Tác động toàn cầu của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ (Kỳ 1)
Với tư cách là quốc gia đổi mới hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng, Hoa Kỳ đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi, vượt qua các ranh giới về năng lực công nghệ và thúc đẩy các hoạt động bền vững.
Trong phạm vi bài viết này, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả nội dung bài viết của nhóm các nhà học thuật, nghiên cứu đến từ CH Nigeria với tựa đề “Đánh giá những tiến bộ trong công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi ở Hoa Kỳ và tác động toàn cầu của chúng” đã được đăng tải trên WJARR số ra thời gian qua, để tham khảo.
*****
Cuộc cách mạng công nghệ khoan ngoài khơi
Đối với hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi ở Hoa Kỳ luôn được coi là một phần quan trọng trong sản xuất năng lượng của quốc gia trong nhiều thập kỷ qua. Những tiến bộ của Hoa Kỳ trong công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi đã tác động đáng kể đến lĩnh vực dầu khí toàn cầu, điều này cho phép thăm dò và khai thác trữ lượng hydrocarbon ở các địa điểm ngoài khơi (Dirkzwager, 2018). Những tiến bộ này không những chỉ cải thiện hiệu quả và an toàn của hoạt động khoan mà còn mở rộng phạm vi hoạt động khoan vào vùng nước sâu hơn, khai thác trữ lượng nhiều hơn mà nơi trước đây không thể tiếp cận được.
Hiện tầm quan trọng của những tiến bộ này được nhấn mạnh bởi vai trò của chúng trong việc nâng cao năng suất tổng thể và tính bền vững của hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi. Ví dụ như sự phát triển của các công cụ và kỹ thuật khoan tiên tiến đã cho phép lĩnh vực dầu khí giải quyết các thách thức như khoan ở các bể chứa ngoài khơi đã cạn kiệt và quản lý áp lực lỗ đáy hình khuyên (bottom hole pressure-BHP) là khoảng không gian giữa giếng và ống vách hoặc giữa ống vách và ống, nơi chất lỏng có thể chảy, trong quá trình khoan (Vega và cộng sự, 2016; Chen và cộng sự, 2018). Hơn thế nữa, việc sử dụng các hệ thống giám sát thông minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra quyết định theo thời gian thực, góp phần điều chỉnh quy trình khoan và đảm bảo an toàn vận hành (Vega và cộng sự, 2016).
Mục đích của đánh giá này là kiểm tra toàn diện tác động toàn cầu của những đổi mới của Hoa Kỳ trong công nghệ khoan ngoài khơi. Bằng cách tổng hợp những lỗ hổng kiến thức và sự phát triển công nghệ, đánh giá này còn nhằm mục đích cung cấp những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của những tiến bộ này đối với thị trường năng lượng toàn cầu, tính bền vững của môi trường và động lực địa chính trị. Hơn thế nữa, nó còn tìm cách phân tích ảnh hưởng của những đổi mới này đối với các khía cạnh an toàn và quản lý rủi ro của hoạt động khoan ngoài khơi, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra các sự cố môi trường lớn như vụ nổ và hỏa hoạn đã khiến giàn khoan nước sâu Deepwater Horizon bị chìm xuống dưới đáy đại dương, gây ra nhiều thương vong về người (Fragouli và cộng sự, 2019).
Tóm lại, những tiến bộ trong công nghệ khoan ngoài khơi ở Hoa Kỳ không chỉ cách mạng hóa bối cảnh năng lượng trong nước mà còn gây tiếng vang trên toàn cầu, định hình quỹ đạo của hoạt động khoan ngoài khơi cũng như những tác động về kinh tế và môi trường của chúng. Đánh giá này cũng đã nỗ lực đưa ra phân tích toàn diện về những tiến bộ này và tác động sâu rộng của chúng đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Sự phát triển của công nghệ khoan ngoài khơi ở Hoa Kỳ
Sự phát triển của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi ở Hoa Kỳ trong suốt thập kỷ qua được đánh dấu bằng những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giàn khoan tiên tiến, cảm biến thông minh và tự động hóa cũng như phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Tất cả những tiến bộ này đã có tác động sâu sắc đến hiệu quả hoạt động, an toàn và bền vững môi trường cho lĩnh vực dầu khí của Hoa Kỳ.
Trước hết, công nghệ giàn khoan tiên tiến là tâm điểm phát triển công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi khi mà những giàn khoan này đã có những cải tiến về tự động hóa và tích hợp cảm biến thông minh, điều này cho phép thực hiện các hoạt động khoan dầu khí chính xác và hiệu quả hơn (Khadisov và cộng sự, 2019). Ngoài ra, sự phát triển của phân tích dữ liệu theo thời gian thực cũng đã cho phép các nhà khai thác dầu khí tăng cường giám sát và phân tích các quá trình khoan khi chúng đang diễn ra, điều này giúp cải thiện việc ra quyết định và hiệu quả hoạt động (Rahanjani & Nugraha, 2020).
Hiện tác động của những tiến bộ này đến hiệu quả hoạt động của lĩnh vực dầu khí là rất đáng kể. Việc tích hợp các cảm biến thông minh và tự động hóa đã giúp tăng tốc độ khoan và giảm thời gian ngừng hoạt động, cuối cùng là cải thiện hiệu quả vận hành tổng thể (Asad và cộng sự, 2019). Phân tích dữ liệu theo thời gian thực đã góp phần hơn nữa vào việc cung cấp cho người vận hành những hiểu biết sâu sắc có thể hành động để tối ưu hóa quy trình khoan, dẫn đến hoạt động hiệu quả hơn (Fragouli và cộng sự, 2019).
Về mặt an toàn, những tiến bộ trong công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi đã giúp cải thiện công tác quản lý rủi ro và phòng ngừa tai nạn, sự cố có thể xảy ra. Việc sử dụng cảm biến thông minh và tự động hóa đã cho phép xác định các rủi ro an toàn và thực hiện các yếu tố giảm thiểu rủi ro hiệu quả, cuối cùng là nâng cao các quy trình an toàn tại các địa điểm khoan (Saasen và cộng sự, 2021). Hơn thế nữa, việc phân tích dữ liệu theo thời gian thực đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trực quan hóa và giám sát hoạt động khoan, điều này cho phép phát hiện sớm các mối nguy tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tai nạn (Ayele và cộng sự, 2016).
Cuối cùng là tính bền vững về môi trường cũng là trọng tâm chính trong sự phát triển của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi. Việc tích hợp các giàn khoan tiên tiến với cảm biến thông minh và tự động hóa cũng đã dẫn đến kỹ thuật khoan chính xác hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường của hoạt động khoan (Wang và cộng sự, 2019). Ngoài ra, phân tích dữ liệu theo thời gian thực cũng đã cho phép các nhà khai thác giám sát và quản lý hiệu suất dung dịch khoan, điều này dẫn đến cải thiện phương pháp xử lý chất thải và giảm tác động đến môi trường (Shi và cộng sự, 2016).
Tóm lại, sự phát triển của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi ở Hoa Kỳ trong suốt thập kỷ qua đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể về giàn khoan tiên tiến, cảm biến thông minh và tự động hóa cũng như phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Những tiến bộ này đã có tác động sâu sắc đến hiệu quả hoạt động, an toàn và bền vững môi trường, cuối cùng định hình tương lai của hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi.
Tác động toàn cầu của những tiến bộ khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ
Để giải quyết một cách toàn diện tác động toàn cầu của những tiến bộ khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ, điều cần thiết là phải xem xét cả ảnh hưởng đối với thị trường năng lượng quốc tế, những tác động địa chính trị, quản lý môi trường và việc giảm thiểu dấu chân của lĩnh vực dầu khí cũng như vai trò của Hoa Kỳ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất toàn cầu.
