Tác động của quy mô doanh nghiệp đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp ngành Nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

ĐỖ THỊ DIÊN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Bài báo này nghiên cứu về mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp ngành Nhựa tại Việt Nam dựa trên dữ liệu nghiên cứu được lấy từ 27 công ty nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2019. Tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy theo mô hình tác động cố định và ngẫu nhiên dựa vào dữ liệu bảng cân bằng. Kết quả nghiên cứu cho thấy dù biến quy mô được đo lường bằng tổng tài sản hay doanh thu thì nó đều có tác động tích cực, có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả tài chính (được đo lường bằng tỷ suất lợi nhuận tổng tài sản) của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biến kiểm soát bao gồm: thời gian kinh doanh, khả năng thanh toán, đòn bẩy đều có tác động âm, có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả tài chính. Đây là cơ sở để các tác giả đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả tài chính của các công ty Nhựa ở Việt Nam.

Từ khóa: quy mô doanh nghiệp, hiệu quả tài chính, ngành Nhựa.

1. Lời mở đầu

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quy mô doanh nghiệp là một trong những đặc điểm quan trọng tác động đến hiệu quả tài chính của công ty (Amato và Amato, 2004; Isik và Tasgin, 2017). Tuy nhiên, cho đến hiện nay, quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ có thể tối đa hóa hiệu quả tài chính vẫn là vấn đề gây tranh cãi về cả lí thuyết và thực nghiệm. Mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả hoạt động đã được nghiên cứu trong nhiều lí thuyết khác nhau như lí thuyết thể chế, lí thuyết thể chế, lí thuyết công nghệ,… Tuy nhiên, những lí thuyết này đưa tới những hàm ý khác nhau về mối quan hệ giữa hiệu quả tài chính và quy mô của doanh nghiệp (Kumar et al., 2001; Becker-Blease et al., 2010). Một số nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ cùng chiều giữa quy mô và lợi nhuận là Dogan (2013); Çelikyurt và Dönmez (2017); Isik và Tasgin (2017)). Trong khi đó, một số nghiên cứu lại cho thấy tác động tiêu cực của quy mô doanh nghiệp đến hiệu quả tài chính (Becker-Blease và cộng sự, 2010; Hatem, 2014; Shehata và cộng sự, 2017). Những người khác tìm thấy mối quan hệ bậc hai (ví dụ Pattitoni và cộng sự, 2014, Voulgaris và Lemonakis, 2014). Nhà nghiên cứu Amato và Amato (2004) chứng minh sự tồn tại của mối quan hệ bậc hai giữa hai yếu tố này. Ngược lại, các nhà khoa học Gonenc tại cộng sự (2007); Nakano và Nguyễn (2013); Niresh và Velnampy (2014); Sciascia và Mazzola (2008) lại kết luận rằng không có mối quan hệ nào giữa quy mô doanh nghiệp và hiệu quả tài chính.

Ngành Công nghiệp nhựa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của các nước, trong đó có Việt Nam, bởi lẽ nhựa hoặc polymer, được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng góp phần quan trọng vào đời sống xã hội, cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, việc quyết định quy mô của các doanh nghiệp ngành Nhựa là hết sức cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp ngành Nhựa tại Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam đề cập đến mối quan hệ này đối với ngành Nhựa. Kết quả nghiên cứu có thể gợi ý cho các nhà quản trị tài chính trong lĩnh vực này một số lời giải cho bài toán cơ cấu vốn và quy mô của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

2. Tổng quan nghiên cứu

Mặc dù nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và hiệu quả tài chính, tuy nhiên, chúng lại đưa tới những kết luận khác nhau.

Prasetyantoko và Parmono (2009) xem xét sự ảnh hưởng của quy mô doanh nghiệp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dựa trên số liệu của 238 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Indonesia trong giai đoạn 1944 - 2004, nghiên cứu tập trung giai đoạn trước và sau khủng hoảng, xem xét sự thay đổi trong mối quan hệ này khi nền kinh tế có những biến động. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các đặc trưng của doanh nghiệp và các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, tồn tại mối quan hệ tích cực và đáng kể giữa biến quy mô kinh doanh xét theo tổng tài sản và tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản trong cả thời kỳ và hậu khủng hoảng. Tuy nhiên, biến quy mô lại không có tác động có ý nghĩa thống kê đến giá trị thị trường của công ty.

