T-14 sẵn sàng xuất khẩu, quốc gia nào là khách hàng tiềm năng?
Siêu tăng T-14 của Nga đã sẵn sàng xuất khẩu từ năm 2021, truyền thông Mỹ đưa ra danh sách những khách hàng tiềm năng của dòng tăng này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov cho biết, sau khi cung cấp 2 tiểu đoàn T-14 cho Quân đội Nga, bắt đầu từ năm 2021, Moscow sẽ xuất khẩu “siêu tăng” T-14. Sở dĩ T-14 có giá thành cao, không chỉ do thiết kế tiên tiến, mà còn bao gồm cả chi phí cho hoạt động thử nghiệm bổ sung và hiện đại hóa.
Truyền thông Mỹ đã đưa ra một số khách hàng tiềm năng trong việc nhập khẩu xe tăng T-14 của Nga. Đầu tiên phải kể đến là Ấn Độ, New Delhi là một khách hàng nước ngoài lớn nhất của Nga trong hoạt động mua sắm xe tăng T-72 và T-90. Hiện nay, kế hoạch chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba Arjun được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ đã hoàn toàn thất bại, điều này cũng có nghĩa là trong tương lai gần, Quân đội Ấn Độ gần như sẽ trang bị xe tăng do Nga chế tạo.
Ấn Độ đã đặt mua 464 chiếc T-90, nhưng trong bối cảnh Pakistan liên tục đạt được những thành công mới về việc phát triển vũ khí chống tăng, T-14 với công nghệ tiên tiến sẽ trở thành xe tăng lý tưởng nhất cho Ấn Độ. Tiếp theo là Belarus, quốc gia này luôn là khách hàng lớn của vũ khí tối tân Nga.
Hiện nay, Belarus chỉ được trang bị xe tăng T-72, trong khi nước láng giềng Ba Lan đang triển khai xe tăng K2 của Hàn Quốc, và lực lượng Mỹ ở Ba Lan cũng đang bổ sung xe tăng M1. Do vậy, nhu cầu về xe tăng thế hệ 4 hiện đại như T-14 là điều không thể thiếu đối với Belarus.
Algeria mặc dù không có mối đe dọa nguy hiểm từ các nước láng giềng, tuy nhiên, quốc gia này đã trang bị một số lượng lớn xe tăng T-90 và T-72 do Nga sản xuất. Về lâu dài, Algeria vẫn có thể mua xe tăng T-14 để tăng cường sức mạnh cho quân đội của mình ở châu Phi.
Thứ tư là Ai Cập, đây là một trong những quốc gia thường xuyên mua vũ khí ccủa Nga. Do xe tăng Merkava IV của nước láng giềng Israel có hiệu suất chiến đấu tốt và được coi là một mối đe dọa đối với lục quân Ai Cập, vì vậy Ai Cập có thể coi T-14 là cỗ máy thay thế cho T-90.
Khách hàng tiềm năng cuối cùng được truyền thông Mỹ nhắc đến đó là Việt Nam. Tạp chí quân sự Mỹ Military Watch cho rằng, Việt Nam là khách hàng lớn của T-90, nên có khả năng sẽ nghiêm túc xem xét việc mua xe tăng T-14.
Tuy nhiên theo phân tích chuyên sâu, các thông tin mà tạp chí MilitaryWatch đưa ra chưa hoàn toàn mang tính khách quan và cũng không phù hợp với thực tiễn tình hình hiện đại hóa Lục quân cùng với nhu cầu sử dụng xe tăng của quân đội Việt Nam.
T-14 Armata là loại xe tăng tiên tiến nhất mà nước Nga từng chế tạo, và là đối trọng với các xe tăng tốt nhất của phương Tây. Nước Đức cũng đã chấp nhận lời thách thức từ Nga, và bắt tay vào việc nâng cấp xe tăng Leopard 2 của mình. Tuy nhiên, dù sức mạnh của Armata là rất đáng sợ, nhưng giá thành sản xuất cao sẽ là rào cản khiến hoạt động xuất khẩu xe tăng này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo các nguồn tin không chính thức, giá thành của một chiếc xe tăng Armata xấp xỉ 400 triệu ruble, tức là nhiều hơn gấp đôi so với chiếc tăng Leopard 2 của Đức và cao hơn khoảng 60-75% so với xe tăng Leclerc của Pháp và xe tăng M-1 Abrams của Mỹ.
Xe tăng T-14 có chiều dài 10,8 m, rộng 3,5 m, khối lượng 55 tấn, sử dụng một pháo 2A82-1M cỡ nòng 125 mm, kíp lái 3 người. Xe được ra mắt lần đầu năm 2015 và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa được biên chế vào quân đội Nga. Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác của loại xe tăng này vẫn là một ẩn số, tuy nhiên người ta nhận định đây là loại xe tăng thế hệ thứ tư vô cùng tiên tiến, chiếm ưu thế hoàn toàn vượt trội trước các loại tăng hiện nay của khối NATO.