Hiện những tiến bộ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực khoan dầu khí ngoài khơi đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường năng lượng quốc tế. Là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, những tiến bộ về khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ có khả năng tác động đến nguồn cung và giá cả năng lượng toàn cầu (Nyga-Łukaszewska & Napíorkowski, 2022). Sự phụ thuộc cao vào tiền thuê năng lượng (energy rents) thách thức nền kinh tế của các nhà xuất khẩu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế (Nyga-Łukaszewska & Napíorkowski, 2022). Ngoài ra, những tác động và cơ chế tác động của xung đột quốc tế đối với an ninh năng lượng và kinh tế của các nước nhập khẩu dầu mỏ còn chưa được khám phá đầy đủ (Hu và cộng sự, 2021). Do đó, những tiến bộ về khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Về mặt địa chính trị, những tiến bộ về khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ có ý nghĩa đối với quan hệ quốc tế và động lực năng lượng toàn cầu. Hiện các cuộc xung đột quốc tế và các biện pháp áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế có thể gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế (Hu và cộng sự, 2021). Hơn thế nữa, vai trò của Hoa Kỳ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và các biện pháp thực tiễn tốt nhất trong hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi có thể ảnh hưởng đến khuôn khổ pháp lý và quản trị ở các quốc gia khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi (Brandl và cộng sự, 2018). Sự phức tạp và không chắc chắn trong việc tiến hành các hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi được thể hiện rõ qua nhiều thảm họa môi trường đã xảy ra theo thời gian, bất chấp các chương trình quản lý rủi ro được các công ty dầu khí thực thi (Fragouli và cộng sự, 2019).
Về mặt quản lý môi trường và giảm thiểu dấu chân của lĩnh vực dầu khí, những tiến bộ về khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ có khả năng tác động đến môi trường tự nhiên. Việc xây dựng các giếng khí ngoài khơi có đặc điểm là yêu cầu ngày càng cao về cả quy trình công nghệ nói chung và các thông số công nghệ của dung dịch khoan nói riêng (Leusheva và cộng sự, 2021). Hơn thế nữa, sự phức tạp ngày càng gia tăng của các cơ sở xử lý chất thải khoan ngoài khơi Bắc Cực, cùng với các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt như không xả thải “nguy hiểm”, đòi hỏi phải có các biện pháp quản lý rủi ro nghiêm ngặt (Ayele và cộng sự, 2016). Ngoài ra, vật liệu được thêm vào dung dịch khoan có thể gây ra nhiều vấn đề về môi trường đối với tài nguyên đất và nước, và những vấn đề này ngày càng trở nên rõ rệt hơn ở ngoài khơi so với trên đất liền (Shalafi và cộng sự, 2016).
Tóm lại, những tiến bộ về khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ có tác động toàn cầu về nhiều mặt khi mà chúng gây ảnh hưởng đến thị trường năng lượng quốc tế, có ý nghĩa địa chính trị và gây quan ngại về quản lý môi trường cũng như giảm thiểu dấu chân của lĩnh vực dầu khí. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và các biện pháp thực tiễn tốt nhất cho hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi, điều này có thể có tác động sâu rộng đến các khuôn khổ pháp lý và quản trị trên toàn thế giới.
Chuyển giao và hợp tác công nghệ: Việc chuyển giao và hợp tác công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong trao đổi kiến thức và đổi mới toàn cầu. Hợp tác quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và công nghệ xuyên biên giới, dẫn đến những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau (Xue and Chen, 2016). Các trường đại học và các lĩnh vực công nghiệp đang ngày càng tham gia vào các mối quan hệ đối tác để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo ra tài sản trí tuệ có giá trị (Mascarenhas và cộng sự, 2018). Trong bối cảnh công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi hiện nay, việc chuyển giao những công nghệ đó sang các quốc gia khác là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực dầu khí trên toàn thế giới (Murairwa, 2021). Ngoài ra, hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy việc ứng dụng toàn cầu bởi vì chúng cho phép chia sẻ thông tin, tài nguyên và công nghệ, cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng đến sự đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm (Mei-li và cộng sự, 2021; Gudda, 2017).
