Tác động của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu: Phụ nữ, trẻ em cần được quan tâm đặc biệt

Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho ý kiến về vấn đề này.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - ĐBQH tỉnh Tiền Giang - phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - ĐBQH tỉnh Tiền Giang - phát biểu

Sáng 4/6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - ĐBQH tỉnh Tiền Giang - cho rằng, cả buổi chất vấn ngày hôm nay (4/6), Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường đã chia sẻ nhiều kế hoạch trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Song, tất cả nội dung trả lời chất vấn cũng như trong báo cáo của Bộ chưa có nội dung nào phân tích về ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số & miền núi…, mà thực tế đã chứng minh đây là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đối với những vấn đề nêu trên.

Nữ đại biểu cho rằng, điều này làm ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới của Quốc gia mà Quốc hội đã thảo luận rất kỹ từ đầu kỳ họp. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng sâu. Hiện nay chỗ sâu nhất là 125km. Cùng với hiện tượng El Nino, nắng nóng, lưu lượng nước hạn chế… Bộ trưởng cho rằng, chắc chắn việc xâm nhập mặn càng phức tạp và cực đoan hơn.

Bộ trưởng chia sẻ, trong quy hoạch vùng, chúng ta đã tính đến bài toán thích ứng khí hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nuôi trường từ nước ngọt chuyển sang nước mặn… các giải pháp công trình siêu công trình như đồng bộ trong các công trình thủy lợi để ngăn và giữ được nguồn nước ngọt. "Tuy nhiên, biện pháp nào giữ được nước ngọt thì vẫn là tốt hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tại Phiên chất vấn sáng 4/6

Các đại biểu tại Phiên chất vấn sáng 4/6

Về vấn đề dẫn nước ngọt từ vùng ngày sang vùng khác, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ nghiên cứu cụ thể, tiếp thu quan điểm này và sẽ trả lời các đại biểu sau khi nghiên cứu kỹ.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng cho rằng, việc xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội của vùng, đến đời sống sinh hoạt của từng hộ dân, trong đó, phụ nữ và trẻ em cùng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương thì bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì thế, cũng như trong các trường hợp bão lũ, lũ lụt, thiên tai…, phụ nữ, trẻ em và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương luôn cần được quan tâm, ưu tiên đặc biệt hơn.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bao-cao-xam-nhap-man-bien-doi-khi-hau-dai-bieu-nhac-bo-truong-tai-nguyen-moi-truong-chua-thay-noi-phu-nu-tre-em-20240604114911613.htm