Syria - cơ hội để Trung Đông tự định hình một tương lai tươi sáng

Sự ổn định của Syria, quốc gia nằm tại trung tâm Trung Đông, là lợi ích của tất cả các bên. Đã tới lúc chính các nước trong khu vực, chứ không phải thế lực bên ngoài, dẫn đầu sự thay đổi, hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Bài viết "Syria a chance for Middle East to shape its own, better future" đăng tải trên SCMP ngày 7/1

Bài viết "Syria a chance for Middle East to shape its own, better future" đăng tải trên SCMP ngày 7/1

Đó là nhận định của ông Marco Vicenzino(*), tác giả bài viết "Syria a chance for Middle East to shape its own, better future" đăng tải trên SCMP ngày 7/1.

Tâm chấn biến động

Theo ông Marco Vicenzino, tình hình Trung Đông hiện nay có thể khái quát thành một câu: Có những thập niên không có gì xảy ra nhưng có những tuần dài như hàng chục năm. Sự sụp đổ của chế độ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng với những tác động từ cuộc xung đột Israel-Hamas đã tạo nên một khoảng trống quyền lực trong khu vực.

Tuy nhiên, tác giả bài báo cho rằng, cuộc khủng hoảng bất định này cũng mang đến cơ hội lịch sử để tái cấu trúc địa chính trị cho khu vực. Trong những thập niên gần đây, Trung Đông đã trải qua quá nhiều lần cải tổ thất bại. Đã đến lúc thay đổi hướng đi, đảo ngược vòng luẩn quẩn và để các quốc gia trong khu vực - thay vì các thế lực bên ngoài - dẫn dắt quá trình định hình sự thay đổi.

Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: ABC News)

Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: ABC News)

Vị trí địa chiến lược của Syria mang lại cho quốc gia này sức mạnh to lớn. Là một nhân tố cốt yếu cho an ninh khu vực, Syria nằm ở trung tâm Trung Đông và có biên giới với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đầy rẫy căng thẳng hiện nay, chuyến thăm đầu tiên của phái đoàn chính phủ chuyển tiếp của Syria tới Saudi Arabia đã đánh dấu một bước đột phá chính trị quan trọng.

Tuy nhiên, cả hai bên đều hành động dựa trên sự thực dụng và toan tính chính trị hơn là sự tương đồng về ý thức hệ. Saudi Arabia nhận thức rõ chính phủ do lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo đang nắm quyền lực thực tế tại Syria. Do đó, Riyadh buộc phải hợp tác với lực lượng này nhằm củng cố và mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Với nguồn lực dồi dào, Saudi Arabia có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tương lai của Syria, đặc biệt là thay thế Iran trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho Syria.

Sau gần 14 năm xung đột, quản lý kinh tế yếu kém và các lệnh trừng phạt, Syria đang rất cần sự công nhận ngoại giao lớn hơn nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống al-Assad. Đồng thời, HTS cũng cần được loại khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận nguồn viện trợ tài chính quốc tế thiết yếu.

Trước đó, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã kêu gọi xem xét lại các lệnh trừng phạt đối với Syria. Dường như, quá trình hạ nhiệt căng thẳng đã bắt đầu. Tuy nhiên, những tuyên bố của chính phủ chuyển tiếp Syria về việc từ bỏ các mối liên hệ cực đoan trong quá khứ dù đáng khích lệ nhưng cần phải chứng minh bằng hành động cụ thể.

Ván cờ quyền lực tại mảnh đất dầu mỏ

Với đường biên giới dài 900km với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là nước hậu thuẫn lớn nhất cho các lực lượng cựu Tổng thống al-Assad. Ông Vicenzino chỉ rõ, Ankara đã cung cấp nguồn lực quan trọng và là nơi trú ẩn cho hơn 3 triệu người tị nạn Syria. Ngoài ra, Qatar, với tiềm lực ngoại giao và kinh tế khổng lồ, cũng đã đóng góp thêm nguồn hỗ trợ thiết yếu cho Damascus.

Theo ông Vicenzino, sau khi chính phủ cựu Tổng thống al-Assad bị lật đổ, Tehran đã mất vị thế tại Damascus nhưng vẫn chưa hoàn toàn "rút khỏi cuộc chơi" mà vẫn còn có thể can thiệp tình hình. Vì vậy, không thể hoàn toàn phớt lờ hoặc loại bỏ Iran khỏi các tính toán chiến lược tại Syria. Cùng với đó, Iraq và Jordan cũng phải đối mặt với nguy cơ bất ổn do có đường biên giới dài với Syria.

Còn đối với Lebanon, đây là cơ hội lịch sử để xây dựng một nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, giảm thiểu sự can thiệp từ bên ngoài. Hezbollah dù đã suy yếu trong khu vực nhưng vẫn là một lực lượng vũ trang đáng gờm. Đặc biệt, với vị trí địa lý nằm sát Syria, Lebanon chắc chắn sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các biến động xảy ra tại quốc gia láng giềng này.

