Suy thận khi mới 19 tuổi

Không chỉ những mái đầu đã điểm bạc, giờ đây, tại các phòng chạy thận xuất hiện thêm nhiều bệnh nhân trẻ hơn, có người chưa bước sang ngưỡng 30, có người chỉ mới qua tuổi 20.

 Một bệnh nhân trẻ mắc suy thận mạn đang được lọc máu. Ảnh: Duy Hiệu.

Một bệnh nhân trẻ mắc suy thận mạn đang được lọc máu. Ảnh: Duy Hiệu.

Đồng hồ điểm 7h, phòng Lọc máu 1, khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) bắt đầu vang lên âm thanh “tít tít” đều đều từ những chiếc máy lọc máu.

Chẳng ai trò chuyện với ai, gần 30 người với nước da sạm đen, thả ánh mắt vào trong vô định, âm thầm chờ đợi những dòng máu đã được lọc sạch chảy tràn vào trong cơ thể.

Nằm trong góc phòng, Trương Hoàng Vũ (TP Thủ Đức) cố tìm niềm vui từ những trò chơi trên điện thoại, mong thời gian nhanh chóng trôi đi. Ở tuổi 23, giữa những mái đầu đã điểm bạc, Vũ là gương mặt trẻ nhất trong phòng chạy thận.

Suy thận vì lao động nặng, không màng sức khỏe

12 tuổi, Vũ nghỉ học, bắt đầu những ngày tháng theo chân ba mẹ mưu sinh. Ở đâu có công trình, anh lao vào đảm nhận việc quét vôi, trộn vữa... Mải mê làm bạn với xi măng, đất cát, Vũ gần như bỏ quên sức khỏe.

Căn bệnh suy thận đến với chàng trai một cách âm thầm. Bắt đầu từ những cơn chóng mặt thoáng qua cho đến những lần đi tiểu đêm nhiều không kể siết, Vũ lờ mờ nhận ra sức khỏe bản thân đang tuột dốc. Các triệu chứng ấy bám riết suốt 2 tháng ròng, Vũ mới quyết định đi khám.

Bệnh thận được chia thành 5 giai đoạn, ngay trong thời khắc biết đến hai từ “suy thận”, Vũ đã ở cuối đoạn đường. Cầm trên tay giấy chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, Vũ thầm hiểu nửa đời sau của mình buộc phải gắn liền với máy chạy thận nhân tạo. Khi ấy, chàng trai mới vừa tròn 19 tuổi.

 Đều đặn 3 ngày/tuần, Vũ đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo. Ảnh: Kỳ Duyên.

Đều đặn 3 ngày/tuần, Vũ đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo. Ảnh: Kỳ Duyên.

“Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình mắc bệnh suy thận ở tuổi trẻ như thế”, anh tâm sự.

Ở tuổi 23, chân Vũ bị "cột chặt" với giường lọc máu. Không có những chuyến đi chơi, tụ tập cùng bạn bè, cuộc đời anh quẩn quanh cung đường từ nhà đến viện.

Đều đặn 3 ngày/tuần, Vũ lại đến bệnh viện để lọc máu, cố duy trì sự sống cho quả thận gần như đã mất hoàn toàn chức năng. Sau khi xong ca lọc máu, anh trở về lán được dựng tạm tại công trình để ngả lưng.

Vũ nghỉ việc, nhưng ba mẹ anh vẫn ở đấy, tiếp tục những ngày tháng rong ruổi theo công trình để có tiền trang trải cho 3 bữa ăn, cùng với những ngày chạy thận bất tận của Vũ.

“Tháng trước, tôi bị phù phổi. Đây là lần thứ 3 hay thứ 4 trong suốt nhiều năm nay. Những lúc như thế tôi không thở nổi”, Vũ kể.

 Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Kỳ Duyên.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Kỳ Duyên.

Nằm trên giường chạy thận, anh Đặng Ngọc Tú (31 tuổi, TP Thủ Đức) lặng nhìn các điều dưỡng hối hả ghi chép các chỉ số, theo dõi nồng độ dịch lọc. Cánh tay anh chi chít những cục u to nhỏ.

