'Ta điêu' trong đời sống tâm linh của người Thái Sơn La
Phong tục cắm hoặc buộc 'Ta điêu' được truyền từ đời này qua đời khác ở mỗi gia đình, bản làng người Thái Sơn La.
Trong rất nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa tâm linh đặc sắc của dân tộc Thái, phong tục cắm hoặc buộc “Ta điêu” (Một vật được đan bằng lạt tre để trừ tà), được truyền từ đời này qua đời khác ở mỗi gia đình, bản làng người Thái Sơn La. Theo tiếng Thái, “Ta điêu” có nghĩa là “Một mắt”. Ta điêu được bà con coi là một vật linh thiêng được đan bằng những sợi lạt tre, buộc lên cửa nhà, hay cắm xuống đất để bài trừ các loại tà ma, giữ cho gia đình, nhà cửa được an yên.
Ông Tòng Văn Hịa, thầy cúng ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La cho biết ý nghĩa của tục lệ này: “Năm nay tôi đã hơn 80 tuổi rồi, từ khi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ làm “Ta điêu” này. Dù việc tốt hay xấu đều phải đan buộc, cắm ta điêu vào nhà. Khi đi rừng, ngủ trong rừng, khi lên nhà mới, khi cúng bái “Xên phún quải, xên tỏn khớ” (Cúng giải hạn), lúc gia đình có người ốm đau, hoặc có người mới sinh em bé, cũng cắm ta điêu".
Ta điêu có 2 loại: một loại là ta điêu đan 1 mắt, có 9 lớp không tách rời nhau, mỗi lớp sử dụng 6 cái lạt tre để đan thành 1 ta điêu. Loại này rất khó đan, lúc buộc phải buộc kèm theo “ á cây nát”, 1 khúc than củi ngắn, nhỏ, dùng lạt buộc hay đóng đinh để trên cửa nhà, hay đầu cầu thang nhà sàn, hoặc trên cổng nhà. Trường hợp này, để trừ tà, trừ yêu khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật, hoặc lúc gia đình có người mới sinh em bé, nhằm báo hiệu cho người lạ biết rằng nhà đang có kiêng cữ, sợ bé yếu bóng vía, hay quấy khóc....
Loại ta điêu thứ hai là đan 7 mắt, nhưng chỉ có 1 lớp, dùng 12 cái lạt để đan, độ dài tính từ que cắm đến ta điêu dài khoảng 40cm, ta điêu hình tròn khoảng 20cm. Loại này đan dễ hơn. Đây là ta điêu dùng 1 que xiên qua làm cọc để cắm xuống đất tại 4 góc nhà lúc lên nhà mới, lúc làm lễ cúng, hay lúc ngủ nghỉ trong rừng sâu để báo hiệu với thổ công thổ địa là có người ngủ lại đây, ma quỷ không làm hại được.
“Từ hơn 10 tuổi, đi chăn trâu, chăn bò, thấy người già làm thì tôi cũng đã học đan rồi cho nên mới biết làm cho đến bây giờ. Làm ta điêu không phải ai cũng biết làm, phần đa số không ai biết đan, nhất là thanh niên bây giờ, chỉ có người già may ra biết làm, nên ai không biết làm, thì cũng phải đi nhờ các cụ già để đan giúp, không tính công cán gì cả”, ông Tòng Văn Hịa kể.
Việc đan ta điêu đã khó, việc biết lời khấn trước khi làm thủ tục còn khó hơn nhiều. Vì lời khấn không phải ai cũng biết, chỉ có “mo” (thầy cúng) mới biết khấn đúng bài bản. Ông Tòng Văn Hịa cho biết thêm: “Khi cắm, buộc ta điêu thì người Thái cũng có những lời cầu khấn đi cùng để cho thiêng. Mỗi thầy cúng sẽ có những lời khấn khác nhau, tuy nhiên thường thường người ta khấn đại ý như thế này: “Ta điêu như một thứ phép mầu vô hình sẵn sàng đánh chặn, dọa nạt tất cả ma quỷ, không có bất cứ ma quỷ nào có thể xâm nhập được. Lúc thì ta điêu giống như mắt rồng, lúc thì như con dao, khẩu súng…”.
Với đồng bào Thái Sơn La, ta điêu là nét văn hóa tâm linh, không phải lúc nào cũng làm, không cầu kỳ, tốn kém, không mê tín, dị đoan. Nhưng chỉ khi làm xong thủ tục này, bà con mới cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn, nên từ đời này qua đời khác duy trì cho đến ngày nay./.