Syria nước sôi lửa bỏng: Nga 'vuốt mặt không nể mũi' Thổ Nhĩ Kỳ, quyền năng S-400 giờ đây cũng 'khó cứu?
'Bóng râm' S-400 'phủ mát' mối quan hệ Nga-Thổ có thể trở nên vô dụng khi cả hai không còn nể mặt nhau ở chiến trường Syria.
S-400 khó cứu quan hệ Nga-Thổ
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã gián tiếp xảy ra bất hòa ở Idlib, giữa lúc tình hình tại tụ điểm xung đột cuối cùng của Syria vừa có những diễn biến mới khốc liệt. Điều này đã đi ngược lại mối quan hệ vốn ngày càng khăng khít giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sau thương vụ S-400.
Tình hình đáng báo động trên thực địa hiện bắt đầu bằng cuộc không kích của quân đội Syria nhằm vào một đoàn xe quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/8 tại Idlib, theo Hurriyet Daily News.
Sự cố ngày 19/8 cũng là lần đầu tiên một đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công từ trên không ở Idlib.
Kể từ tháng 5 năm ngoái, khi quân đội Syria tiến hành các đợt tấn công nhỏ lẻ đối với các nhóm cực đoan ở Idlib (với sự ủng hộ công khai của Nga), nhiều căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực cũng vô tình trở thành nạn nhân.
Tuy nhiên, những lần tấn công trước đó đều là các cuộc tấn công bằng pháo binh thay vì một cuộc không kích.
Chẳng hạn, vào ngày 27/6, quân đội Syria đã tiến hành một cuộc tấn công bằng pháo binh vào đài quan sát thứ 10 của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực nông thôn phía Nam Zawiya ở Idlib. Trong cuộc tấn công đó, một người lính đã thiệt mạng và ba người lính khác bị thương.
Những hành động này của chính quyền Damascus đã và đang đặt mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga vào một bài thử nghiệm căng thẳng sau mỗi lần tấn công. Bởi vì sau mỗi sự cố, Thổ Nhĩ Kỳ đều yêu cầu Nga kiềm chế đồng minh. Tuy nhiên, những yêu cầu này dường như không có kết quả.
Dường như, Moscow – quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở Syria - đã cố tình để cho quân đội Syria có một bàn tay tự do, cây bút Serdat Ergin viết trên Hurriyet Daily News.
Tình trạng này đã và đang diễn ra trong lúc mối quan hệ Moscow-Ankara được “phủ mát” bởi “bóng râm” S-400 và đang trở thành một vấn đề dù không hề được phía Nga công khai nhưng ai cũng hiểu.
Một lần nữa nó đã được minh chứng bằng cuộc không kích của quân đội Syria ngày 19/8, đẩy Nga-Thổ đến bờ vực rất nguy hiểm.
Việc đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công - mặc dù Nga đã được thông báo trước về hoạt động của đoàn xe - khiến tình hình trở nên khá nghiêm trọng trên mọi phương diện. Điều đáng chú ý là tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó dường như đã quy trách nhiệm cho vụ việc về phía Nga .
Thỏa thuận chấm dứt?
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này có thể được coi là kết quả của việc chấm dứt thực tế thỏa thuận Sochi, được ký giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 17/9/2018.
Điều 1 của thỏa thuận quy định rằng các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được củng cố và tiếp tục các hoạt động. Nhưng hiện tại, các điểm quan sát này đang bị tấn công.
Theo điều 2, Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh các hoạt động quân sự và tấn công ở Idlib. Hiện trạng của Idlib sẽ được bảo vệ.
Theo điều 3 của thỏa thuận, một khu vực phi quân sự từ 15 đến 20 km ở Idlib sẽ được thiết lập. Điều 5 và 6 của thỏa thuận giám sát việc loại bỏ các nhóm cực đoan, cũng như việc giải giáp vũ khí hạng nặng trong khu vực.
Trên thực tế, sự hỗ trợ của Nga đối với các hoạt động quân sự của quân đội Syria bắt đầu vào tháng 5 và việc lực lượng không quân Nga cũng tham gia vào cuộc chiến, cho thấy rõ điều 2 của thỏa thuận đã không được thực thi.
Mặt khác, Nga trong quan điểm của mình cũng từng phàn nàn về cách thực thi thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng các nhóm cực đoan không những không rời khỏi khu vực phi quân sự mà còn liên tục tấn công căn cứ quân sự Nga ở Khmeimim.
Với những chỉ trích đối ứng đang diễn ra, Nga dường như đã nghiêng về ý định cho phép quân đội Syria tiến hành chiến dịch đánh chiếm Idlib. Qua đó, ủng hộ thay đổi hiện trạng.
Ngay lập tức, các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã bước vào chiến trường Idlib. Sự thay đổi này mang thông điệp rằng Ankara sẽ không chấp nhận thay đổi hiện trạng ở Idlib theo ý Nga.
Sự căng thẳng nói trên đã được tích lũy dần dần và chuyển sang giai đoạn quan trọng trong tuần trước, khi quân Chính phủ chiếm giữ thành phố Khan Sheikhun, ở phía Nam Idlib.
Bước tiến này được cho là rất quan trọng, bởi vì đài quan sát thứ 9 của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Morek, cách Khan Sheikhun khoảng 10 km về phía Nam.
Khi quân Chính phủ chiếm Khan Sheikhun, nó sẽ tạo ra một tình huống mà điểm quan sát này sẽ bị bao vây bởi các lực lượng Syria từ mọi phía và tuyến đường bộ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cắt đứt.
Có thể thấy rằng, một vấn đề ngoại giao nhạy cảm và quan trọng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang hiển hiện sau sự cố ngày 19/8. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu điều này xuất hiện trong chương trình đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin trong những ngày tới.
Việc kiểm soát cuộc khủng hoảng này cũng rất quan trọng đối với số phận của hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran vào giữa tháng 9.
Bất chấp sự bén duyên từ S-400, quá trình hội tụ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ bị lu mờ nếu tình hình nói trên không được kiểm soát và một cuộc bao vây ở Idlib xảy ra, đồng thời những sự cố như hôm 19/8 tiếp diễn.
Rõ ràng là một viễn cảnh đầy rủi ro đang chờ đón Nga-Thổ trong Idlib .