'Suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn, dứt khoát sẽ sai lệch về chính trị'
Tại Hội thảo khoa học quốc gia 'Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới', nhiều ý kiến cho rằng, suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn, dứt khoát sẽ sai lệch về chính trị
Ngày 13/10, tại thành phố Ninh Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Ninh Bình và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; đại diện lãnh đạo một số địa phương, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu… tham dự Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ, Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, tình hình tâm trạng, tư tưởng cũng phải đối diện khó khăn, phức tạp, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm; các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Kết quả của hội thảo sẽ góp phần tổng kết công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và tham gia việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của từng thành tố trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, cũng như làm rõ mối quan hệ giữa xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức với xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ.
Từ thực tiễn của cơ quan, địa phương mình, nhiều đại biểu đã rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
Đặc biệt, nhiều tham luận đã đưa ra dự báo nhân tố trong và ngoài nước tác động trực tiếp tới công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn tới cũng như những giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức để ngành Tuyên giáo Đảng khắc phục trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đề xuất những nội dung, quan điểm, phương thức, nhiệm vụ mới của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đưa vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Đánh giá về nội dung cuộc hội thảo, TS Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, đây là một trong những hoạt động rất ý nghĩa, góp phần làm rõ hơn những vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay, đặc biệt là đối với những thách thức đặt ra trong nửa nhiệm kỳ vừa qua.
Nhấn mạnh, vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo đức là 3 bộ phận hợp thành để làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín của Đảng ta, TS Nhị Lê cho rằng, trong thời điểm hiện nay khi chúng ta xử lý một loạt những vụ đại án lớn, thậm chí mang tầm vóc thế kỷ, vấn đề đạo đức đặt ra một cách hết sức cấp bách, nếu sự suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn, thì dứt khoát sẽ sai lệch về mặt chính trị, từ sự suy thoái về đạo đức thì không ai không nhìn thấy sự suy thoái về tư tưởng và nhìn vĩ mô, thì không ai không lo ngại sự suy thoái về chính trị, tức là về đường lối. Một con người không có đạo đức thì không lãnh đạo được ai cả.
Theo GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, bộ 3 nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức là hết sức quan trọng, gắn bó chặt chẽ với nhau, thiếu 1 trong 3 mặt thì không thể thu phục được niềm tin của nhân dân. Nếu mất niềm tin, niềm tin giảm sút, chúng ta cũng sẽ không huy động được sức dân.
Nguyên Viện trưởng Viện Triết học cũng cho rằng, lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức hiện nay đều có vấn đề. Chúng ta nói nhiều nhưng không thể chế hóa được và không xuống được đến tận cơ sở, đến từng đảng viên cũng như quần chúng.
Vì thế, theo GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, đây là nhiệm vụ trong thời gian tới phải đặc biệt chú ý, bởi khi thể chế hóa được, tức là chúng ta thấy được những điều cần làm, phải làm và làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất nhằm khắc phục được những thiếu sót hiện nay.
"Vừa rồi chúng ta đã thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ, đó là việc làm rất đau sót, cán bộ là cái gốc của mọi công việc như Bác Hồ nói thế mà chúng ta không làm được việc đó thì đó là khuyết điểm cần phải sửa ngay và phải sửa hiệu quả để củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, cũng là tạo động lực để cho mỗi người, mỗi đảng viên thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trọn vẹn, nếu không chúng ta có khuyết điểm rất lớn đối với dân", GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn nhấn mạnh.