Tác động của bầu cử Mỹ 2020 tới quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật
Cuộc bầu cử 2020 sẽ mang tính quyết định cho chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ. Và Nhật Bản, với tư cách là một đồng minh quan trọng của Washington, đang dồn sự chú ý vào cuộc chạy đua này.
Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tướng của ông - Thượng nghị sĩ Kamala Harris, tại buổi xem pháo hoa thứ tư của Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ngày 20/8 ở Wilmington, bang Delaware. (Nguồn: AP)
Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ vừa qua cho thấy mức độ thay đổi ở Mỹ và thế giới kể từ cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Các diễn giả tham gia sự kiện trực tuyến đã liên tục nhấn mạnh “sự nguy hiểm” của việc ông Donald Trump tái đắc cử và sự cần thiết để ông Joe Biden lãnh đạo nước Mỹ.
Giờ đây, câu hỏi về tác động của cuộc bầu cử vào tháng 11 sẽ như thế nào đối với quan hệ Mỹ-Nhật đang trở thành tâm điểm.
Tin tốt cho Nhật Bản
Trong một môi trường toàn cầu mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã xa lánh nhiều đồng minh truyền thống, Nhật Bản vẫn kiên quyết đứng về phía Mỹ. Và cách Nhật Bản tiếp nhận Tổng thống mới của Mỹ sẽ giống như cách nhận một món quà Giáng sinh theo cách so sánh của cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki: “Bạn sẽ không thể nói bất cứ điều gì cho đến khi bạn mở món quà ra và rồi nói 'Đó chính là điều tôi muốn’”.
Dù ai thắng cử thì mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản sẽ vẫn bền chặt, bởi người dân và xã hội hai nước có thể vượt lên trên những khác biệt về ý chí chính trị. Điều này vẫn đúng ngay cả khi Mỹ hiện không có Đại sứ ở Nhật Bản, và ngay cả khi những khác biệt về chính sách của Nhật Bản gây khó khăn cho Mỹ. Xứ sở hoa anh đào tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự của riêng mình về biến đổi khí hậu, cấu trúc khu vực và trao quyền kinh tế thông qua thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Người ta tranh luận rằng, nếu ông Biden thắng cử, nước Nhật sẽ cần một Thủ tướng mới để thiết lập lại các mối quan hệ Mỹ-Nhật nhằm thay thế mối quan hệ thân thiết bất thường hiện tại giữa ông Abe và ông Trump. Thực tế rằng, ông Biden là một chính khách Mỹ theo kiểu truyền thống, nên đây có thể là một tin tốt cho Nhật Bản, nhưng vẫn có sự tranh cãi về việc liệu ông Biden sẽ đi được bao xa với đảng Dân chủ của mình.
Cuộc đua sơ bộ của đảng Dân chủ kết thúc với sự thất bại của đại diện cho cánh dân túy mới - ông Bernie Sander, mà giới lãnh đạo Nhật Bản không đánh giá cao. Sự ủng hộ của ông Sander cùng với việc chọn bà Kamala Harris làm người đồng hành, ông Biden được cho là đang xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo có năng lực, đồng cảm và có trách nhiệm. Ông đã tìm cách nắm bắt sự ủng hộ của cử tri Mỹ sau phong trào Black Lives Matter, cùng với tận dụng sự tức giận và thất vọng của người dân trước cách phản ứng của Tổng thống Trump đối với đại dịch Covid-19.
Duy trì nền tảng vững chắc
Cựu Tổng thống Barack Obama đã nói về ông Biden trong bài phát biểu tại Đại hội đảng Dân chủ: “Ông Joe biết cả thế giới và cả thế giới biết đến ông Joe”. Nhiều người Nhật Bản có thể đồng ý, cho rằng chiến thắng của ông Biden sẽ là sự tiếp nối nhiệm kỳ thứ ba của chính quyền Tổng thống Obama.
Ông Biden là một “ngựa chiến” dày dặn kinh nghiệm trên chính trường Mỹ và thông thạo về chính sách đối ngoại, kinh nghiệm đặc biệt quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhiều năm trước khi trở thành phó tướng của cựu Tổng thống Obama và ông có quan điểm rõ ràng về chính sách đối ngoại.
Nhìn vào đội ngũ điều hành chính sách đối ngoại của ông Biden hiện nay - ông Tony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại giao; ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia; bà Julie Smith, người ủng hộ mạnh mẽ hợp tác xuyên Đại Tây Dương; và những người khác phụ trách các vấn đề châu Á, chẳng hạn như ông Ely Ratner. Rõ ràng, chính quyền cựu Tổng thống Obama và nhóm ông Biden có mối liên hệ chặt chẽ, nhưng sẽ có rất nhiều khác biệt tiềm ẩn trong thời điểm hiện nay. Ngoài việc chọn bà Harris làm phó tướng, chính sách đối ngoại của Mỹ cuối cùng sẽ được định hình bởi nội các mới cùng các cố vấn cấp cao của ông Biden.
Cho dù người thắng cử trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng sắp tới là ông Trump hay ông Biden, người chèo lái con thuyền nước Mỹ vẫn sẽ phải đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng sâu rộng, suy thoái kinh tế và một thế giới đã thay đổi đáng kể trong một thời gian ngắn.
Theo nhiều cách, phản ứng của Mỹ đối với đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và Washington sẽ tiếp tục thiết lập một thế giới thời hậu siêu cường Mỹ. Tổng thống Mỹ không chỉ cần duy trì đoàn kết trong nước, mà còn cần sự giúp đỡ của Nhật Bản trong việc xóa bỏ nhận thức ngày càng hằn sâu trong cộng đồng quốc tế rằng tương lai đang nằm trong tay Trung Quốc, mặc cho thế giới ngày càng phân cực hơn.
Khi mọi thứ thay đổi, điều vẫn giữ nguyên là tầm quan trọng và sự lâu bền trong mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản. Tuy nhiên, sợi dây Washington-Tokyo ngày nay tốt không chỉ vì mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa các nhà lãnh đạo, mà còn bởi vì tình bằng hữu thấm nhuần trong doanh nghiệp, con người và xã hội hai nước. Bất kể ai giành chiến thắng vào ngày 3/11 tới, liên minh Mỹ-Nhật vẫn duy trì nền tảng vững chắc và sẽ cần được củng cố để tiếp tục trở thành động lực cho tương lai.