Tác động, hệ quả khi dầu thô tiến sát mốc 100 USD/thùng
Mất cân đối cung cầu cùng những bất ổn địa chính trị liên quan đến điểm nóng Ukraine đẩy giá dầu tăng mạnh, từ mức 70 USD/thùng hồi cuối năm 2021 lên gần 100 USD/thùng. Điều này sẽ gây ra những tác động lớn đối với kinh tế toàn cầu và với từng quốc gia, nhất là những nước nhập khẩu ròng nhiên liệu xăng, dầu.
Dầu tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng – “trạng thái bình thường mới”?
Giá dầu mỏ, vốn chưa bao giờ vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014, đã lên mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Trong phiên giao dịch ngày 11/2, giá dầu Brent Biển Bắc và dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) có thời điểm được giao dịch tại mức giá lần lượt là 96,78 USD/thùng và 95,82 USD/thùng.
“Chúng ta chớm bước vào giai đoạn của biến động. Nguy cơ ngày một trầm trọng hơn khi thị trường năng lượng vốn đã ở trạng thái căng thẳng”, Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.
Lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn toàn cầu cũng lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng trên thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn với hóa đơn năng lượng. “Tôi không có thông tin tốt lành nào để thông báo cho mọi người. Dầu sẽ đứng ở mức giá cao”, Giám đốc điều hành Total - ông Patrick Pouyanne phát biểu tại thời điểm các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới ghi nhận mức lợi nhuận cao kỉ lục.
Có nhiều lý do khiến dầu neo ở mức giá cao trong trung hạn là một thực tế mà thế giới phải chấp nhận. Đầu tiên là mất cân bằng cung-cầu. Cầu tiêu thụ dầu thô trên toàn cầu tăng mạnh trở lại, khi các nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ sau thời gian suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.
Ở thời điểm hai năm trước, hoạt động kinh kinh tế, nhu cầu tiêu thụ dầu thô suy giảm kỉ lục, khi các nước áp đặt biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại. Thị trường dầu khí toàn cầu từng ghi nhận hiện tượng chưa từng xảy ra: Trên thị trường hàng hóa kỳ hạn tương lai, dầu thô được giao dịch ở mức giá âm 40 USD/thùng. Nhưng giai đoạn khó khăn này chỉ kéo dài vài tháng. Kinh tế toàn cầu sau đó phục hồi mạnh, làm tăng nhu cầu tiêu thụ đối với dầu và các sản phẩm từ dầu. Hiện tại, tổng cầu với mặt hàng này đã vượt ngưỡng trước đại dịch.
Ở chiều ngược lại, nguồn cung sản lượng lại gặp hạn chế, không theo kịp nguồn cầu. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cam theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng khiêm tốn 400.000 thùng/ngày trong gần nửa năm qua. Nhưng thị trường dầu mỏ sớm nhận ra một thực tế: Nhiều thành viên trong khối không đủ năng lực để tăng sản lượng thêm nữa, số có thể tăng bơm thêm dầu ra thị trường lại phải đối diện với công suất dư thừa suy giảm.
Dữ liệu cập nhật cho thấy, mức sản lượng tăng thêm hàng tháng thời gian qua đến từ OPEC+ thực chất chỉ đạt 250.000 thùng/ngày. Nga, nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã không thể tăng sản lượng theo hạn ngạch được cấp. Hệ quả là thị trường rơi vào trạng thái mất cân bằng vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung, đẩy giá dầu tiếp tục leo thang.
Trong trung hạn, ít có triển vọng giúp cải thiện nguồn cung. Vấn đề mà OPEC+ gặp phải là công suất dư thừa, hay sản lượng tiềm năng còn dư, bị hạn chế. Theo Cục thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA), công suất dư thừa là tổng sản lượng dầu có thể bắt tay vào khai thác ngay sau 30 ngày với thời hạn khai thác ít nhất là 90 ngày. Công suất dư thừa thấp là tiền đề để giá dầu tăng kéo dài, bởi vì thế giới sẽ mất đi “vùng đệm” sản lượng sẵn sàng bung ra khi nguồn cung bất ngờ đứt gãy.
Khó khăn còn lớn hơn khi đầu tư cho ngành dầu khí mất đà và suy giảm trong thời gian qua, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới sốt sắng chuyển hướng sang kinh tế xanh gắn với nhiên liệu xanh, năng lượng tái tạo. Các tập đoàn dầu khí lớn gần như không có các dự án quy mô về thăm dò, khai thác mỏ mới. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng triệu thùng dầu bị loại ra khỏi thị trường cung ứng trong thời gian tới.
