''Ta tựa lòng ta rất đỗi tự hào''
Câu chuyện UBND quận Hoàn Kiếm cuối tuần qua triển khai thử nghiệm mở rộng không gian đi bộ khu vực phía Nam phố cổ kết nối với khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm đã làm nức lòng dư luận và tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Nếu vào dịp khác thì không có gì đáng nói, bởi mở rộng không gian đi bộ là việc tất yếu nhằm tăng cơ hội trải nghiệm cho người dân và du khách thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí, mua sắm…, trên hết là phục vụ nhu cầu phát triển du lịch của Thủ đô. Thế nhưng, ở thời điểm cuối năm 2020 thì câu chuyện này đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người.
Nói như vậy là bởi năm qua thực sự là “một năm covid buồn” đối với nhân loại. Ngay từ đầu năm, đại dịch Covid-19 đã bùng phát, lan rộng tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường và hiện vẫn tiếp tục lây lan, chưa thể rõ hồi kết. Kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm gần 4%, hoạt động thương mại sụt giảm nghiêm trọng, thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2020 toàn thế giới đã có gần 82 triệu người nhiễm virut SARS-CoV-2, với gần 1,8 triệu ca tử vong. Cùng với những bất ổn về địa - chính trị, thiên tai, dịch bệnh khác, rõ ràng đại dịch Covid-19 đã phủ một mảng màu u ám trên bức tranh địa cầu năm qua.
Là một quốc gia đông dân, đang phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam không tránh khỏi những tác động xấu của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh… Song, đến cuối năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91% và được đánh giá là một trong 10 nước có tăng trưởng GDP năm 2020 cao nhất thế giới. Những kỳ tích ấy đã khẳng định ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó của dân tộc Việt Nam và làm nức lòng bạn bè năm châu, bốn bể.
Với vai trò Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, Hà Nội được xác định là địa bàn trọng điểm của dịch, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020 Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành “mục tiêu kép” với nhiều nhiệm vụ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đáng chú ý là GDPR cả năm đạt 3,98%. Đặc biệt là công tác phòng, chống dịch được thực hiện hiệu quả. Hà Nội đã kiểm soát tốt và đẩy lùi cả 3 đợt dịch, không có ca tử vong. Tính đến ngày 29-12-2020, thành phố đã trải qua 133 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có thể nói, Hà Nội là điểm sáng nhất trong “điểm sáng Việt Nam” năm 2020.
Trong những ngày thế giới chao đảo vì đại dịch, trên các kênh tin tức quốc tế và cả trong cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội mỗi khi có ai đó nhắc về quê hương mình thường xuất hiện một “từ khóa” phổ biến là “lockdown” (đóng cửa thành phố). Bởi thế mà những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và nhất là hiệu quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội không khỏi khiến bạn bè quốc tế và cả kiều bào ở nước ngoài ngỡ ngàng, thán phục. Và việc Hà Nội mở rộng không gian đi bộ trong những ngày cuối năm 2020 là một minh chứng thuyết phục để khẳng định một điểm đến an toàn, thanh bình, đáng sống.
Trải hơn ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã rất nhiều lần đương đầu với kẻ thù ngoại xâm, thiên tai, địch họa… Và như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng nói, Thăng Long - Hà Nội đúng là một tòa thành dày dạn lửa đạn và cũng là một tòa thành bách chiến bách thắng, không hề khuất phục. Truyền thống ấy đã được hun đúc, kết tinh, để người Hà Nội hôm nay tiếp tục làm nên kỳ tích trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Truyền thống ấy là niềm tự hào, đồng thời cũng chính là động lực, là điểm tựa để người Hà Nội vững bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong năm mới 2021.