Tác động của bão số 3 tới kết cấu xây dựng và giải pháp phòng ngừa

Chiều 13/12, tại Hải Phòng, tiếp tục chuyên đề 2 tại Hội thảo khoa học do Hội Bê tông Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST), Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức, các chuyên gia và đại biểu đã tập trung tổng kết đánh giá ở góc độ chuyên môn về quy mô sức mạnh cơn bão so với quy định của quy chuẩn xây dựng hiện nay. Bên cạnh đó, phân tích hiện trạng tác động của bão đến công trình, loại kết cấu nào, nguyên nhân gây ra hư hỏng và giải pháp phòng ngừa.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội thảo.

Hoàn thiện các quy định hiện hành

Trong những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp, nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có nước ta.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật và xảy ra trên các vùng miền cả nước. Đặc biệt tháng 9/2024, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh với sức tàn phát rất lớn đã gây thiệt hại đến cơ sở vật chất, công trình xây dựng… ở các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhận định, Hội Bê tông kết hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình đã tổ chức hội khoa học với 2 chuyên đề đang rất được quan tâm. Chuyên đề 1 tập trung trao đổi thông tin liên quan ăn mòn công trình. Chuyên đề 2 là tác động của bão số 3 tới kết cấu xây dựng và giải pháp phòng ngừa.

Qua khảo sát thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh sau cơn bão số 3, thấy rằng rất nhiều công trình nhà xưởng bằng thép, công trình quy mô không lớn, vách kính, mái thép, mái kim loại... bị hư hỏng hoặc sụp đổ; cột điện, biển quảng cáo cỡ lớn bị hư hỏng, gãy đổ.

Bộ Xây dựng đánh giá cao những nội dung mang tính thời sự, có ý nghĩa thực tiễn tại Hội thảo và đòi hỏi phải có những nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo để tiếp tục hoàn thiện các quy định hiện hành.

Trong thời gian tới, Việt Nam chuẩn bị triển khai rất nhiều công trình quy mô lớn, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dự án nhà máy điện hạt nhân... đòi hỏi cần nghiên cứu, đánh giá các nguồn lực để thực hiện hiệu quả rà soát, xây dựng mới các quy định của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật, Hướng dẫn... trong lĩnh vực xây dựng có liên quan.

Bộ Xây dựng chúc Hội Bê tông Việt Nam hoàn thành xuất sắc các kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra, tiếp tục có nhiều đóng góp cho ngành Xây dựng và Bộ.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chuyên ngành thuộc Bộ Xây dựng.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chuyên ngành thuộc Bộ Xây dựng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Hà Huy Hà cho biết, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, Chính phủ có chỉ đạo kịp thời và khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ngay khi cơn bão số 3 có nguy cơ là siêu bão, với nhiều tính chất phức tạp và nghiêm trọng, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều Công điện chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão và khắc phục hậu quả của cơn bão gây ra. Trong đó, Bộ Xây dựng ban hành Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 04/9/2024 về việc ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3, Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024.

Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Hà Huy Hà bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân sẽ có nhiều ý kiến, giải pháp hiệu quả, thiết thực, nhằm giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực xây dựng.

Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Hà Huy Hà bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân sẽ có nhiều ý kiến, giải pháp hiệu quả, thiết thực, nhằm giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực xây dựng.

Sau khi cơn bão kết thúc, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo các giải pháp khắc phục cơn bão tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề chất lượng công trình xây dựng trong phòng chống bão và các giải pháp khắc phục cơn bão số 3.

Để tiếp tục tổng kết các kinh nghiệm phòng, chống siêu bão, cập nhật đầy đủ các giải pháp phòng, chống siêu bão trong lĩnh vực xây dựng, Ban tổ chức mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân sẽ có nhiều ý kiến, giải pháp hiệu quả, thiết thực, nhằm giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực xây dựng. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tổng hợp được, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các Văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn và các hướng dẫn có liên quan.

