Suy thoái cận kề, các cầu quỹ đầu tư Trung Đông vẫn bộn tiền
10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất vùng Vịnh có tổng cộng gần 4.000 tỷ USD - nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp hoặc Anh. Chứng tỏ nguồn lực tài chính và sức mạnh tăng trưởng của khu vực này.
Nền tảng dữ liệu Global SWF nhận định các quỹ đầu tư quốc gia tại vùng Vịnh dự kiến sẽ hoạt động tích cực hơn và đóng vai trò lớn hơn trên thị trường toàn cầu trong năm 2023 nhờ doanh thu tăng từ dầu mỏ.
Gần đây, dòng chảy của các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài, các nhà đầu tư mạo hiểm, công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực tiên tiến như fintech, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ năng lượng tái tạo đang đổ vào Trung Đông vì nhìn thấy tiềm năng của khu vực này.
“Trước đây, vùng Vịnh chỉ đầu tư ra bên ngoài. Bây giờ loạt các nhà đầu tư đang đổ về đây đầu tư,” Marc Nassim, đối tác đồng thời là giám đốc điều hành tại ngân hàng đầu tư Awad Capital (Dubai) chia sẻ với CNBC.
Trong khi đó, Stephen Heller, đối tác sáng lập tại quỹ đầu tư mạo hiểm AlphaQ (Đức) tin rằng tình hình và tiềm năng kinh tế của Trung Đông đang ổn định hơn so với châu Âu.
Gần đây, Heller - nhà đầu tư luôn theo xu hướng lớn như công nghệ khí hậu, cơ sở hạ tầng, y tế và fintech cũng đã mở văn phòng đầu tiên ở Trung Đông tại Abu Dhabi.
“Ngày nay, tiềm năng vô hạn của ngành năng lượng đang nở rộ ở cả UAE và Ả Rập Xê-út”, ông nói.
Trong hai năm qua, giá dầu tăng trở lại như vũ bão, các quỹ đầu tư công của vùng Vịnh đã vung tiền chi tiêu. Năm 2022, 5 quỹ đầu tư khu vực hàng đầu phải kể đến ADIA, ADQ và Mubadala (Abu Dhabi), PIF (Ả Rập Xê-út) và QIA (Qatar) - đã triển khai tổng cộng hơn 73 tỷ đôla chỉ riêng trong năm ngoái, theo tổ chức theo dõi quỹ tài sản có chủ quyền Global SWF
Từ lâu, trong khi nhiều công ty nước ngoài coi vùng Vịnh đầu tư “tiền phung phí” thì một số nhà quản lý đầu tư địa phương cho biết khu vực này đã đầu tư một cách tinh vi hơn, chọn lọc và thẩm định kỹ càng hơn.
Đặc biệt, tại UAE, các cải cách tự do hóa, cách xử lý đại dịch Covid-19 được ca ngợi nhiều và khi sẵn sàng hợp tác kinh doanh với bất kỳ ai – kể cả các quốc gia như Israel và Nga – đã nâng cao hình ảnh của họ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở Ả-rập Xê-út, các nhà tài chính bị thu hút bởi những cải cách mang tính lịch sử và thị trường tăng trưởng mạnh với gần 40 triệu người, khoảng 70% trong số họ dưới 34 tuổi.
Tiền từ các quỹ của GCC vẫn chủ yếu được chuyển đến các thị trường phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ và Châu Âu. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ khí hậu, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp và chuyển đổi kỹ thuật số, các nhà quản lý quỹ cho biết.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ sự bùng nổ kinh tế nào liên quan đến hàng hóa, vận may có thể thay đổi – cách đây không lâu, đại dịch đã đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các chính phủ vùng Vịnh phải kiểm soát chi tiêu và đưa ra các loại thuế mới. Ả-rập Xê-út và UAE nói riêng đang đầu tư mạnh vào đa dạng hóa, với mục tiêu dài hạn.
Đối với những công ty đang tìm kiếm đầu tư từ các Trung Đông, họ đang đánh cược để hưởng lợi về sau.
Lê Na (Theo CNBC)