Cũng nghiên cứu về vấn đề này, Mule và cộng sự (2015) sử dụng số liệu của 53 công ty niêm yết tại Nairobi trong giai đoạn 2010-2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô doanh nghiệp (đo bằng logarit tự nhiên của doanh thu) tác động dương và có ý nghĩa thống kê lên chỉ số tài chính ROE, nhưng lại không tác động tới ROA và Tobin’s Q.

Dựa trên việc phân tích mô hình động với dữ liệu bảng của 1123 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) ở Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2009-2013, Aytürk và Yanık (2015) chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời. Kết quả phân tích chỉ ra rằng quy mô doanh nghiệp (đo bằng logarit tự nhiên của tổng doanh thu) ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả tài chính.

Tập trung vào 34.798 doanh nghiệp DNVVN ở Anh trong giai đoạn 2005-2013, Shehata et al. (2017) chỉ ra rằng quy mô của công ty có mối tương quan nghịch chiều có ý nghĩa thống kê với hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản. Sử dụng dữ liệu bảng không cân bằng của khoảng 7.000 công ty ở Hoa Kỳ trong giai đoạn 1987-2006, Lee (2009) đã chứng minh rằng có một mối quan hệ hình chữ U ngược giữa chỉ tiêu quy mô doanh nghiệp và hiệu quả tài chính.

Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của 12.508 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ và sản xuất từ các nước lớn ở châu Âu (tức là Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Pháp) trong 9 năm (1993-2001) được phân tích bởi Goddard và cộng sự. (2005). Kết quả thu được từ mô hình động cho thấy tác động của biến quy mô lên ROA của doanh nghiệp là ảnh hưởng tiêu cực và đáng kể.

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu 3.1. Thu thập và xử lý dữ liệu

Để phục vụ cho nghiên cứu, báo cáo tài chính của 27 công ty nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (HOSE và HNX) đã được thu thập để tính toán các chỉ tiêu về quy mô doanh nghiệp và hiệu quả tài chính. Tác giả sử dụng phần mềm Stata 14 để chạy các mô hình hồi quy đo lường ảnh hưởng của quy mô doanh nghiệp tới hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Do nghiên cứu này sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu bảng, nên tác giả lựa chọn sử dụng mô hình tác động cố định (FEM) hay mô hình tác động ngẫu nhiên (REM). Vì vậy, kiểm định Hausman (1978) được sử dụng để chọn ra phương pháp phù hợp.

3.2. Mô hình nghiên cứu

Mô hình cơ bản trong nghiên cứu được xây dựng dưới dạng: Yit = b0 + biXi,t + mi,t

Trong đó: b0 là hệ số chặn, Xi,t là vector biến giải thích and mi,t là sai số ngẫu nhiên, sai số ngẫu nhiên được phân tách thành 2 phần như sau: mi,t = ai + ei,t

Trong đó: ai là đặc điểm riêng của từng đối tượng nghiên cứu không thay đổi theo thời gian, ei,t là sai số ngẫu nhiên ở từng đối tượng nghiên cứu nhưng có sự thay đổi theo thời gian. Dựa trên các nghiên cứu trước với một số điều chỉnh cho phù hợp với phạm vi nghiên cứu và mẫu nghiên cứu, mô hình được sử dụng trong bài nghiên cứu được viết dưới dạng phương trình như sau: (1) ROAi,t = b0 + b1SIZE 1i, t-1 + b2AGEi, t + b3LEVi, t + b4LIQi, t + ai + ei,t

(2) ROAi,t = b0 + b1SIZE 2i, t-1 + b2AGEi, t + b3LEVi, t + b4LIQi, t + ai + ei,t

Trong đó: ROA là hệ số sinh lời trên tổng tài sản, SIZE là quy mô doanh nghiệp, AGE là thời gian kinh doanh, LEV là đòn bẩy, LIQ là khả năng thanh toán.

3.3. Đo lường các biến (Bảng 1)

Bảng 1. Đo lường các biến

4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Thống kê mô tả

Bảng 2. Thống kê mô tả

Nguồn: Tính toán từ Stata 14

Về quy mô: Số liệu thống kê mô tả cho thấy quy mô doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành Nhựa có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2014 - 2019, chứng tỏ các doanh nghiệp có xu hướng muốn mở rộng kinh doanh để khai thác được tiềm năng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn nghiên cứu, hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành Nhựa có những biến động phức tạp. Hệ số sinh lợi của doanh nghiệp có xu hướng tăng từ năm 2014 đến năm 2017, nhưng lại giảm mạnh vào năm 2018 và giảm đến mức -2% vào năm 2019. Đây không phải là kết quả tốt, đặc biệt khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khả quan với mức tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân (GDP) dao động từ 6.2% đến 9.58% và chỉ số tiêu dùng (CPI) nằm trong 0.6% và 4.1%[1].