Những kiến nghị nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra

Tại Hội thảo, Sở Xây dựng Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội đưa ra những tác động của gió bão tới kết cấu công trình xây dựng ở địa phương. Hiện trạng phá hủy của cơn bão đối với kết cấu chịu lực bê tông cốt thép là không lớn; không gây ra sập đổ kết cấu chịu lực của nhà cửa, cầu cống nhưng có tác động đến kết cấu thép, dàn mái ở khẩu độ lớn. Đối với kết cấu bao che như là tường kính, vách kính, mái kim loại, cửa sổ… bị bão số 3 tác động gây hư hại nặng nề.

Hội thảo thu hút hàng trăm khách mời là chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự.

Hội thảo thu hút hàng trăm khách mời là chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự.

Trên cơ sở các báo cáo đánh giá, địa phương đề xuất Bộ Xây dựng tổ chức khảo sát, đánh giá một cách khoa học nguyên nhân của các sự cố do gió bão gây ra, tổng kết thành các bài học về công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng tài liệu kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình. Nghiên cứu sử dụng các giải pháp thiết kế nhằm chủ động làm giảm áp lực gió lên các kết cấu công trình…

Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đánh giá tác động của bão số 3 trên cơ sở số liệu Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02:2022/BXD. Báo cáo đã thực hiện so sánh vận tốc gió giật mạnh nhất về áp lực gió trong bão số 3 so với Quy chuẩn. Có thể thấy, sức tàn phá của cơn bão Yagi rất lớn, đối chiếu với QCVN 02:2022/BXD, tính tần suất lặp 50 năm, thì giá trị đo được của cơn bão ở các vị trí khác nhau ở tiệm cận giá trị trên của Quy chuẩn. Do vậy, rất cần rà soát, bổ sung điều chỉnh các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, đặc biệt là QCVN:2022/BXD.

TS. Vũ Thành Trung, Viện Khoa học công nghệ xây dựng nhận định rằng cần cập nhật số liệu gió dùng trong xây dựng, có tính đến số liệu gió thu thập đơn trong bão số 3; cần tổ chức công tác tập huấn, phổ biến cho nhân dân các giải pháp kỹ thuật thông dụng phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra…

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc báo cáo bão số 3 đã gây ra hư hỏng nghiêm trọng cho hệ thống lưới điện, đặc biệt là cột điện bê tông cốt thép ly tâm và cột thép. Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hư hỏng cột điện bê tông cốt thép ly tâm do bão và đưa ra các kiến nghị giảm thiểu thiệt hại. Trên cơ sở các báo cáo cho thấy, cơn bão số 3 tác động đến các cột điện ly tâm làm gẫy cột điện ở cao độ 1,5-2m từ mặt đất, gây thiệt hại lớn. Với cột điện ly tâm, cần phải xem xét về vấn đề thống nhất giữa tiêu chuẩn sản phẩm và thực tế tải trọng tác động lên cột.

Các thành viên Hội Bê tông Việt Nam chụp hình lưu niệm.

Các thành viên Hội Bê tông Việt Nam chụp hình lưu niệm.

Nhân dịp này, Hội Bê tông Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2025. Hội Bê tông Việt Nam là Hội xã hội nghề nghiệp. Các hoạt động của Hội không chỉ tập trung về lĩnh vực vật liệu bê tông mà còn xuyên suốt từ vật liệu, thi công đến thiết kế kết cấu công trình. Những năm qua, Hội Bê tông Việt Nam thường xuyên tổ chức các Hội thảo chuyên đề, Hội nghị, biên soạn tiêu chuẩn và trao đổi các vấn đề kỹ thuật phát sinh thực tiễn… Thời gian tới, Hội tiếp tục tham gia tích cực tham gia công tác phản biện xã hội về lĩnh vực chuyên ngành bê tông, bao gồm công tác quản lý, xây dựng cơ chế chính sách của Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị hội viên.

Ngọc Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tac-dong-cua-bao-so-3-toi-ket-cau-xay-dung-va-giai-phap-phong-ngua-390823.html