Tác động từ vụ nổ cảng Shahid Rajaee của Iran

Sự gián đoạn của cảng Shahid Rajaee có thể gây tác động kinh tế và an ninh lớn hơn đối với Iran và các tuyến thương mại trong khu vực.

Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo The Natinal News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết đánh giá rằng vụ nổ kinh hoàng tại cảng Shahid Rajaee ở thành phố Bandar Abbas của Iran ngày 26/4 làm gián đoạn một trong những huyết mạch vận tải hàng hải và thương mại quan trọng của nước này và làm tăng thêm áp lực kinh tế lên quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn ở Trung Đông. Nội dung chính của bài viết như sau:

Cảng Shahid Rajaee, cảng thương mại lớn nhất Iran, vẫn còn bốc cháy trong ngày 27/4 sau vụ nổ lớn một ngày trước đó khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cảng Shahid Rajaee là cảng lớn nhất và là một trong những tài sản chiến lược nhất của Iran. Trong năm 2024, cảng này đã xử lý 85% khối lượng vận chuyển container của Iran. Cảng Shahid Rajaee có vị trí chiến lược trên bờ Bắc của eo biển Hormuz, nơi 20% tổng khối lượng thương mại dầu mỏ của thế giới đi qua và có ý nghĩa rất quan trọng đối với thương mại quốc tế.

Thành phố Bandar Abbas, thủ phủ của tỉnh Hormozgan, là thành phố cảng chính ở phía Nam Iran và rất quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu. Chuyên gia Alex Vatanka, một thành viên cấp cao thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho biết: "Cảng Shahid Rajaee là trung tâm hàng hải lớn nhất và quan trọng nhất của Iran, thường được gọi là 'Cửa ngõ vàng' của thương mại Iran. Cảng này kết nối với 80 cảng quốc tế lớn thông qua 35 hãng vận chuyển container hàng đầu thế giới". Cảng Shahid Rajaee, một trung tâm vận chuyển container, có diện tích 2.400 hecta, xử lý 70 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, bao gồm cả dầu mỏ. Cảng có gần 500.000 m2 nhà kho và 35 bến tàu. Với công suất 100 triệu tấn hàng hóa hàng năm, bao gồm 6 triệu TEU container, cảnh Shahid Rajaee quản lý khoảng 55% tổng hoạt động vận chuyển hàng hóa của Iran. Cảng có khả năng hỗ trợ cho hơn 4.000 tàu và cung cấp các lợi thế về hậu cần, công nghiệp và khu vực tự do.

Sự gián đoạn của cảng Shahid Rajaee có thể gây tác động kinh tế và an ninh lớn hơn đối với Iran và các tuyến thương mại trong khu vực. Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế Iran đã suy yếu. Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Iran được dự báo sẽ giảm xuống còn 0,3% trong năm 2025, giảm mạnh từ mức tăng 3,5% ghi nhận trong năm 2024. IMF dự báo nền kinh tế Iran sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% vào năm 2026.

Ông Dean Mikkelsen, một nhà phân tích hàng hải, năng lượng và an ninh độc lập, đánh giá: "Vụ nổ tại cảng Shahid Rajaee ở thành phố Bandar Abbas sẽ có tác động ngay lập tức và nghiêm trọng đến nền kinh tế Iran. Vụ nổ tại cảng thương mại lớn nhất của Iran xảy ra trong bối cảnh Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nhằm kiềm chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Xuất khẩu dầu mỏ đem lại nguồn doanh thu khoảng 50-55 tỷ USD/năm cho Chính phủ Iran, giúp tài trợ cho các dịch vụ thiết yếu của nhà nước và ổn định nền kinh tế của nước này. Do đó, theo ông Mikkelsen, bất kỳ sự gián đoạn nào, dù là tạm thời, đều đe dọa sự ổn định tài chính của Iran. Tình trạng gián đoạn kéo dài sẽ buộc Iran phải định tuyến lại hoạt động hàng hải thương mại qua các cảng nhỏ hơn và kém hiệu quả hơn, qua đó làm gia tăng chi phí và có nguy cơ gây tắc nghẽn hơn nữa. Iran, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), khai thác khoảng 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 3% sản lượng dầu thô toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng trong khi eo biển Hormuz vẫn mở cửa sau vụ nổ tại cảng Shahid Rajaee, vụ nổ này làm gia tăng rủi ro cho hoạt động vận tải biển trong khu vực. Chuyên gia Mikkelsen đánh giá vụ nổ có khả năng làm tăng phí bảo hiểm và buộc một số tàu phải chuyển hướng sang các cảng an toàn hơn ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc Saudi Arabia, làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển. Mặc dù tác động ngay lập tức có thể được kiềm chế trong khu vực, nhưng tác động rộng lớn hơn nằm ở chỗ nó thắt chặt hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu khi các ngành công nghiệp đối mặt với tình trạng chậm giao hàng và chi phí vận chuyển gia tăng.

Vụ nổ cảng ở Iran xảy ra vào thời điểm thương mại toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại do các thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ. