Tác động từ các trừng phạt mới của Mỹ và EU đối với kinh tế Nga
Theo các chuyên gia, những trừng phạt này không ảnh hưởng đến kinh tế Nga, thậm chí đồng rup trong ngày 3/3 đã tăng giá.
Sau khi EU và Mỹ đưa ra các trừng phạt mới đối với một số quan chức chính phủ và tổ chức của Nga liên quan đến vụ việc của nhân vật đối lập Alekxei Navalny, phía Nga ngay lập tức tuyên bố sẽ phản ứng đáp trả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những trừng phạt này không có gì ảnh hưởng đến kinh tế Nga, thậm chí đồng rup trong ngày 3/3 đã tăng giá.
Những dự đoán của các chuyên gia về siết chặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được nhắc tới trong suốt thời gian qua, thậm chí từ khi ông mới tham gia tranh cử. Điều này đã trở thành hiện thực, khi ngày 2/3, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức chính phủ Nga và 14 tổ chức của nước này liên quan đến sản xuất hóa học, đồng thời tuyên bố về các biện pháp bổ sung chống Nga do tình hình xung quanh nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Trước đó, trong cùng ngày, Liên minh châu Âu đã mở rộng các biện pháp trừng phạt chống Nga, theo đó 4 quan chức chính phủ nước này bị đưa vào danh sách đen. Tất cả họ bị cấm nhập cảnh vào các nước EU, cũng như giữ tiền trong các ngân hàng ở các nước này.
Theo Giám đốc Chương trình của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Ivan Timofeev, các biện pháp hạn chế mới nhất của Brussels và Washington không có gì khủng khiếp đối với nền kinh tế Nga. Ông cho rằng, “chúng mang tính tô điểm”. “Tất cả những biện pháp này không gây đau đớn cho nền kinh tế Nga, không có biện pháp trừng phạt nguy hiểm nào đối với các nghĩa vụ nợ có chủ quyền, không có các doanh nghiệp lớn, ngân hàng và các công ty lớn".
Trước đó, từng có ý kiến chuyên gia cho rằng, đòn tấn công nặng nề đối với Moscow, đó là chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể xem xét hạn chế khả năng của các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoản nợ có chủ quyền của Nga. Đồng thời, trái phiếu cho vay liên bang (OFZ), hiện được mua bởi những người không cư trú mà không bị hạn chế, là một nguồn thu nhập quan trọng cho kho bạc Nga.
Nhà phân tích của bộ phận phân tích cổ phiếu của công ty "Finam" Alexey Kalachev cũng cho rằng, mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt mới của châu Âu và Mỹ không còn đè nặng lên thị trường. Mỹ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức an ninh cấp cao của Nga mà không ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh. Phản ứng của đồng rup và thị trường chứng khoán có thể đoán trước được. Các biện pháp trừng phạt mềm đã dẫn đến việc củng cố đồng tiền quốc gia của Nga. Nó đã tăng giá nửa phần trăm - lên tới 73,8 rup/USD. Chỉ số Moscow Exchange thậm chí còn tăng cao hơn - 0,7%.
Theo chuyên gia, nói cách khác, các biện pháp trừng phạt mới là một phát súng bắn vào không khí. Mỹ cấm chính mình cho Nga vay, nhưng việc cấm chỉ có hiệu lực đối với các tổ chức tài chính của chính phủ, bao gồm cả ngân hàng xuất nhập khẩu. Nhưng Nga từ lâu đã không nhận được bất kỳ khoản vay nào từ chính phủ Mỹ hoặc các tổ chức quốc tế trong một thời gian dài. Chỉ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức thương mại mới bỏ tiền ra đầu tư. Ví dụ, họ mua trái phiếu chính phủ Nga nhưng họ không bị cấm làm bất cứ điều gì. Mà đây mới là điều các chuyên gia lo ngại hơn cả, thì nó đã không xảy ra.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về Châu Âu và Quốc tế tại Trường đại học nghiên cứu quốc gia- Đại học kinh tế cao cấp, chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai Dmitry Suslov cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga nhằm thể hiện sự hồi sinh của "tập thể phương Tây", vốn đã suy yếu mạnh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Theo chuyên gia, dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ và EU đang hợp nhất trên cơ sở chống Nga. Các biện pháp trừng phạt là một cách thể hiện lập trường ý thức hệ và sự đồng bộ của các hành động với EU, “tập hợp các đồng minh dân chủ của Mỹ, khôi phục phương Tây tập thể, đối lập với“ thế giới của chủ nghĩa chuyên chế ”.
Ông Dmitry Suslov dự đoán rằng, “bầu không khí chính trị sẽ trở nên đối đầu hơn nữa. Không thể tránh khỏi việc Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Liên bang Nga, chủ yếu đối với các vấn đề thuộc chính trị nội bộ của Moscow và sẽ công khai nói về sự ủng hộ đối với phe đối lập của Nga”. Tuy nhiên, Moscow và Washington sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, ví dụ như "đối thoại về ổn định chiến lược, chống đại dịch, tương tác về biến đổi khí hậu"./.