Nguyên nhân khiến cho chỉ số tài chính ROA của các doanh nghiệp giảm có thể xuất phát từ việc lạm dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn 2014-2019. Trong 6 năm, tỷ số nợ trên tổng tài sản trung bình của các doanh nghiệp tăng từ 46.5% lên 50.9%, cho thấy lượng vốn của doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều từ nguồn vay nợ. Mặc dù những ưu điểm của đòn bẩy tài chính là không thể phủ nhận, việc lạm dụng nó có thể dẫn tới những bất cập về chi phí lãi vay và gánh nặng trả nợ gốc. Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số khả năng thanh toán trung bình ở mức cao (dao động từ 1.82 đến 3.52), nhưng chỉ số này giảm mạnh ở năm 2019, phần nào phản ánh mức độ rủi ro thanh toán mà doanh nghiệp có thể phải đối diện.

4.2. Kiểm định nghiệm đơn vị

Việc sử dụng những dữ liệu này để thực hiện hồi quy sẽ không cho kết quả chính xác. Để tránh xảy ra vấn đề này, tất cả các biến được sử dụng trong nghiên cứu đều phải được kiểm định nghiệm đơn vị. Vì dữ liệu trong nghiên cứu là dữ liệu cân bằng, nên phương pháp kiểm định nghiệm đơn vị của Levin, Lin & Chu (2002) sẽ được sử dụng.

Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho thấy, dữ liệu của 6 biến bao gồm: Hệ số sinh lời tổng tài sản, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời, Đòn bẩy tài chính, Thời gian kinh doanh, hai biến quy mô kinh doanh 1 và 2 đều dừng, nên dữ liệu phù hợp với các bước phân tích tiếp theo.

4.3. Phân tích tương quan

Bảng 3. Ma trận tương quan

Nguồn: Tính toán từ Stata 14

Bảng ma trận tương quan cho thấy (Bảng 3), không tồn tại mối quan hệ tương quan có ý nghĩa thống kê giữa biến ROA với cả hai biến đo lường quy mô doanh nghiệp. Trong khi tồn tại mối quan hệ tương quan dương, có ý nghĩa thống kê giữa hiệu quả tài chính và Khả năng thanh toán. Ngược lại, ROA có mối quan hệ tương quan ngược chiều, có ý nghĩa thống kê với biến đòn bẩy.

4.4. Phân tích hồi quy 4.4.1. Mô hình 1

Trước tiên, để so sánh mức độ phù hợp giữa ước lượng OLS và ước lượng mô hình tác động cố định, kiểm định Chow được tiến hành. Kết quả cho thấy, ước lượng mô hình cố định phù hợp hơn đối với mẫu nghiên cứu vì p-value là 0.0000, nhỏ hơn 0.05. Kiểm định Hausman được thực hiện. Kết quả cho thấy, mô hình tác động cố định phù hợp hơn mô hình tác động ngẫu nhiên vì p-value bằng 0.0000, nhỏ hơn 0.05. Kiểm định về khuyết tật của mô hình cho thấy, với mẫu nghiên cứu, tồn tại hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi. Như vậy, hồi quy chuẩn vững Cluster được sử dụng để đạt được kết quả hồi quy có ý nghĩa.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

(*** p < 0.01, ** p < 0.05, * p < 0.1)

Nguồn: Tính toán từ Stata 14

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy (Bảng 4), biến quy mô kinh doanh có ảnh hưởng tích cực, có ý nghĩa thống kê ở mức 5% tới ROA. Trong khi đó, ba biến kiểm soát bao gồm Khả năng thanh toán, Đòn bẩy, và Thời gian kinh doanh có tác động tiêu cực, có ý nghĩa thống kê (với mức ý nghĩa 1%) tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

4.4.2. Mô hình 2

Kết quả kiểm định cho thấy ước lượng mô hình cố định phù hợp hơn đối với mẫu nghiên cứu vì p-value là 0.0000, nhỏ hơn 0.05, ước lượng mô hình tác động cố định và ước lượng mô hình tác động ngẫu nhiên, kiểm định Hausman được thực hiện. Kết quả cho thấy, mô hình tác động cố định phù hợp hơn mô hình tác động ngẫu nhiên vì p-value bằng 0.0000, nhỏ hơn 0.05

Kiểm định về khuyết tật của mô hình cho thấy, với mẫu nghiên cứu, tồn tại hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi. Như vậy, hồi quy chuẩn vững Cluster được sử dụng để đạt được kết quả hồi quy có ý nghĩa.

