Syria sẽ hợp pháp hóa Bitcoin để để tái thiết kinh tế hậu chiến

Syria, một quốc gia đang nỗ lực phục hồi sau sự sụp đổ của chính quyền Assad, chuẩn bị thực hiện một cuộc cải tổ tài chính toàn diện và một trong số đó là hợp pháp hóa Bitcoin.

Để chống lạm phát, ổn định nền kinh tế của đất nước và thu hút đầu tư nước ngoài, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Syria đã đưa ra một kế hoạch táo bạo kêu gọi chính phủ chuyển tiếp chấp nhận Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh đất nước Syria đang đối mặt với những thách thức khổng lồ trong việc tái thiết sau nhiều thập kỷ chiến tranh và tàn phá đất nước.

Để mang lại sự ổn định cần thiết cho đồng tiền nước này, kế hoạch kêu gọi số hóa đồng bảng Syria trên blockchain và hỗ trợ nó bằng Bitcoin, vàng và đô la Mỹ, tạo ra một điểm neo vững chắc cho đồng tiền vốn đã suy yếu này.

Cùng với việc khuyến khích các doanh nhân sử dụng các nguồn năng lượng của Syria cho các hoạt động khai thác, kế hoạch này cũng nhằm mục đích hợp pháp hóa hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin theo một khuôn khổ quản lý chặt chẽ, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng độc quyền và thiệt hại về môi trường.

Các ngân hàng, startup và sàn giao dịch tiền điện tử sẽ được khuyến khích tích hợp Bitcoin vào hoạt động của mình. Điều này có thể đơn giản hóa việc chuyển tiền cho hàng triệu người Syria phụ thuộc vào kiều hối và cung cấp một cứu cánh cho các doanh nghiệp đang phải vật lộn vì nhiều năm bất ổn.

Chương trình này nhấn mạnh quyền riêng tư và bảo mật là các giá trị cơ bản và nhấn mạnh quyền của cư dân Syria được giữ toàn quyền tự quản đối với tài sản kỹ thuật số của họ.

Quốc gia này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức bất chấp các mục tiêu cao cả này, bao gồm lệnh trừng phạt của nước ngoài, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ và các khoản nợ mà chính phủ trước đó phải gánh chịu.

Bản chất phi tập trung của Bitcoin mang lại một phương thức để tránh các hệ thống ngân hàng truyền thống, giống như cách mà Iran và Triều Tiên đang làm. Nợ công cũng là một vấn đề lớn. Chính quyền Assad đã để lại gánh nặng nợ nần cho Syria, tạo ra thêm lớp phức tạp cho bất kỳ cải cách tài chính nào.

Điều quan trọng là phải phân biệt giữa đề xuất hợp pháp hóa Bitcoin của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Syria và việc sử dụng tiền điện tử gây tranh cãi của các nhóm khủng bố như Hay'at Tahrir al-Sham (HTS).

HTS, trước đây có liên kết với al-Qaeda, được cho là đã sử dụng tiền kỹ thuật số để tài trợ cho các hoạt động của mình, gây ra những lo ngại đáng kể về mặt đạo đức và pháp lý.

Ngược lại, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Syria đặt mục tiêu thiết lập một hệ thống tài chính hợp pháp, minh bạch dưới sự giám sát của chính phủ chuyển tiếp, nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân Syria thay vì các phe phái cụ thể.

Với nhiều mức độ thành công khác nhau, các quốc gia như El Salvador và Cộng hòa Trung Phi đã cố gắng hợp pháp hóa Bitcoin. El Salvador đã bị chỉ trích vì những rủi ro kinh tế và các vấn đề nợ nần mặc dù đã chứng kiến sự tăng trưởng về du lịch và một số khoản đầu tư quốc tế.

Ngược lại, những khó khăn của Syria trở nên tồi tệ hơn do những biến chứng về địa chính trị, đòi hỏi phải đầu tư công nghệ đáng kể và hợp tác quốc tế để thành công.

Chiến lược hợp pháp hóa Bitcoin có thể đưa Syria trở thành quốc gia đi đầu ở Trung Đông trong việc áp dụng tiền điện tử nếu được thực hiện, nhưng vẫn còn nghi ngờ liệu nó có thành công hay không, do những trở ngại chính trị và tài chính lâu dài.

Nghĩa Nam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/syria-se-hop-phap-hoa-bitcoin-de-de-tai-thiet-kinh-te-hau-chien-post119507.html