SV Phenikaa khởi nghiệp bằng phế phẩm nông nghiệp, góp sức bảo vệ môi trường

Mục đích của dự án hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua việc tái chế và sử dụng nguyên liệu tái tạo.

Ô nhiễm môi trường hiện đang là một vấn đề nan giải của toàn nhân loại. Không thể phủ nhận rằng, xã hội càng phát triển thì sức tác động đến môi trường càng lớn. Khi đó, cần có những giải pháp để khắc phục, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường không đến ngưỡng báo động.

Trước vấn đề bức thiết đó, nhóm sinh viên Trường Đại học Phenikaa bao gồm em Dương Thị Thảo và Nguyễn Văn Tuấn Anh (lớp K15-KTHH khoa Công nghệ sinh hóa, Hóa học và Kĩ thuật môi trường), em Nguyễn Thị Trang ( K15-QTKD khoa Kinh tế và Kinh doanh) đã mang đến cuộc thi Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa năm 2024 (PSI 2024) dự án “Sản xuất vật liệu composite từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải và sợi tự nhiên từ phế phẩm nông nghiệp”.

Mục đích của dự án hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua việc tái chế và sử dụng nguyên liệu tái tạo, mang lại lợi ích kinh tế bằng cách tạo ra giá trị từ phế thải đặc biệt ở các khu vực nông thôn.

Đồng thời, dự án mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với mô hình sản xuất bền vững, góp phần cải thiện đời sống, kinh tế và môi trường cho cộng đồng.

 Nhóm sinh viên dự án “Sản xuất vật liệu composite từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải và sợi tự nhiên từ phế phẩm nông nghiệp” . Ảnh:NVCC

Nhóm sinh viên dự án “Sản xuất vật liệu composite từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải và sợi tự nhiên từ phế phẩm nông nghiệp” . Ảnh:NVCC

Một sáng kiến nhỏ sẽ góp phần tạo nên một thay đổi lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Dương Thị Thảo - đại diện nhóm cho biết, cuộc thi “Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa” là một sân chơi rất ý nghĩa và thiết thực dành cho sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều sinh viên quan tâm đến việc khởi nghiệp.

Cuộc thi không chỉ khuyến khích tinh thần sáng tạo và tư duy đổi mới mà còn giúp các bạn trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng như kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và quản lý dự án. Thông qua các vòng thi, sinh viên có cơ hội thử sức, áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho hành trình nghề nghiệp của mình.

Chia sẻ về ý tưởng để làm dự án này của nhóm mình, Thảo cho biết một trong những lý do cả nhóm lựa chọn đề tài môi trường để tham gia cuộc thi chính là do thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang ngày càng nghiêm trọng và chủ yếu đến từ hành vi của con người.

Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, cả nhóm đã đặt kỳ vọng vào vật liệu composite được sản xuất từ nhựa thải và phế phẩm nông nghiệp sẽ là một giải pháp hữu ích giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Theo đó, việc sử dụng nhựa tái chế không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn tiết kiệm nguyên liệu, giảm sự phụ thuộc vào các tài nguyên không tái tạo, từ đó góp phần giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời nâng cao giá trị của phế phẩm nông nghiệp.

 Sinh viên Dương Thị Thảo - Trưởng nhóm Dự án sản xuất vật liệu composite. Ảnh: NVCC

Sinh viên Dương Thị Thảo - Trưởng nhóm Dự án sản xuất vật liệu composite. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của sinh viên Dương Thị Thảo cho thấy, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai những dự án nghiên cứu phát triển các loại vật liệu mới nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, nhóm sinh viên cũng hy vọng rằng dự án của mình sẽ thành công để mang đến 1 loại vật liệu thân thiện, tích cực với môi trường Việt Nam.

Hạt nhựa composite được tạo ra từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải (túi nilon) và phế phẩm nông nghiệp (trấu). Sản phẩm có tính ứng dụng đa dạng khi có thể sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như xây dựng, ô tô, nội thất. Điều này giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng khả năng ứng dụng thực tế của sản phẩm.

Dự án “Sản xuất vật liệu composite từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải và sợi tự nhiên từ phế phẩm nông nghiệp” gây ấn tượng với nhiều yếu tố sáng tạo, đột phá và khác biệt. Sự độc đáo của sản phẩm chính là nhờ việc kết hợp giữa nhựa tái chế túi nilon và trấu để tạo ra vật liệu composite hoàn toàn mới, có tính bền vững cao và khả năng ứng dụng rộng rãi.

