Suy ngẫm về gia đình từ phim Nhà bà Nữ

Cảnh trong phim Nhà bà Nữ. Ảnh: Internet

Không ngẫu nhiên mà các phim về đề tài gia đình đang trở lại và được khán giả yêu thích. Mỗi bộ phim đi vào từng lát cắt của cuộc sống gia đình, vui có, buồn có mà dường như người xem nào cũng từng trải qua.

Một trong số đó phải kể đến Nhà bà Nữ - bộ phim đạt doanh thu kỷ lục trong dịp tết Nguyên đán vừa qua của Trấn Thành. Phim thực sự thu hút người người, nhà nhà theo dõi và đắm chìm trong câu chuyện về các mối quan hệ trong gia đình.

Những lát cắt chân thực

Nhà bà Nữ là tác phẩm điện ảnh do Trấn Thành làm đạo diễn, biên kịch và góp mặt với vai phụ. Phim gây chú ý từ giai đoạn công bố cuối năm ngoái sau thành công của Bố già (2021).

Nhà bà Nữ - một gia đình ba thế hệ với bốn người phụ nữ là bà ngoại Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu thủ vai), người mẹ Ngọc Nữ (Lê Giang thủ vai), chị gái Ngọc Như (Khả Như thủ vai) và con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân thủ vai). Phim xoay quanh mối quan hệ giữa bà Nữ - chủ một tiệm bánh canh cua, vốn là người mẹ khó tính, nặng gánh cơm áo gạo tiền. Trong quá khứ, bà Nữ từng bị phụ bạc bởi chính người chồng “đầu gối tay ấp” của mình. Từ đó, bà Nữ vốn đã khắc nghiệt lại càng hằn học với đàn ông. Thậm chí, bà còn cấm cản con gái út Ngọc Nhi trước các mối quan hệ yêu đương. Tuy nhiên, Ngọc Nhi đã cãi lời mẹ và lén lút qua lại với John (Song Luân thủ vai) - Việt kiều mới về nước. Đỉnh điểm là khi bà Nữ phát hiện Nhi có bầu. Trước những xung đột, Nhi bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận “trái đắng”.

Tuy bị đánh giá thiếu chất điện ảnh song Nhà bà Nữ vẫn lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Cả cuộc đời bà Nữ cũng chỉ mong muốn dành sự yêu thương, chở che cho con cái bằng cách riêng của mình. Một người phụ nữ lại là trụ cột của gia đình, thức khuya dậy sớm, đến từng phòng gõ cửa kêu các thành viên trong gia đình thức dậy, từng chiếc quần con của con gái út cũng được bà xếp gọn gàng... Sự khắt khe, áp đặt của bà Nữ chỉ vì mong muốn con cái có cuộc sống ổn định, có tương lai. Thế nhưng đôi khi sự hy sinh quá nhiều sẽ gây ra tác dụng ngược. Sự bao bọc quá đà thành ra can thiệp, con cái sẽ cảm thấy không được sống theo những gì chúng muốn. Thay vào đó, mẹ cha nên trở thành những người bạn cùng cảm thông, sẻ chia trên hành trình con đang đi.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa bà Nữ và chàng rể Phú Nhuận (Trấn Thành thủ vai) và giữa Phú Nhuận với Ngọc Như cũng đã mang lại nhiều bài học sâu sắc. Trong phim, Nhuận ăn mặc khá xuề xòa và kém sắc, cam chịu sống cùng những người phụ nữ của nhà vợ. Hay huênh hoang về vị trí chủ gia đình nhưng thực tế, Nhuận không có tiếng nói trong nhà, thường bị mẹ vợ và vợ khinh ra mặt. Lâu dần, những uất ức ngày càng tích tụ và cuối cùng “tức nước vỡ bờ”, dẫn đến cuộc hôn nhân của con gái bà Nữ đổ vỡ.

Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi

Không phải là bộ phim Việt quá xuất sắc, không có nhiều đầu tư về kỹ xảo nhưng Nhà bà Nữ đã chạm đến trái tim khán giả ở những tình tiết rất gần gũi, đời thường. Khi tôi hỏi một người bạn thân thiết, bạn ấy trả lời: “Tôi không biết phim hay hay không, nhưng chỉ thấy rất nhớ gia đình mình và chỉ muốn về bên mẹ ngay khi xem xong bộ phim này”. Theo nhiều khán giả, Nhà bà Nữ mang thông điệp đầy ý nghĩa: Trên đời này, ai cũng có nỗi khổ. Cha mẹ có nỗi khổ của cha mẹ. Con cái có nỗi khổ của con cái. Khi sống chung, chúng ta cần nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn. Có như vậy thì gia đình mới hòa thuận. Phim Nhà bà Nữ thật sự thức tỉnh những cái tôi cao ngạo và ích kỷ, hướng người xem vào sự cảm thông và sẻ chia, biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy ngẫm.

Bộ phim còn mang một thông điệp sâu sắc gửi đến mỗi người trong gia đình, đó là cần và phải biết nói lời cảm ơn, xin lỗi với nhau ngay khi còn có thể, như lời thoại được nhắn nhủ đọng lại trong phim: “Đã bao lâu rồi con chưa nói lời xin lỗi”. Xin lỗi một người, nhất là trong mối quan hệ cha mẹ - con cái khó lắm, nhưng nói được thì dễ thương vô cùng. Xin lỗi để học cách nhận thức được rằng, gia đình là nơi những người sống trong đó đều yêu thương, hy sinh cho nhau. Hãy để con cái được sống với cuộc đời của mình, và hãy để con cảm thấy bản thân mình được sống có ý nghĩa.

Lý giải về sự thành công của bộ phim, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập chia sẻ: “Phim đầy những diễn giải, những giáo lý nhưng đánh trúng các vấn đề gia đình đương thời. Khán giả đôi khi không đặt yếu tố hay dở, chỉ cần nói trúng những gì họ đang thèm nghe là được”.

Chị Nguyễn Thị Thảo Loan, một khán giả ở xã An Chấn, huyện Tuy An cho rằng: “Bất cứ thời đại nào, gia đình và những giá trị của gia đình luôn được xã hội đề cao, trân trọng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, gia đình luôn chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của cơ chế thị trường, đời sống hiện đại. Ai trong gia đình đều cũng rất dễ bị mắc sai lầm, vì vậy, các thành viên cần bao dung, giúp đỡ nhau vượt qua sóng gió để mọi người nhận thức được rằng, gia đình là nơi những người sống trong đó đều yêu thương nhau”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/294452/suy-ngam-ve-gia-dinh-tu-phim-nha-ba-nu.html