Suzanne Lecht - gần 30 năm 'say đắm' văn hóa Việt

Gần 30 năm sống và làm việc tại Hà Nội, bà Suzanne Lecht-Giám đốc nghệ thuật của phòng tranh Art Vietnam Gallery đã miệt mài đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

bà Suzanne Lecht đang trao đổi với khách hàng qua mạng tại phòng tranh ở nhà riêng phố Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

bà Suzanne Lecht đang trao đổi với khách hàng qua mạng tại phòng tranh ở nhà riêng phố Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Gần 30 năm sống và làm việc tại Hà Nội, bà Suzanne Lecht-Giám đốc nghệ thuật của phòng tranh Art Vietnam Gallery không chỉ miệt mài đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế mà giờ đây ngôi nhà của bà trong con phố nhỏ ở Hà Nội còn là điểm hẹn quen thuộc với nhiều người Mỹ yêu văn hóa Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về.

*Cơ duyên với văn hóa Việt

Tranh sơn mài "Năm Mão" của họa sỹ Diệp Quý Hải được bà Suzanne Lecht giới thiệu tại phòng tranh ART Vietnam gallery. Ảnh: ART Vietnam gallery

Tranh sơn mài "Năm Mão" của họa sỹ Diệp Quý Hải được bà Suzanne Lecht giới thiệu tại phòng tranh ART Vietnam gallery. Ảnh: ART Vietnam gallery

Là người yêu văn hóa nghệ thuật phương Đông, bà Suzanne Lecht đã quyết định rời Mỹ để đến sống và làm việc tại một số nước châu Á từ năm 1984. Ngay sau khi người chồng qua đời vào năm 1992 tại Nhật Bản, Suzanne Lecht đã đi đến nhiều thành phố khác ở châu Á như Bắc Kinh, Thượng Hải, Băng Cốc… với ước muốn tìm một nơi sống và làm việc mới, giúp bản thân vơi bớt nỗi buồn thương.

Sau gần 2 năm mòn mỏi tìm kiếm như vậy, cho đến một ngày, một người bạn Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam đã gửi cho Suzanne Lecht một bài báo viết về nhóm họa sỹ đương đại Việt Nam giai đoạn đổi mới là Gang of Five (gồm Hồng Việt Dũng, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương). Đây là các họa sỹ trẻ tiên phong trong thời kỳ mở cửa với các tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của tự do, của lạc quan và hy vọng. Đây cũng là những bức tranh kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

“Khi nhìn thấy những bức tranh của nhóm Gang of Fire, tôi đã mơ về một chốn bình yên tại Hà Nội, nơi tôi có thể cộng tác với các họa sỹ trẻ đầy tiềm năng để có thể lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến với những người bạn nước ngoài. Tôi thực sự nghĩ rằng việc giúp những người bạn nước ngoài, nhất là những người bạn Mỹ cảm nhận chân thực hơn về nền văn hóa đặc sắc này, về những người Việt Nam thân thiện cũng như đất nước Việt Nam tươi đẹp chính là một trong những cách hiệu quả để hàn gắn vết thương chiến tranh”, bà Suzanne Lecht chia sẻ.

Với những mối quan hệ trong giới nghệ thuật, bà Suzanne Lecht đã kết nối các họa sỹ trẻ của nhóm Gang of Fire với nhiều họa sỹ nổi tiếng khác ở trong nước và các nhà tài trợ nghệ thuật ở nước ngoài để giới thiệu nền văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Và rồi triển lãm “The Changing Face of Hanoi” (tạm dịch là diện mạo mới của Hà Nội) với các bức họa của nhóm Gang of Fire đã được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 6/1997, đã thu hút sự quan tâm của giới nghệ thuật nước ngoài.

Từ đó đến nay, nhiều triển lãm tranh của các họa sỹ Việt Nam khác nhau đã được Suzanne Lecht thực hiện, qua đó giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam.