Không những thế, hạt nhựa composite có độ bền kéo và độ bền uốn cao, cùng khả năng chịu nhiệt tốt, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhiều ngành công nghiệp. Với chi phí sản xuất thấp sẽ giúp cho việc sử dụng nguyên liệu tái chế và phế phẩm nông nghiệp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, dự án này có thể tạo ra nhiều việc làm mới trong các lĩnh vực thu gom, xử lý và sản xuất, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

“Giá trị lớn nhất mà dự án mang đến cho cộng đồng và xã hội là khả năng cung cấp một giải pháp vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh hiện nay, khi phát triển bền vững trở thành mục tiêu hàng đầu của các quốc gia, em tin rằng các dự án bảo vệ môi trường cần được lan tỏa và tích cực đẩy mạnh. Những dự án này không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường hiện tại như ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên mà còn đặt nền móng cho một tương lai xanh, nơi mà kinh tế và môi trường phát triển hài hòa.

Hơn nữa, việc lan tỏa các sáng kiến bền vững sẽ khuyến khích cộng đồng nâng cao nhận thức và hành động có trách nhiệm hơn với môi trường. Em tin rằng mỗi sáng kiến nhỏ sẽ góp phần tạo nên một thay đổi lớn, và những dự án như của em, nếu được ứng dụng và nhân rộng, sẽ mang lại tác động tích cực, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững cho thế hệ sau”, sinh viên Dương Thị Thảo chia sẻ.

 Hạt nhựa composite được tạo từ phế thải túi nilon và trấu

Hạt nhựa composite được tạo từ phế thải túi nilon và trấu

Dự án sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương

Hiện nay, các ngành công nghiệp như nội thất, gia dụng và xây dựng đang ngày càng chuyển dịch sang các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nắm bắt được điều đó, nhóm sinh viên Trường Đại học Phenikaa đã sử dụng vỏ trấu - sản phẩm thải từ ngành nông nghiệp để làm nguyên liệu chính của dự án. Qua đó giúp giảm thiểu lãng phí trong nông nghiệp và tạo ra giá trị kinh tế mới cho người nông dân và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Bằng cách tái chế túi nilon và vỏ trấu, dự án “Sản xuất vật liệu composite từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải và sợi tự nhiên từ phế phẩm nông nghiệp” sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa và sinh khối khó xử lý, bảo vệ môi trường sống, có tiềm năng trở thành nguồn cung cấp chính cho những công ty tìm kiếm giải pháp bền vững, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm từ túi nilon, một trong những nguồn rác thải khó phân hủy gây hại cho môi trường.

 Mô hình sản xuất hạt nhựa composite

Mô hình sản xuất hạt nhựa composite

Theo chia sẻ của Trưởng nhóm Dương Thị Thảo, với sự gia tăng nhu cầu về vật liệu bền vững trên toàn cầu, dự án có thể tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế và sự hỗ trợ của chính phủ để thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có chính sách mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng và phát triển dự án sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và kỹ thuật, thúc đẩy việc đào tạo kỹ năng mới trong công nghệ sản xuất vật liệu tái chế.

Hơn hết, việc áp dụng công nghệ tái chế trong sản xuất sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng và các doanh nghiệp khác về việc sử dụng nguồn tài nguyên bền vững, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

“Tiềm năng phát triển của vật liệu composite rất rộng lớn, nhất là khi thế giới ngày càng quan tâm đến việc giảm thiểu tác động môi trường. Do vậy, giá trị nhân văn của dự án là hướng đến xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Chúng em mong muốn thông qua dự án này có thể góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn và bền vững hơn cho cộng đồng.

Hy vọng từ dự án này, chúng em có thể giúp xã hội nâng cao nhận thức về vật liệu mới và mở ra một lựa chọn thay thế cho các vật liệu truyền thống.

Nếu dự án thành công đạt giải, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm về mặt kỹ thuật và thử nghiệm thêm để đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, phù hợp cho các ứng dụng cụ thể trong ngành xây dựng, giao thông, hay các lĩnh vực yêu cầu độ bền và nhẹ. Ngoài ra, nhóm cũng sẽ thử nghiệm tính khả thi của việc tái chế sản phẩm sau khi sử dụng để giảm thiểu rác thải.

Để đưa sản phẩm ra thị trường, nhóm sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty sản xuất hoặc đối tác trong ngành, cũng như kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo. Với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các đối tác, nhóm có thể tăng tốc trong quá trình phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.

Khi có được sự hỗ trợ và công nghệ cần thiết, nhóm sẽ bắt đầu sản xuất ở quy mô nhỏ để thử nghiệm thị trường và lắng nghe phản hồi từ khách hàng. Từ đó, chúng em sẽ điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp và chuẩn bị kế hoạch sản xuất đại trà nếu nhận được phản hồi tích cực.

Rất hy vọng với lộ trình này sẽ đưa sản phẩm vật liệu composite từ bao bì nhựa màng mỏng phế thải và sợi tự nhiên từ phế phẩm nông nghiệp từ ý tưởng đến thực tế, trở thành một vật liệu có ích và mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.

Đồng thời, chúng em cũng mong muốn tạo được sức ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng khởi nghiệp và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”, Dương Thị Thảo bày tỏ.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sv-phenikaa-khoi-nghiep-bang-phe-pham-nong-nghiep-gop-suc-bao-ve-moi-truong-post246923.gd