Bất ổn địa chính trị toàn cầu cùng hoạt động đầu cơ cũng là một nhân tố chi phối giá dầu. Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine khiến thị trường dao dịch trên thị trường dầu mỏ liên tục biến động với biên độ lớn trong thời gian gần đây. Theo chuyên gia Ole Hansen đến từ Saxo Bank, lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, đồng USD suy yếu khiến giới đầu tư coi thị trường hàng hóa – nhất là mặt hàng dầu mỏ, là điểm trú ẩn an toàn giữa thời điểm xuất hiện bất ổn địa chính trị, tài chính toàn cầu.
Hệ quả từ việc giá dầu đứng ở mức cao
Tác động, hệ quả của giá dầu tăng cao là không đồng đều giữa các nước. Những nước sản xuất, xuất khẩu dầu thô lớn có lý do để ăn mừng. Điển hình là trường hợp của Nga. Ngân sách Nga sẽ có thêm hơn 65 tỷ USD năm nay nếu giá dầu đứng trên mốc 90 USD/thùng. Đây là nguồn thu quan trọng giúp Nga giúp nước này chống đỡ tốt hơn nếu phải chịu các lệnh trừng phạt vì Ukraine. Các nước như Canada hay khu vực Trung Đông, vùng Vịnh cũng hưởng lợi.
Tuy nhiên, thiệt hại mà kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng và các nước phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu phải gánh chịu lớn hơn lợi ích mà một số nước thu được từ giá dầu tăng cao. Giá hàng hóa tăng vọt, trong đó có mặt hàng chiến lược dầu mỏ, đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu giá nhiên liệu vẫn duy trì ở ngưỡng 90 USD/thùng, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,5% trong năm 2022.
Một tác động khác dễ nhận thấy là lạm phát. IMF mới đây cũng nâng dự báo lạm phát toàn cầu lên 3,9% tại các nước phát triển trong năm 2022, còn với các nước mới nổi và đang phát triển tỉ lệ này là 2,3% và 5,9% tại. Theo tính toán của Bloomberg Economics dựa trên mô hình Shok, việc giá dầu tăng từ 70 USD/thùng vào cuối năm 2021 lên mức tiệm cận 100 USD/thùng như hiện nay sẽ khiến lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng thêm 0,5% tính đến thời điểm giữa năm 2022.
Lạm phát nổi lên là một nguy cơ lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang lên kế hoạch tăng nhanh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đây là bước điều chỉnh lớn, có tác động lan tỏa, buộc ngân hàng trung ương các nước phải hành động theo. Thắt chặt tiền tệ qua tăng lãi suất sẽ làm giảm động lực tăng trưởng, bởi đây là hai xu hướng gần như đối lập nhau.
Những nước nghèo tài nguyên thiên nhiên sẽ chịu thiệt hại lớn nhất từ giá hàng hóa leo thang. Đơn cử như tại Nhật Bản: Chi phí cho nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu thô trong tài khóa này, kết thúc vào tháng 3/2022, dự kiến tăng thêm khoảng 10.000 tỉ yên (86,7 tỉ USD).
Cuối cùng, còn phải kể đến tác động của giá nhiên liệu leo thang đối với ổn định chính trị, nhất là tại những nước đã tiềm ẩn sẵn các yếu tố bất ổn. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ tự trị trên thế giới, có 47 nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu từ bên ngoài ở ngưỡng trên 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước phải nhập khẩu tới 70% năng lượng từ bên ngoài, vừa phải ghi nhận mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 49% trong tháng 1. Kể từ đầu tháng này, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện làn sóng biểu tình của nhân công, đòi yêu sách tăng lương, thu nhập, phản đối giá nhiên liệu tăng vọt. Kazakhstan là trường hợp mới nhất vừa trải qua các đợt biểu tình bạo động, mà một phần nguyên nhân là phản ứng của dân chúng đối với giá nhiên liệu tăng cao.
Nhìn rộng hơn, làn sóng “Mùa xuân Arab” từng nhấn chìm nhiều chính thể ở Trung Đông-Bắc Phi hồi năm 2010-2011 xuất phát từ khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị trong nước. Giá nhiên liệu tăng cao khi đó được coi là “giọt nước tràn ly”, kích hoạt các cuộc biểu tình, khởi phát từ Tunisia rồi lan sang một loạt các quốc gia lân cận.