*“Một người Việt Nam đặc biệt”

Ngôi nhà mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam ở ngay trong con phố nhỏ Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội của bà Suzanne Lecht. Ảnh: Suzanne Lecht

Ngôi nhà mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam ở ngay trong con phố nhỏ Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội của bà Suzanne Lecht. Ảnh: Suzanne Lecht

Để hiện thực giấc mơ sống lâu dài ở Việt Nam, với sự giúp đỡ của bạn bè, năm 1994, bà Suzanne Lecht đã xây dựng ngôi nhà mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam ở ngay trong con phố nhỏ Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đặc biệt, trong ngôi nhà ba tầng được kiến trúc mang đậm nét nhà ở và chùa Bắc Bộ, gia chủ còn lập một bàn thờ thần linh ở khu trung tâm tầng 1, một bàn thờ Phật và thờ gia tiên ở một góc yên tĩnh của tầng 2, còn tầng 3 là một nhà sàn của người Thái Trắng ở Tây Bắc với các rặng tre nhỏ bao quanh bên ngoài.

“Tôi là một trong rất nhiều phật tử phương Tây tu tập theo các triết lý Phật Giáo rất giản dị và dễ hiểu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vì vậy, tôi đã tìm thấy sự bình yên thực sự khi được sống trong ngôi nhà này cũng như được thực hành sống hạnh phúc theo triết lý của Thích Nhật Hạnh”, bà Suzanne Lecht cho biết.

Bây giờ trong mắt bạn bè, Suzanne Lecht không còn là người Mỹ thực sự nữa mà đã là “một người Việt Nam đặc biệt”. Không chỉ sống rất lâu ở đất nước này mà bản thân Suzanne Lecht đã hòa nhập khá sâu với văn hóa Việt Nam. Với nỗ lực của bản thân, Suzanne Lecht đã có vốn tiếng Việt vừa đủ để giao tiếp hàng ngày với quản gia người Việt Nam và những người hàng xóm gần đó.

Suzanne Lecht cho biết: “Cuộc sống ở Việt Nam đã biến tôi thành một người tốt hơn, sống tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng. Thực tế là văn hóa Việt Nam đã ngấm một cách tự nhiên trong tôi”.

Với thiết kế độc đáo của ngôi nhà và sự thân thiện, mến khách của bà chủ nhà “người Việt Nam đặc biệt” này, giờ đây, ngôi nhà của Suzanne Lecht không chỉ đơn thuần là phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các họa Việt Nam và thế giới mà còn là điểm hẹn quen thuộc với nhiều nhiều sinh viên Việt Nam theo học mỹ thuật cũng như nhiều người Mỹ yêu văn hóa Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về.

Bà Suzanne Lecht cho biết, vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, bà thường chuẩn bị một mâm cơm đặc biệt với gà trống luộc cắm hoa hồng, canh măng, bánh chưng, nem rán, gạo, muối, rượu trắng để dâng cúng thần linh và gia tiên. Từ khi chuyển sang ăn chay, bà Suzanne Lecht thường dâng bánh chưng chay và mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết.

Đặc biệt, nhiều người nước ngoài là bạn bè của Suzanne Lecht rất thích đến ngôi nhà đặc biệt này để đón tết Việt Nam. Họ cùng nhau đi chợ mua đào, mua quất, mua hoa violet-những loài hoa đặc trưng cho ngày Tết miền Bắc để trang hoàng cho ngôi nhà thật rực rỡ, cùng nhau đón giao thừa, cùng nhau thưởng thức các món ăn Việt Nam, cùng chờ người “xông đất” sáng mùng 1 để rồi thong thả đạp xe đi vãn cảnh chùa quanh hồ Tây với nguyện cầu một năm bình an hạnh phúc.

Với Susanne Lecht, Tết nguyên đán Việt Nam chính là dịp quan trọng để bày tỏ sự biết ơn với tổ tiên, để kết nối tình thân và là những giây phút tuyệt vời sống trong hạnh phúc, từ đó giúp quên đi tất cả những đau buồn, mệt mỏi để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, “Tết Nguyên đán chính là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc cần được gìn giữ cho thế hệ sau”, bà Susanne Lecht chia sẻ./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suzanne-lecht-gan-30-nam-say-dam-van-hoa-viet/277628.html