Suy thận giai đoạn cuối ở tuổi 27, bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép quả thận do mẹ hiến tặng

Người hiến là mẹ ruột của người bệnh H – cặp ghép có cùng huyết thống. Trước tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng của con, người mẹ đã tự nguyện hiến thận.

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp tục ghi dấu mốc quan trọng khi thực hiện thành công ca ghép thận thứ 3, đưa kỹ thuật ghép thận dần trở thành thường quy tại bệnh viện. Khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực ghép tạng - kỹ thuật mới, hiện đại, ngang tầm các bệnh viện tuyến trung ương. Trước đó, hai ca ghép đầu tiên vào tháng 4/2025 đã thành công, người bệnh ổn định và đã được xuất viện.

Người bệnh N.T.H, 27 tuổi, trú tại Đông Triều, mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Thay vì chuyển tuyến lên Hà Nội để triển khai ghép thận, gia đình người bệnh H đã đặt niềm tin thực hiện tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Sau gần 3 tuần hoàn tất đánh giá chuyên môn, xét nghiệm, hồ sơ pháp lý… cặp ghép được xác định. Người hiến là mẹ ruột của người bệnh H – cặp ghép có cùng huyết thống. Trước tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng của con, người mẹ đã tự nguyện hiến thận.

Các bác sĩ tiến hành rửa thận. Ảnh BVCC

Các bác sĩ tiến hành rửa thận. Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, được thực hiện bởi đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí dưới sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Quá trình ghép diễn ra thuận lợi, thận ghép bài tiết tốt, có nước tiểu ngay sau khi nối xong niệu quản. Hiện sức khỏe cả người hiến và người nhận đều ổn định.

Thành công liên tiếp 3 ca ghép thận không chỉ là bước tiến chuyên môn, mà còn là minh chứng rõ nét cho năng lực làm chủ kỹ thuật cao của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nói riêng và đội ngũ thầy thuốc của tỉnh Quảng Ninh nói chung. TS.BS Trần Anh Cường – Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: "Ngay từ khi triển khai mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có thể đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy để phục vụ người dân tỉnh nhà và điều đó đã dần trở thành hiện thực."

Các bác sĩ tiến hành mổ nội soi lấy thận. Ảnh BVCC

Các bác sĩ tiến hành mổ nội soi lấy thận. Ảnh BVCC

Bệnh thận mạn, suy thận là gánh nặng toàn cầu, với khoảng 843,6 triệu người đang sống chung với bệnh, tương đương cứ 10 người có 1 người mắc bệnh. Trong đó, có khoảng 41,5% trường hợp không qua khỏi. Dự báo đến năm 2040, bệnh thận mạn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên thế giới.

Tại Việt Nam, Hội lọc máu Việt Nam ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn. Đáng chú ý, mỗi năm cả nước ghi nhận có thêm khoảng 8.000 ca bệnh mới. Đây là nguyên nhân tử vong do bệnh đứng thứ 8 tại Việt Nam.

Hiện có nhiều trường hợp mắc bệnh suy thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ. Điều đó dẫn đến việc điều trị bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Người bệnh cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ bao gồm duy trì đúng phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng, lối sống phù hợp. Cần tái khám định kỳ đúng theo lịch để bác sĩ theo dõi quá trình phục hồi, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường nhằm đưa ra phương án xử lý đúng, phù hợp.

H.Anh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/suy-than-giai-doan-cuoi-o-tuoi-27-benh-nhan-duoc-cuu-song-nho-ghep-qua-than-do-me-hien-tang-172250515103258094.htm