thước đo nhân cách. Nên chăng chúng ta xác định làm việc lớn thì cần bỏ qua những vụn vặt bên lề, nơi nào cách làm bất cập thì góp ý để cải thiện tốt hơn; ai có cách làm thiết thực thì hết sức ủng hộ… thay vì “cào bàn phím” phán xét mà không góp được hành động nào có ích cho người dân lúc này.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/suy-ngam-chuyen-lam-tu-thien-a405872.html