Suýt mất gần nửa tỷ đồng vì 'sập bẫy' lừa đảo qua điện thoại

Lo lắng và nhẹ dạ cả tin, bà L. vội đến phòng giao dịch của một ngân hàng rút 450 triệu đồng chuyển vào tài khoản của các đối tượng.

Thông tin từ Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an quận Hoàn Kiếm vừa kịp thời ngăn chặn một vụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Trước đó, khoảng 9h ngày 26/5, bà L. (SN 1959; trú tại Hoàn Kiếm) nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát và Công an thông báo bà đang liên quan đến một vụ ma túy, yêu cầu bà L. chuyển tiền vào tài khoản để điều tra nếu không sẽ bị bắt giữ.

Do hoảng sợ, bà L. đã vội đến phòng giao dịch của một ngân hàng để rút 450 triệu đồng chuyển vào tài khoản của các đối tượng. Khi thấy bà L. có dấu hiệu lo lắng, hoảng loạn, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, giải thích cho khách hàng không chuyển tiền vào tài khoản lạ đồng thời thông báo cho Công an quận Hoàn Kiếm đến kiểm tra, xác minh.

Sau khi được Công an quận Hoàn Kiếm và cán bộ ngân hàng giải thích đây là hình thức lừa đảo, bà L. đã bình tĩnh dừng toàn bộ giao dịch chuyển tiền.

Bà L. đến ngân hàng rút tiền định chuyển qua tài khoản cho đối tượng lừa đảo (Ảnh: CA)

Bà L. đến ngân hàng rút tiền định chuyển qua tài khoản cho đối tượng lừa đảo (Ảnh: CA)

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhưng còn nhiều trường hợp người dân do nhận thức chưa đầy đủ, nhẹ dạ cả tin đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là gọi điện thoại tự xưng nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND, CCCD đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… đã có lệnh bắt của cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng.

Tiếp đó, đối tượng sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là Điều tra viên, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật.

Thậm chí để tạo sự tin tưởng cho bị hại, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ để giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an TP Hà Nội hoặc các cơ quan của Nhà nước. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt.

Theo khuyến cáo của Công an TP Hà Nội, người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại tránh mắc "bẫy" của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/suyt-mat-gan-nua-ty-dong-vi-sap-bay-lua-dao-qua-dien-thoai-d157750.html