Hiện trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ đổi mới sáng tạo là một khía cạnh cơ bản của môi trường nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong việc thúc đẩy đổi mới hợp tác quốc tế (He, 2023). Hơn thế nữa, khả năng hợp tác công-tư để kết hợp các mô hình kinh doanh bền vững phụ thuộc vào việc chuyển giao kiến thức hiệu quả giữa các đơn vị liên quan (Mattsson và cộng sự, 2022). Hệ thống thông tin và công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý tri thức hiện đại, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ đổi mới sáng tạo trong việc hỗ trợ chuyển giao tri thức. Hơn thế nữa, việc nhấn mạnh vào sự hợp tác và kiến thức đồng sản xuất, thay vì chuyển giao kiến thức mang tính giao dịch, càng làm nổi bật tầm quan trọng của các phương pháp hợp tác trong trao đổi kiến thức (Hamilton, 2017).
Trong bối cảnh cụ thể của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi, việc chuyển giao các công nghệ đó sang các quốc gia khác đòi hỏi phải có cơ chế hợp tác quốc tế và trao đổi kiến thức mạnh mẽ, điều này rất cần thiết để giải quyết nhu cầu công nghệ đổi mới sáng tạo của các khu vực khác nhau và thúc đẩy các hoạt động bền vững trong lĩnh vực dầu khí (Murairwa, 2021). Vai trò của quan hệ đối tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí nhằm thúc đẩy việc áp dụng toàn cầu được thể hiện rõ ràng ở việc thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ bởi các tổ chức nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế, phát triển và sản xuất sản phẩm (Gudda, 2017). Ngoài ra, các đặc điểm tiến hóa cấu trúc của mạng lưới đổi mới hợp tác nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng kiến thức trong việc thúc đẩy đổi mới hợp tác quốc tế, nhấn mạnh vai trò của chuyển giao công nghệ trong quan hệ đối tác trong lĩnh vực dầu khí (He, 2023).
Tóm lại, việc chuyển giao và hợp tác công nghệ là không thể thiếu trong trao đổi kiến thức khoa học kỹ huật quốc tế, chuyển giao công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi và vai trò của quan hệ đối tác trong lĩnh vực dầu khí trong việc thúc đẩy việc ứng dụng toàn cầu. Hiện các quy trình này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và công nghệ đổi mới sáng tạo, giúp thúc đẩy đổi mới hợp tác quốc tế, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Việc chuyển giao và hợp tác công nghệ hiệu quả là điều cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy những tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau.
Khuôn khổ pháp lý và hợp tác trong lĩnh vực: Hiện các tiêu chuẩn quy định ở Hoa Kỳ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi toàn cầu. Khuôn khổ pháp lý của Hoa Kỳ đã đặt ra tiền lệ về các tiêu chuẩn an toàn và môi trường, gây ảnh hưởng đến hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi trên toàn thế giới (Ayele và cộng sự, 2016). Hơn thế nữa, sự phát triển quy định toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực dầu khí như nghiên cứu tế bào gốc lâm sàng (clinical stem cell), điều này đã đặt ra những thách thức và cơ hội hợp tác giữa các cơ quan chính phủ các nước, các bên liên quan trong lĩnh vực và các tổ chức nghiên cứu (Rosemann và cộng sự, 2016). Những sự hợp tác này rất cần thiết để giải quyết sự đa dạng hóa và những thách thức đặt ra do các tiêu chuẩn quy định đang phát triển (Rosemann và cộng sự, 2016). Ngoài ra, ảnh hưởng của các tiêu chuẩn quy định còn mở rộng đến các thử nghiệm lâm sàng, trong đó “tiêu chuẩn vàng” (gold standard) đang được đánh giá lại, ảnh hưởng đến thực tiễn toàn cầu (Rosemann, 2019). Điều này nhấn mạnh tính liên kết của các khuôn khổ pháp lý và sự hợp tác trong lĩnh vực trên quy mô toàn cầu.
Tóm lại, các tiêu chuẩn quy định ở Hoa Kỳ không chỉ định hình hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi trên toàn cầu mà còn đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ các nước, các bên liên quan trong lĩnh vực và các tổ chức nghiên cứu để định hướng bối cảnh pháp lý đang phát triển và tác động của nó đối với các lĩnh vực khác nhau.
Link nguồn:
https://wjarr.com/sites/default/files/WJARR-2024-0307.pdf