Tác động của Hội nghị G7 tới nền kinh tế toàn cầu

Nhiều chuyên gia đánh giá lãnh đạo các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khó có thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quan trọng và điều tốt nhất họ làm là không gây tác động xấu hơn tới nền kinh tế toàn cầu

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: The New York Times

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: The New York Times

Theo hãng thông tấn AP, khác biệt trong quan điểm về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng căng thẳng thương mại với châu Âu và việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) có thể khiến các nhà lãnh đạo G7 gặp khó khăn khi tìm tiếng nói chung về biện pháp tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kết quả như hội nghị thượng đỉnh năm 2018 tại Canada là điều kinh tế toàn cầu không cần hiện nay. Thời điểm đó, lãnh đạo G7 chật vật trong việc đưa ra tuyên bố chung, Tổng thống Trump rời hội nghị sớm và đăng lên mạng xã hội Twitter chỉ trích Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2019, cho biết ông sẽ tránh tái diễn trường hợp năm 2018 khi quyết định G7 năm nay không đưa ra tuyên bố.

Ngay cả trong trường hợp các lãnh đạo G7 có thể ra tuyên bố chung thì khó có khả năng tuyên bố đó sẽ có giải pháp cho những vấn đề đang cản trở đầu tư và giảm niềm tin kinh doanh. Trong cuộc họp ngày 25/8 về kinh tế, Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo khác đã thể hiện quan điểm đối ngược về thương mại.

Lãnh đạo các quốc gia châu Âu đề cập đến ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung với kinh tế toàn cầu và cho rằng cần giải quyết qua các tổ chức đa phương. Trái lại, Tổng thống Trump nhấn mạnh quan điểm riêng.

Việc Tổng thống Trump áp đặt thuế lên nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cảnh báo sẽ áp thuế cao với cả ô tô từ châu Âu cũng như rượu Pháp đã khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an về chuỗi cung. Thị trường nhiều quốc gia trên thế giới thể hiện dấu hiệu không ổn định, thậm chí tuột dốc sau khi Mỹ và Trung Quốc đánh thuế cao hàng hóa của nhau.

Nhà kinh tế học Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg ở Anh nhận định: “Các doanh nghiệp và doanh nhân chỉ đầu tư khi họ thấy tự tin về triển vọng”.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không có nhiều cơ hội để giảm lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu thậm chí còn ít cơ hội hơn. Lãi suất cho vay đang ở mức vô cùng thấp.

Nhiều chính phủ vẫn phải đối mặt với tàn tích nợ nần từ thời khủng hoảng tài chính do vậy không còn nhiều điều kiện để chi tiêu kích thích đầu tư và tiêu thụ.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không mấy khởi sắc. Tình trạng dân số già hóa tại nhiều nền kinh tế phát triển được dự đoán có thể giảm nhu cầu tiêu dùng và gây sức ép đến thuế.

Nhà kinh tế học Schmieding nhận định: “Thông điệp từ G7 sẽ cung cấp tín hiệu về triển vọng cho các đàm phán sắp tới. Sẽ được coi là thành công nếu lãnh đạo G7 nhấn mạnh đến lĩnh vực hợp tác thay vì chỉ đưa ra khác biệt. Cuối cùng, nội dung đăng Twitter của Tổng thống Trump có thể gây ảnh hưởng đến thị trường hơn bất cứ hội nghị nào”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tac-dong-cua-hoi-nghi-g7-toi-nen-kinh-te-toan-cau-20190826112422316.htm