SV có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế khi học ngành Công nghệ chế biến thủy sản
Hàng năm nhà trường tổ chức 2 ngày hội việc làm để hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp và việc làm bán thời gian cho sinh đang học tại trường.
Ngành Công nghệ chế biến thủy sản hiện đang là một ngành có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ngành học này sẽ được học những kiến thức như thế nào hay để làm được công việc liên quan đến ngành này sẽ cần những kỹ năng nào.
Tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành học này được đánh giá có nhiều tiềm năng, hấp dẫn.
Kỹ năng để học tốt ngành Công nghệ chế biến thủy sản
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Công nghệ chế biến thủy sản là ngành đào tạo kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành thuộc các lĩnh vực thu mua, kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu, sản phẩm và chế biến sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu và cho các hệ thống siêu thị nhà hàng trong nước.
Cụ thể, sinh viên được trang bị các khối kiến thức về hóa sinh học thủy sản, nguyên liệu thủy sản và công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản đông lạnh, sản phẩm thủy sản cao cấp, nước mắm và sản phẩm khô thủy sản, công nghệ surimi, công nghệ rong biển và khoa học biển, nhóm môn học kiểm tra và đánh giá chất lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm và nhóm các môn học về quản lý sản xuất và thương mại thủy sản.
Theo thầy Sơn, học ngành Công nghệ chế biến thủy sản, sinh viên sẽ được học những kiến thức về các loại thủy sản, bao gồm cách phân biệt, đánh giá chất lượng và lựa chọn nguồn cung cấp.
Sinh viên được học kỹ thuật chế biến thủy sản gồm các phương pháp xử lý, bảo quản và chế biến để bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ được chất lượng; Quy trình sản xuất thủy sản gồm kiểm soát chất lượng, quản lý rủi ro, và tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Đồng thời, sinh viên cũng được học quản lý nguồn lực, gồm quản lý nhân sự, tài chính và các nguồn lực khác trong quá trình sản xuất và kinh doanh hay những kiến thức về pháp luật, hiểu biết về các quy định pháp lý, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy định về vệ sinh môi trường áp dụng cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản.
Để học tốt ngành học này, thầy Sơn chia sẻ, sinh viên cần có sự đam mê và quan tâm với thủy sản; kiến thức về hóa học và sinh học, đặc biệt, hiểu biết về các quy trình hóa học và sinh học trong chế biến thủy sản là rất quan trọng. Điều này bao gồm hiểu biết về sự phát triển của vi khuẩn, vi sinh vật và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của sản phẩm.
Sinh viên cũng cần có kỹ năng quản lý và tổ chức công việc trong ngành Công nghệ chế biến thủy sản vốn đòi hỏi sự quản lý hiệu quả về tài nguyên, thời gian và nhân lực để duy trì sản xuất an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, thầy Sơn cũng lưu ý, ngành học này đòi hỏi sinh viên có sự kiên nhẫn và cẩn trọng bởi bởi trong quy trình chế biến thủy sản, việc đảm bảo sự an toàn và chất lượng sản phẩm là rất quan trọng để thực hiện các quy trình một cách chính xác.
Đồng thời, ngành Công nghệ chế biến thủy sản luôn thay đổi với sự phát triển của công nghệ và yêu cầu của thị trường. Vì vậy, sinh viên cần khả năng tiếp tục học hỏi và cập nhật kiến thức mới để có thể thành công trong ngành này.
Đa dạng vị trí việc làm
Chia sẻ về vị trí việc làm của sinh viên ngành Công nghệ chế biến thủy sản, thầy Sơn cho biết, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở những vị trí như: Cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, cơ sở chế biến nước mắm, bột cá, dầu cá, sản phẩm giá trị gia tăng, surimi...), các cơ quan/tổ chức phân tích, kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ chế biến thủy sản; Cán bộ quản lý tại các Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất, các khu công nghiệp và khu chế xuất; các sở Khoa học và công nghệ; các sở Thủy sản trong cả nước; Cá nhân sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế thủy sản.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm thực tế, hiện nhà trường đã ký kết với hơn 500 đối tác là các doanh nghiệp lớn và phù hợp với lĩnh vực đào tạo.
Hàng năm, nhà trường tổ chức 2 ngày hội việc làm để hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp và việc làm bán thời gian cho sinh đang học tại trường.
Doanh nghiệp thường xuyên đến với nhà trường để tổ chức các hoạt động tuyển dụng, Như: Sài Gòn Food, Công ty Chế biến thủy sản Cầu Tre, Công ty cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty Cổ phần Nam Việt An Giang, Công ty Chế biến thủy sản Hải Phú, Công ty Chế biến thủy sản Biển Giàu.
Ngoài ra, nhà trường còn có website việc làm riêng để doanh nghiệp đăng tin miễn phí, sinh viên vào tìm việc miễn phí, tăng cơ hội nghề nghiệp cho các em.
Đặc biệt chương trình đào tạo được thiết kế với 1 học kỳ doanh nghiệp: người học được đến doanh nghiệp học tập, làm việc và trải nghiệm như một Kỹ sư để học tập các kiến thức kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, được tiếp xúc, sử dụng các trang thiết bị hiện đại tại Nhà máy, được làm việc trong môi trường thực tế doanh nghiệp.
Bạn Lưu Ngọc Thùy Trang, sinh viên ngành Công nghệ chế biến thủy sản, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bản thân chọn theo học ngành Công nghệ chế biến thủy sản bởi ngành học này rất có tiềm năng phát triển trong tương lai.
“Tại tỉnh Sóc Trăng, quê hương của mình, những năm gần đây, tiềm năng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh là rất lớn. Bên cạnh đó, khi ra trường sinh viên có thể trở thành QC thực phẩm (kiểm soát, kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm đúng theo những gì mà tiêu chuẩn) trong các công ty chế biến thủy sản
Đồng thời trong quá trình học, sinh viên luôn được trau dồi lý thuyết và thực hành như đi kiến tập, thực tập tại các công ty thực tập chế biến thủy sản", Thùy Trang cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Trang cho biết, vì là ngành học cần trải nghiệm nhiều trong môi trường thực tế nên sinh viên cần tập trung vào việc học khi lên lớp. Bên cạnh đó, trong quá trình đi thực tập cũng cần trao đổi với thầy cô về các kiến thức để nắm vững chương trình học.
Bạn Võ Thị Thu Hương, sinh viên ngành Công nghệ chế biến thủy sản chia sẻ, trong quá trình học sinh viên luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các thầy cô.
Bên cạnh đó, vì là ngành học cần tiếp xúc thực tế nên nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập hay đi tham quan các cơ sở chế biến thủy sản.
“Bên cạnh những bài học về lý thuyết, ngành này đem lại cho mình nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế hơn như những kiến thức cơ bản về thủy sản, cách chế biến và những kỹ năng mà sinh viên ngành Công nghệ chế biến thủy sản cần có", Hương chia sẻ.