Suy thoái 1 triệu km2 đất mỗi năm trên phạm vi toàn cầu

Ngày 23/2, Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng suy thoái đất đang lan rộng với tốc độ đáng báo động, đe dọa khí hậu, đa dạng sinh học và an ninh lương thực toàn cầu.

Báo cáo của PIK cho rằng, diện tích đất bị suy thoái đã lên tới 15 triệu km2. Cũng theo PIK, trước đây, hệ sinh thái đất hấp thụ gần 1/3 lượng khí CO2 do con người thải ra. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, khả năng này đã giảm 20% do nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân chính, theo PIK, là các phương pháp canh tác không bền vững, chiếm 80% nguyên nhân mất rừng. Những kỹ thuật này bao gồm sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và chuyển hướng nước, làm xói mòn đất, cạn kiệt nguồn nước và gây ô nhiễm hệ sinh thái...

Tình trạng suy thoái đất hiện tập trung ở các khu vực khô hạn như Nam Á, vùng High Plains và California (Mỹ), cùng Địa Trung Hải... Hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới sống tại các vùng đất khô hạn, trong đó châu Phi chiếm 3/4 diện tích này. Điều này gây ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng, đặc biệt với các quốc gia và nhóm dân cư thu nhập thấp. Trong đó, phụ nữ phải đối mặt với khối lượng công việc và rủi ro sức khỏe gia tăng, còn trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng và gặp khó khăn trong học tập.

Báo cáo của PIK cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu làm gia tăng suy thoái đất thông qua các đợt hạn hán kéo dài và lũ lụt ngày càng mạnh với khoảng 1 triệu km2 mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, theo TS Claudia Hunecke từ PIK: "Các nhà hoạch định chính sách cần tập trung mạnh mẽ hơn vào đất như một nền tảng cho sự bền vững toàn cầu. Việc bỏ qua suy thoái đất có thể đẩy nhân loại vượt ra khỏi giới hạn an toàn, làm trầm trọng thêm áp lực tài nguyên, nghèo đói, di cư và xung đột". Bà cũng kêu gọi các chính sách không chỉ tập trung vào tác động môi trường mà còn giải quyết các hậu quả xã hội và kinh tế do sử dụng đất gây ra.

Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, mỗi phút diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn cầu tương đương với 4 sân bóng đá. Hiện thế giới cần thêm khoảng 300 triệu héc ta đất sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong khi các vùng đất trở thành hoang mạc vẫn không dừng lại.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suy-thoai-1-trieu-km2-dat-moi-nam-tren-pham-vi-toan-cau-10300417.html