T-80BVM là phiên bản nâng cấp từ xe tăng T-80BV chế tạo từ thời Liên Xô, hiện nay quân đội Nga đang thực hiện dự án lớn đó là hiện đại hóa khoảng 3.500 chiếc T-80BV theo tiêu chuẩn trên.
Các chiến xa hiện đại hóa với biệt danh "Xe tăng phản lực" nhờ lắp động cơ turbine khí này được đưa vào biên chế Lữ đoàn bộ binh cơ giới của Hạm đội Phương Bắc vào năm 2019.
Theo giới thiệu, xe tăng T-80BVM được trang bị kính ngắm xạ thủ đa kênh Sosna-U, pháo chính nòng trơn 2A46M-1 cỡ 125 mm, súng máy phòng không 12,7 mm NSVT và súng máy đồng trục PKT 7,62 mm.
Sức mạnh và khả năng phòng vệ của xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM theo đánh giá còn nhỉnh hơn T-72B3 đời 2016, nó sẽ đảm nhiệm vai trò nắm đấm thép của lục quân Nga tại Bắc Cực và vùng Viễn Đông.
Pháo chính của T-80BVM bắn được đa số các loại đạn pháo tiêu chuẩn dành cho xe tăng Nga, trừ đạn xuyên động năng 3BM60 Svinets-2 do có chiều dài lớn hơn loại mà máy nạp tương thích.
Bên cạnh đó, kho đạn của T-80BVM còn bao gồm tên lửa 9M119 Refleks được thiết kế để tấn công chiến xa đối phương trang bị giáp phản ứng nổ (ERA), cũng như tiêu diệt các mục tiêu trên không bay thấp như trực thăng ở cự ly lên đến 5 km.
Hệ thống ATGM 9M119 hoặc 9M119M Refleks được dẫn đường bằng tia laser bán tự động và mang đầu đạn xuyên lõm hai tầng. Trọng lượng tên lửa là 23,4 kg. Bộ nạp đạn của pháo sẽ chịu trách nhiệm đưa tên lửa lên nòng.
Trong ngày khai mạc Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế Army 2020, dự kiến xe tăng T-80BVM nâng cấp sẽ có màn trình diễn ấn tượng bằng cách thể hiện khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.700 m.
Tuy nhiên sự cố đáng tiếc đã tới khi tên lửa 9M119 Refleks dẫn đường bằng laser, được phóng từ pháo chính của chiếc T-80BVM đã không thể tìm thấy mục tiêu vì lý do chưa rõ.
Ngoài tên lửa chống tăng, những loạt đạn bắn đi từ pháo chính của chiếc T-80BVM này cũng không đạt được hiệu suất như mong muốn, bất chấp thao trường Alabino đã quá quen thuộc với kíp điều khiển.
Bên cạnh T-80BVM, kíp điều khiển xe tăng T-90 cũng không hoàn thành nhiệm vụ khi đạn của họ cũng bắn trượt mục tiêu, đây là màn trình diễn khá thất vọng của vũ khí Nga ngay trước mắt các quan khách.
So sánh với xe tăng NATO, những chiếc M1A2C hay Leopard 2A7 với thiết bị ngắm điện tử tinh vi có khả năng bắn trúng mục tiêu di động từ khoảng cách trên 2.000 m khi đang chạy ở tốc độ cao, tính năng mà T-72B3 trong cuộc thi Tank Biathlon không thể làm nổi.
Khả năng xạ kích không đủ tin cậy nhất là ở cự ly xa và khi xe đang di chuyển được xem là một trong những nguyên nhân khiến xe tăng Nga có giá thành tương đối rẻ so với chiến xa phương Tây sản xuất.
Chưa rõ nhược điểm nói trên đã được ngành công nghiệp quốc phòng Nga khắc phục triệt để trên thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất là T-90M Proryv-3 và T-14 Armata hay chưa.
Bạch Dương