Suy nghiệm lời Phật : Thân kính với bà con
Bà con nội ngoại thân tộc nói chung là những người cùng huyết thống và tình thâm. Bà con và láng giềng luôn thương yêu, che chở, giúp đỡ cho ta. Ta như cội cây, bà con và láng giềng như khu rừng. Cội cây và khu rừng nương tựa vào nhau, chở che cho nhau mà đứng vững trước bão giông cuộc đời.
Tuy vậy, mối quan hệ bà con cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù.
Bà con nội ngoại thân tộc nói chung là những người cùng huyết thống và tình thâm - Ảnh minh họa
Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con. Thân là thân tình, thân thiết vì là ruột thịt. Kính là kính trọng, tôn kính mọi người. Thân thuộc về tình cảm, luôn thân mật gần gũi. Kính thuộc về đạo hạnh, giữ tôn ti thứ bậc. Thân và kính phải hài hòa thì mối quan hệ bà con mới đầm ấm, vững bền.
“Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người. Bấy giờ, vào lúc thích hợp, Ðức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Lúc bấy giờ tại thành La-duyệt-kỳ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sinh, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu vườn công cộng sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới mà lạy khắp cả.
…
Phật lại bảo Thiện Sinh:
- Này Thiện Sinh, người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con: 1- Chu cấp, 2- Nói lời hiền hòa, 3- Giúp đạt mục đích, 4- Đồng lợi, 5- Không khi dối.
- Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại: 1- Che chở cho mình khỏi buông lung, 2- Che chở cho mình khỏi hao tài vì buông lung, 3- Che chở khỏi sự sợ hãi, 4- Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người, 5- Thường ngợi khen nhau.
- Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Thiện Sinh, số 16 [trích])
Trong năm điều thân kính với bà con, “nói lời hiền hòa” và “không khi dối” có vai trò rất quan trọng. Lời nói với bà con phải hiền và hòa. Mọi sự ghét thương, đoàn kết hay ly tán đều bắt nguồn từ lời qua tiếng lại trong gia đình, đến bà con và xóm làng. Nếu không kiểm soát và chuyển hóa lời nói sao cho vừa hiền lại vừa hòa thì hiểu nhầm, bực tức, giận hờn có thể xảy ra. “Không khi dối” tức không khinh khi và dối gạt người thân. Bà con là chỗ ruột thịt, nếu ai đang tâm dối gạt cả bà con thì người ấy chẳng từ bất cứ chuyện xấu ác nào. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người quyết không nhìn mặt, thậm chí tuyệt tình.
Người bà con cũng vậy, trước sự thân kính của cháu con, thân tộc thì bà con cũng cần thương yêu, che chở, khuyên răn và đùm bọc. Bà con đích thực thì luôn răn nhắc cho cháu con không buông lung, bảo vệ không để chúng hao tài, chở che lúc chúng sợ hãi. Quan trọng là, điều gì không nên thì đóng cửa dạy nhau, còn bên ngoài thì luôn bảo vệ danh dự cho con cháu. Nhất là, thường động viên, khen ngợi, tán trợ trước những cố gắng vượt khó cũng như những thành công của chúng. Sự tán dương khích lệ đúng lúc sẽ giúp cho cháu con và mọi người hân hoan, vui vẻ, lạc quan để vươn tới thành công.
Đức Phật khẳng định, người biết thân kính với bà con như vậy thì thân tộc yên ổn, không điều chi phải lo sợ.
Quảng Tánh / Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phathoc/2020/09/25/1fd09b/