T-14 Armata có thể bắn hạ mục tiêu cách 8 km cả trên mặt đất và trên không
T-14 Armata vẫn đang được các chuyên gia Nga hoàn thiện và bổ sung các tính năng mới, tiên tiến hơn trước khi đưa vũ khí này ra chiến trường.
Theo Bulgarian Military, một cuộc thử nghiệm đã được thực hiện trên pháo chính của xe tăng T-14 Armata tại thao trường Kazan. Pháo nòng trơn 2A82 đã phóng tên lửa Sprinter 3UBK21 và bắn trúng mục tiêu giả định trên không ở khoảng cách 8 km. Khoảng cách bắn trúng mục tiêu xa nhất của xe tăng này trước đây được ghi nhận là khoảng 7-7,5 km.
Theo các chuyên gia quân sự, pháo nòng trơn 2A82 cỡ nòng 125 mm ban đầu được được thiết kế cho xe tăng T-72 và T-80. Loại pháo này được phát triển vào những năm 90 của thế kỷ trước khi có quyết định nâng cấp 2 mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực trên.
Các chuyên gia quân sự Nga nhận định vào thời điểm đó rằng, những mẫu xe tăng từ thời Liên Xô đã không còn khả năng cạnh tranh với các dòng xe tăng phương Tây như Abrams của Mỹ hay Merkavas của Israel, đặc biệt là lĩnh vực xe bọc thép đã bị tụt hậu khá xa.
Hai khẩu pháo được phát triển
Sau những nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu, hai loại pháo chính uy lực cho xe tăng đã được các chuyên gia Nga giới thiệu, đó là pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm được thiết kế cho phiên bản xe tăng T-95 và pháo 2A82 cỡ nòng 125 mm dành cho xe tăng T-72 và T-80 cải tiến.
Những khẩu pháo này cũng đã được xem xét để tích hợp vào xe tăng T-14 Armata. Tuy nhiên, pháo 2A83 đã bị loại bỏ do những hạn chế về lượng đạn sẵn có, bởi cỡ nòng khá lớn. Do đó, pháo 2A82 125 mm đã được lựa chọn để trang bị cho xe tăng mới.
Theo các chuyên gia quân sự, khi được trang bị pháo 2A82, xe tăng T-14 Armata được kỳ vọng sẽ thay đổi “cuộc chơi” nhờ những khả năng chiến đấu độc đáo, nó có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác ở khoảng cách lên tới 3,5 km và nhắm mục tiêu trong bán kính 8 km cả trên mặt đất và trên không.
Hơn nữa, pháo 2A82 trên T-14 được điều khiển từ xa và có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng đạn, không chỉ giới hạn ở đạn pháo 125 mm, mà còn bao gồm các loại đạn cỡ nòng phụ xuyên giáp như 3BM59 “Lead-1” và 3BM60 “Lead-2”, loại đạn tên lửa 900 mm mới được đặt tên là “Vacuum-1” và “Vacuum-2”, 3UBK21 “Sprinter” có tầm bắn lên tới 12 km hay đạn phân mảnh “Telnik” có khả năng phát nổ từ xa, tạo ra sức sát thương lớn.
Đạn 3UBK21 là gì?
Sprinter 3UBK21 là loại đạn xe tăng độc đáo do Liên Xô phát triển, thực chất là một loại tên lửa chống tăng dẫn đường (ATG), nó được thiết kế đặc biệt để phóng trực tiếp từ pháo chính của xe tăng và có khả năng xuyên phá tốt lớp giáp xe tăng đối phương. 3UBK21 có hệ thống dẫn đường bán tự động (SACLOS), kết hợp với đầu đạn chống tăng (HEAT) tạo ra sức nổ cao, tên lửa này được thiết kế cho pháo 2A82-1M trên xe tăng T-14 Armata.
Theo truyền thông Nga, 3UBK21 mang lại hiệu quả rất lớn, với tầm bắn lên đến 12 km, khi được tích hợp trên xe tăng T-14 Armata, nó có thể xuyên thủng lớp giáp dày hơn 900 mm, đủ để vô hiệu hóa bất kỳ loại xe tăng nào đang phục vụ trong quân đội các quốc gia NATO. Tên lửa cũng có thể tấn công các mục tiêu bay thấp trên không, bao gồm cả máy bay trực thăng.
Năng lượng đầu nòng của pháo 2A82
Nhờ được trang bị vũ khí tiên tiến, xe tăng T-14 Armata được đánh giá vượt trội hơn các đối thủ của nó, bao gồm cả những xe tăng đang có trong biên chế của các nước NATO.
Một trong những tính năng đặc biệt của tăng T-14 Armata là pháo chính có cỡ nòng lớn hơn, so với pháo chính trên các loại xe tăng phương Tây như RH120 L/55 120 mm trên xe tăng Leopard của Đức và xe tăng Abrams của Mỹ. Năng lượng đầu nòng của pháo 2A82 trên xe tăng Armata vượt trội hơn tất cả các đối thủ tương tự tới 1,17 lần.
Tháp pháo xe tăng không có người lái
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của xe tăng T-14 Armata là tháp pháo không cần người lái mà được điều khiển từ xa, kíp lái được bố trí trong khoang bọc thép kiên cố ở giữa thân xe, được cách ly với xung quanh bởi lớp vách bảo vệ (dày khoảng 900mm, tương đương với lớp giáp ở phía trước), giúp tăng khả năng sống sót cho tổ lái khi xe trúng đạn, kể cả khi khoang đạn phát nổ hoặc xe bốc cháy hoàn toàn.
Nhiều câu hỏi được đặt ra
Cho đến nay, có rất nhiều người đặt câu hỏi về xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, với các tính năng chiến đấu nổi bật như vậy nhưng tại sao chiếc xe này vẫn chưa được triển khai trên chiến trường Ukraine.
Theo RIA Novosti, ông Sergey Chemezov, Chủ tịch Tập đoàn quốc phòng quốc doanh Rostec của Nga cho biết vào hôm 4/3 trong một cuộc phỏng vấn rằng, xe tăng T-14 Armata đã được biên chế cho Quân đội Nga, nhưng sẽ không được triển khai tới Ukraine.
Cũng theo lời ông Sergey Chemezov, tuy T-14 Armata có tính năng kỹ - chiến thuật vượt trội so với các xe tăng hiện đại trên thế giới, nhưng do giá thành quá cao nên khó có thể được sử dụng trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Theo ông, Quân đội Nga có thể dễ dàng mua những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba T-90 để triển khai ở Ukraine thay vì T-14. Vì vậy, khi nào T-14 được sản xuất và đưa vào biên chế cho Quân đội Nga hàng loạt thì chúng mới có cơ hội tham chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, bản cập nhật tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, lý do Nga chưa triển khai “siêu tăng” T-14 trong thực chiến ở Ukraine có thể do tiềm ẩn nhiều nguy cơ và sẽ làm tổn hại về mặt danh tiếng nếu siêu tăng này bị hạ trên chiến trường.