Chính phủ mới của Syria đến nay vẫn sẵn sàng đối thoại nhằm tranh thủ các nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế. (Nguồn: The New York Times)

Chính phủ mới của Syria đến nay vẫn sẵn sàng đối thoại nhằm tranh thủ các nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế. (Nguồn: The New York Times)

Bên cạnh đó, kể từ khi Damascus thất thủ, nhiều phái đoàn quốc tế đã đến thủ đô Syria để đánh giá các lực lượng cầm quyền mới. Vì vậy, Syria không thể tránh khỏi những tác động địa chính trị vượt ra ngoài khu vực Trung Đông.

Ngày 3/1 vừa qua, các Ngoại trưởng Pháp và Đức đã thay mặt Liên minh châu Âu (EU) đến gặp thủ lĩnh HTS Abu Mohammad al-Golani tại Damascus. Cuộc gặp diễn ra theo kịch bản khá dễ đoán: Pháp và Đức yêu cầu Syria không ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, không sử dụng vũ khí hóa học và đảm bảo quyền lợi cho các nhóm thiểu số. Bên cạnh đó, EU cũng muốn các căn cứ quân sự của Nga rời khỏi khỏi lãnh thổ Syria.

Tác giả Vicenzino nhấn mạnh, chính phủ mới của Syria đến nay vẫn sẵn sàng đối thoại nhằm tranh thủ các nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế. Hiện tại, Syria đang đàm phán với Nga về việc sử dụng các căn cứ hải quân và không quân chiến lược.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng vừa có chuyến thăm Damascus để tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với chính phủ mới của Syria. Kiev muốn đối phó với ảnh hưởng của Moscow tại đây, đồng thời tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu ngũ cốc nhằm thay thế xứ bạch dương trở thành nhà cung cấp lương thực chính cho Syria. Ukraine đã gửi ít nhất 20 lô hàng viện trợ bột mì tới quốc gia Trung Đông.

Hy vọng cuối đường hầm

Ông Vicenzino cho rằng, lợi ích cốt lõi của Mỹ trong suốt cuộc xung đột ở Syria là kiềm chế mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS). Giờ đây, Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo ở miền Đông Syria đã là một đối tác đáng tin cậy của Washington. Vì vậy, chính phủ chuyển tiếp Syria có thể xem xét về một thỏa thuận với SDF.

Tác giả bài báo cũng nhận định, vụ tấn công khủng bố ngày 1/1 vừa qua ở New Orleans (Mỹ), được cho là do IS thực hiện, càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự trỗi dậy của lực lượng này đối với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump trong thời gian tới, đặc biệt khi đánh giá lại chính sách của Washington đối với Damascus.

Chiến lược Trung Đông của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụp đổ của chế độ cựu Tổng thống al-Assad. (Nguồn: Foreign Policy)

Chiến lược Trung Đông của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụp đổ của chế độ cựu Tổng thống al-Assad. (Nguồn: Foreign Policy)

Ngoài ra, bất chấp sự ủng hộ ngoại giao trước đây dành cho cựu Tổng thống al-Assad, chiến lược Trung Đông của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụp đổ của chế độ này. Bắc Kinh phần lớn vẫn là một "người chơi" kinh tế với lợi ích chủ yếu tập trung vào các quốc gia sản xuất năng lượng trong khu vực vùng Vịnh như Iran, Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Theo ông Vicenzino, trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn, Trung Quốc đang lo ngại về sự ổn định lâu dài của các đối tác quan trọng như Nga và Iran. Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì chiến lược kiên nhẫn với Syria: Trong ngắn hạn, chỉ đưa ra những phát biểu mang tính hình thức và để các quốc gia khác giải quyết cuộc khủng hoảng; trong dài hạn, tìm kiếm những cơ hội kinh tế khả thi nếu có.

Tóm lại, trong bối cảnh Syria trải qua những thay đổi chính trị sâu sắc, các quốc gia trong và ngoài khu vực đều đang định hình lại chiến lược của mình. Từ cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, cho đến những đối tác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay các quốc gia vùng Vịnh, mỗi bên đều có những lợi ích riêng cần bảo vệ và phát triển. Tuy nhiên, cơ hội lớn cho Syria nằm ở việc các quốc gia trong khu vực có thể chủ động dẫn dắt sự thay đổi, xây dựng một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, đồng thời tìm kiếm các giải pháp bền vững cho sự phát triển dài hạn.

(*) Ông Marco Vicenzino là chuyên gia nghiên cứu các rủi ro địa chính trị và phát triển kinh doanh quốc tế, đồng thời là cố vấn chiến lược cho các giám đốc điều hành doanh nghiệp và văn phòng gia đình hoạt động trên toàn cầu.

(theo SCMP)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/syria-co-hoi-de-trung-dong-tu-dinh-hinh-mot-tuong-lai-tuoi-sang-300013.html