Bảng 5. Kết quả hồi quy

(*** p < 0.01, ** p < 0.05, * p < 0.1)

(Nguồn: Tính toán từ Stata 14)

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy (Bảng 5), biến quy mô kinh doanh có ảnh hưởng tích cực, có ý nghĩa thống kê ở mức 5% tới ROA. Trong khi đó, ba biến kiểm soát bao gồm Khả năng thanh toán, Đòn bẩy, và Thời gian kinh doanh có tác động tiêu cực, có ý nghĩa thống kê tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Kết luận và kiến nghị

Quy mô doanh nghiệp là một trong những yếu tố tài chính quan trọng góp phần vào hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Đây là vấn đề luôn được các nhà quản trị doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Nghiên cứu này được thực hiện trên dữ liệu thu thập được từ 27 công ty nhựa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX trong giai đoạn 2014 - 2019, là một bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của quy mô doanh nghiệp đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp ngành Nhựa Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù quy mô kinh doanh có xu hướng tăng lên, nhưng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhựa ở Việt Nam có những tín hiệu không tốt trong giai đoạn 2014 - 2019. Kết quả hồi quy cho thấy, dù biến quy mô được đo lường bằng tổng tài sản hay doanh thu, thì nó đều có tác động tích cực, có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả tài chính (được đo lường bằng tỷ suất lợi nhuận tổng tài sản) của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biến kiểm soát bao gồm thời gian kinh doanh, khả năng thanh toán, đòn bẩy đều có tác động âm, có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả tài chính.

Như vậy, các doanh nghiệp có thể cân nhắc đến các biện pháp giảm tỷ trọng nợ và tăng khả năng thanh khoản của công ty, qua đó, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể được cải thiện.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Ngân hàng thế giới

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Becker-Blease, J. R., Kaen, F. R., Etebari, A. and Baumann, H. (2010). Employees, firm size and profitability in US manufacturing industries. Investment Management and Financial Innovations, 7(2), 7-23.

2. Doğan, M. (2013).Does firm size affect the firm profitability? Evidence from Turkey. Research Journal of Finance and Accounting, 4(4), 53-59.

3. Lee, J. (2009). Does size matter in firm performance? Evidence from US public firms. International Journal of the economics of Business, 16(2), 189-203.

4. Mule, R.K., Mukras, M.S. and Nzioka, O.M. (2015). Corporate size, profitability and market value: An econometric panel analysis of listed firms in Kenya. European Scientific Journal, 11(13), 376-396.

5. Niresh, J.A. and Velnampy, T. (2014). Firm size and profitability of listed manufacturing firms in Sri Lanka. International Journal of Business and Management, 57-64.

6. Pervan, M. and Višić, J. (2012). Influence of firm size on its business success. Croatian Operational Research Review, 3(1), 213-223.

The impact of firm size on the financial performance of listed

plastic companies in Vietnam

PhD. Do Thi Dien

Thuongmai University

ABSTRACT:

This study examines the relationship between firm size and financial performance of plastic manufacturers in Vietnam based on data taken from lised 27 plastic companies in Vietnam in the period from 2014 to 2019. The fixed and random effects regression models for the balance sheet data were used in this study. The study’s results show that whether the size variable is measured by the firm’s total assets or revenue, it has a positive amd statistically significant effect on the firm’s financial performance (measured by the return on total assets). In addition, the controlled variables including the number of years in business, the solvency and the financial leverage have negative and statistically significant effects on the firm’s financial performance. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the financial performance of plastic manufacturers in Vietnam.

Keywords: firm size, financial performance, plastic industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 3 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tac-dong-cua-quy-mo-doanh-nghiep-den-hieu-qua-tai-chinh-cua-cac-doanh-nghiep-nganh-nhua-niem-yet-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-80599.htm