Suýt mất mạng vì nổ bình nóng lạnh dù đã lắp aptomat chống giật, công tắc thông minh đắt tiền - vậy phải làm sao???

Nhiều người vì chủ quan hoặc có thói quen không tắt bình nóng lạnh trước khi tắm nên tự đặt tính mạng bản thân vào nguy hiểm.

Miền Bắc đang trong những ngày lạnh giá nên nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh (hay máy nước nóng) tăng lên rất cao. Tuy nhiên, nhiều người vì chủ quan hoặc thói quen nên không có động tác tắt bình trước khi tắm. Điều này vô hình trung lại đặt tính mạng bản thân vào nguy hiểm bởi không hiếm trường hợp chiếc bình nóng lạnh có thể bất ngờ phát nổ.

Mới đây, trên một nhóm Facebook với hơn 1,7 triệu người đăng ký đã lại có một cảnh báo về sự cố bình nóng lạnh. Bài đăng nhanh chóng thu hút được lượng tương tác rất lớn với hơn 4000 bình luận và gần 600 lượt chia sẻ chỉ sau 6 giờ đồng hồ. Nội dung của bài viết như sau:

CẢNH BÁO: CHÁY NỔ BÌNH NÓNG LẠNH GÂY NGUY HIỂM TÍNH MẠNG, ĐẶC BIỆT VÀO MÙA ĐÔNG

Mùa này chắc những người thích tắm nước nóng như tôi thì chắc bật bình nóng lạnh cả ngày mất. Tôi khá nể những ai mùa này vẫn tắm được nước lạnh ấy. Đặc biệt là tôi lể những ai không cả tắm khi mùa Đông đến luôn...

Mới đây chị Hoa cảnh báo đến anh em rằng, vừa tắm vừa bật bình nóng lạnh thì có thể gặp các cụ bất cứ lúc nào. Cũng rất may là bình nó nổ trong lúc chị Hoa chưa đặt chân vào phòng tắm.

Đến mùa lạnh rồi, nhu cầu dùng nước nóng tăng cao. Anh em nhớ kiểm tra bình nóng lạnh định kỳ và nhớ tắt đi trước khi tắm nhé...

| Chú Hew

Nguyễn Thanh Hoa

Điều đáng báo động là rất nhiều bình luận bên dưới nói rằng chính bản thân họ cũng có thói quen không tắt bình nóng lạnh khi tắm. Lý do thì vô cùng đa dạng: nào là lo hết nước nóng giữa chừng, sợ quên bật lại khiến người tắm sau không có nước, hoặc tự hào khoe rằng mấy chục năm sống trên đời chẳng bao giờ tắt bình nóng lạnh như một lẽ hiển nhiên...

Thậm chí có những nhà bán hàng còn tranh thủ vào quảng cáo sản phẩm, khuyên mọi người cần phải lắp công tắc thông minh, áp tô mát chống giật (ELCB)... nhưng việc chính cần làm thì ít thấy ai nói tới.

Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu vì sao bình nóng lạnh có thể phát nổ và làm thế nào để giảm thiểu sự cố này.

Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh

Bình nóng lạnh có cấu tạo giống chiếc ấm đun nước bằng điện, tuy nhiên nó có kích thước lớn hơn và được trang bị thêm một số cơ chế vận hành và bảo vệ tự động.

Cấu tạo của bình nóng lạnh

Bình nóng lạnh gồm các bộ phận chính: thanh đốt, rơ-le cảm biến, bình chứa và các van an toàn. Trong đó:

Bình chứa nước thường được làm bằng kim loại dày để có thể chịu được áp suất cao khi nước bị đun nóng gây ra.

Cụm rơ-le cảm biến có chức năng đóng/mở để ngắt hoặc đun nước và điều chỉnh nhiệt độ nước theo mức cài đặt trước.

Van an toàn của bình nóng lạnh (màu đen)

Van an toàn của bình nóng lạnh (màu đen)

Các bộ phận an toàn của bình nóng lạnh gồm: van một chiều và van xả áp.

Trong trường hợp rơ-le nhiệt bị hỏng khiến thanh đốt nước hoạt động liên tục, gây ra áp lực quá lớn trong bình thì van an toàn sẽ tự động xả hơi và nước để tránh cho bình khỏi bị nổ.

Nguyên nhân khiến bình nóng lạnh phát nổ

Sau khi đã nắm được nguyên lý và cấu tạo của bình nóng lạnh thì chúng ta đã hiểu được nguyên nhân khiến bình nóng lạnh phát nổ có thể đến từ các bộ phận: cảm biến nhiệt độ, rơ-le nhiệt, van an toàn và thậm chí chính chiếc ruột bình.

Bình thường khi nhiệt độ trong bình đạt đến ngưỡng 70-80 độ C thì rơ-le nhiệt sẽ tự động ngắt không cấp điện cho thanh đốt. Tuy nhiên, khi cụm cảm biến và điều khiển nhiệt độ bị hỏng thì nước sẽ tục bị đun đến sôi (trên 80 độ C) và sinh ra nhiều hơi làm áp suất tăng lên. Nếu van an toàn bị bít chặt (do lâu ngày bụi bẩn bám vào) thì chỉ sau một thời gian ngắn bình chứa nước sẽ phát nổ khi áp suất bên trong vượt quá giới hạn chịu lực của ruột bình.

Thanh magie bị ăn mòn trong một chiếc bình nóng lạnh đã lâu không vệ sinh, bảo dưỡng

Thanh magie bị ăn mòn trong một chiếc bình nóng lạnh đã lâu không vệ sinh, bảo dưỡng

Ngoài ra, trong bình nóng lạnh còn có một thanh magie với chức năng làm giảm tốc độ ăn mòn ruột bình. Khi thanh magie này bị ăn mòn hết nhưng không được thay thế kịp thời thì ruột bình nóng lạnh sẽ phản ứng với các hóa chất trong nước và bị ăn mòn khiến cho sức chịu áp lực giảm đi, thậm chí là rò rỉ hoặc bị thủng.

Kết luận

Như vậy, việc trang bị aptomat chống giật hay công tắc thông minh, hẹn giờ, điều khiển từ xa... chỉ có tác dụng chống rò điện, giật điện chứ không giúp phòng tránh hiện tượng nổ bình nóng lạnh do quá áp.

Bảo dưỡng bình nóng lạnh

Bảo dưỡng bình nóng lạnh

Việc chúng ta cần làm là định kỳ kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng, súc rửa bình nóng lạnh để kịp thời phát hiện ra những sự cố hoặc thay thế những bộ phận hao mòn. Chỉ có như vậy mới giảm thiểu được nguy cơ nổ bình nóng lạnh và đảm bảo an toàn tính mạng.

Chúc các bạn mạnh khỏe!

PnM

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/suyt-mat-mang-vi-no-binh-nong-lanh-du-da-lap-aptomat-chong-giat-cong-tac-thong-minh-dat-tien-vay-phai-lam-sao-72021241116427598.htm