Giống như Vũ, anh Tú cũng có nhiều năm bôn ba làm việc, dốc sức lực để kiếm tiền. 5 năm trước, anh đột nhiên đau thắt lưng nặng, người xuống sức nhanh chóng. Với đặc thù công việc thường xuyên khuân vác nặng, anh Tú đinh ninh rằng mình chỉ đơn thuần bị đau cột sống, căn bệnh mà hàng trăm, hàng nghìn người trẻ ngoài kia vẫn đang mắc mỗi ngày.

 Cánh tay của bệnh nhân chạy nhiều năm. Ảnh: Việt Linh.

Cánh tay của bệnh nhân chạy nhiều năm. Ảnh: Việt Linh.

Anh tình cờ biết bản thân mắc bệnh suy thận trong một lần đi khám bệnh loét bao tử. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn cuối. Hai quả thận tổn thương nghiêm trọng, mức lọc cầu thận gần như chạm đáy.

5 năm chạy thận, anh Tú chỉ quanh quẩn ở nhà, gần như không đi làm vì sức khỏe không cho phép. Chi phí sinh hoạt gia đình, lọc máu, tất cả đổ dồn lên người em trai kém anh vài tuổi.

“Chạy thận thế này rất mệt, cơ thể yếu đi nhanh chóng, hầu như chẳng làm được gì. Người mắc bệnh thận còn phải kiêng khem rất nhiều thứ. Tôi không thể ăn mặn, không thể ăn rau củ hay thậm chí là trái cây”, anh tâm sự.

Nhiều bệnh nhân suy thận dưới 40 tuổi

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Bùi Thanh Hiếu, khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết đơn vị này hiện tiếp nhận khoảng 180 bệnh nhân bị bệnh thận mạn đang lọc máu. 30 giường chạy thận, 29 máy lọc máu gần như hoạt động hết công suất suốt 3 ca mỗi ngày.

Những bệnh nhân chạy thận tại đây, có những người đã gần 70 tuổi, hàng chục năm trời gắn liền với máy lọc máu, cũng có người chưa bước sang ngưỡng 30. Trong đó, tỷ lệ người dưới 40 tuổi chiếm khoảng 25-30% trong số các bệnh nhân chạy thận. Con số này liên tục tăng qua từng năm, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây.

“Với sự tiến bộ của công nghệ hiện nay, bệnh nhân chạy thận khi được chăm sóc tốt vẫn có thể kéo dài tuổi thọ hơn so với trước đây”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

 Một bệnh nhân 20 tuổi bị suy thận được điều trị tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Một bệnh nhân 20 tuổi bị suy thận được điều trị tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Bác sĩ Hiếu chỉ ra các bệnh nhân có sẵn các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp… là đối tượng dễ mắc suy thận nhất. Thời gian gần đây, tỷ lệ người trẻ mắc các mặt bệnh này gia tăng, điều này kéo theo xu hướng trẻ hóa suy thận.

Kế tiếp là nhóm những người sử dụng thuốc giảm đau, thuốc đông y, thực phẩm chức năng… không rõ nguồn gốc. Nếu sử dụng không đúng liều lượng hoặc không được chỉ định của bác sĩ, khả năng tăng độc tính lên thận cao và dẫn đến suy thận.

Ngoài ra, những người mắc các bệnh tự miễn, bệnh cầu thận như lupus ban đỏ, hội chứng thận hư… và người béo phì cũng có nguy cơ dẫn đến suy thận.

Cuối cùng là các yếu tố liên quan đến lối sống. Một số sai lầm của người trẻ như uống nước ít, làm việc cật lực cũng sẽ tăng áp lực lên thận, dẫn đến suy thận.

Để hạn chế nguy cơ suy thận, bác sĩ Hiếu khuyến cáo người dân, đặc biệt là người trẻ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện những biểu hiện sớm của bệnh thận.

Đối với người mắc bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường nên thường xuyên tái khám và điều trị các bệnh lý này để kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp.

“Điều quan trọng là người trẻ cần duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Ngoài ra, việc bổ sung nước cho cơ thể là rất cần thiết. Lượng nước nạp vào cơ thể mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào cân nặng và tần suất lao động của họ”, bác sĩ Hiếu nói.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-tre-gan-lien-cuoc-doi-voi-may-chay-than-post1499426.html