Tà Năng - Phan Dũng: Đi sao an toàn?
Đi Tà Năng - Phan Dũng mùa này sẽ đưa bạn trải qua đủ các cung bậc cảm xúc từ phấn khích tột độ trước nét hoang sơ thơ mộng của núi rừng đến sự hồi hộp bao trùm trên mỗi bước chân.
Ngày 7/10, Nguyễn Việt Tuyết Quân (32 tuổi), tử nạn khi đang dang dở trong hành trình khám phá cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Khi đó, Tuyết Quân cố gắng băng qua suối, không may nước lũ về và cuốn theo cô gái trước sự bất lực của nhóm bạn đồng hành.
Phải đến khi tai nạn xảy ra, người ta mới kịp nhìn lại và thấy rằng những chuyến đi xuyên rừng vào mùa mưa chưa bao giờ dễ dàng và mỗi sai sót đều phải trả giá đắt, kể cả mạng sống.
Chuẩn bị gì trước khi trekking?
Hoàng Tùng, người thường xuyên dẫn cung Tà Năng - Phan Dũng, cho rằng trước khi bắt đầu hành trình, người hướng dẫn và công ty lữ hành tổ chức (nếu có) phải tập huấn kỹ năng cơ bản cho những người tham gia. Nếu không có bước này, tai nạn xảy ra thì cả ba bên đều đáng trách.
"Rừng núi luôn ẩn chứa nguy hiểm rất khó lường. Để hành trình an toàn, các bạn đừng bao giờ có tâm lý chủ quan trong khâu chuẩn bị. Giống như trường hợp tai nạn của bạn Quân, chỉ cần 10 giây lũ về, nước lên nhanh là tình cảnh đã rất nguy hiểm", Hoàng Tùng chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm sau quá trình dài "lấy rừng núi làm nhà", Hoàng Tùng đưa ra một số kỹ năng, yêu cầu cơ bản khi chinh phục Tà Năng - Phan Dũng vào mùa mưa.
Về các vật dụng đem theo khi leo núi, mọi người phải đảm bảo quần áo trong balô không bị ướt, phân loại đồ ra nhiều túi, đựng quần áo, đồ điện tử điện thoại, máy ảnh vào các túi chống thấm nước. Áo mưa cũng là vật dụng không thể thiếu.
Nếu balo bị ướt, trekker dễ bị đuối sức, mệt mỏi vì phải mang vác quá nặng trong hành trình dài, chưa kể đến việc đồ đạc bị hỏng hoặc không có quần áo khô để thay khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.
Mỗi người khi tham gia hành trình phải tự chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản như thuốc hạ sốt, thuốc chống muỗi, thuốc bôi khi bị côn trùng cắn, C sủi cũng rất cần thiết khi cơ thể mất sức, mệt mỏi.
Trước khi đăng ký tham gia hành trình, các thành viên phải luyện tập và đánh giá thể lực của mình có phù hợp với cung đường dài tới 55 km hay không. Nếu thấy không phù hợp thì nên lùi thời gian tham gia hành trình.
Chọn người dẫn đoàn tin cậy
Hiện có khá nhiều công ty du lịch hoặc các cá nhân tổ chức tour khám phá Tà Năng - Phan Dũng nên bạn không cần quá sốt sắng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên "chọn đại" nhóm hoặc người dẫn đoàn. Bởi nếu đi cùng người hướng dẫn thiếu kinh nghiệm và nhóm thiếu trách nhiệm, bạn sẽ mất đi sự hỗ trợ và tự đưa bản thân rơi vào vòng nguy hiểm, chán nản tinh thần dễ dẫn đến xuống sức.
Trong suốt hành trình, các thành viên trong nhóm phải tương trợ lẫn nhau và tin tưởng, bám sát đường đi nước bước của người dẫn đoàn, tránh bị lạc đường.
Nam phượt thủ nhấn mạnh vai trò "sống còn" vẫn nằm ở người dẫn đoàn. Hoàng Tùng cho rằng người dẫn đoàn phải có trách nhiệm, linh hoạt và điềm tĩnh. Nếu thấy thời tiết thay đổi bất thường, người đó phải đưa ra quyết định nhanh, sáng suốt.
"Trưởng đoàn là người hiểu rõ nhất cung đường và có thừa kinh nghiệm. Nếu người đó bế tắc, cả nhóm dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn", Hoàng Tùng khẳng định.
Với người dẫn đoàn, nếu phải băng cắt qua suối mà thấy hiện tượng dòng nước đục, chảy mạnh thì đừng liều lĩnh đưa đoàn vượt qua. Khi vượt suối, dây thừng được coi là vật bất ly thân.
"Bóc băng" đoạn video ghi lại khoảnh khắc cô gái trẻ bị lũ cuốn, nhiều người cũng nhận ra người dẫn đường mắc lỗi khá sơ đẳng khi không đem theo dây thừng và để các thành viên lẻ tẻ mò mẫm vượt suối.
Minh Thiên, phượt thủ với nhiều kinh nghiệm leo núi, bổ sung thêm: "Mùa mưa cũng là mùa nhiều vắt. Các bạn đi đường rừng nên trang bị quần áo dài, hoặc găng tay chất liệu co dãn thoáng mát để vừa thấy thoải mái vừa không bị vắt cắn".
Ngoài ra, mưa nhiều khiến đường đi trơn trượt dễ bị ngã. Xác định tham gia cung đường dài, bạn nên đầu tư đôi giày leo núi chuyên dụng có độ ma sát cao, hoặc giày bộ đội cũng thường được giới leo núi tin dùng.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ta-nang-phan-dung-di-sao-an-toan-post786545.html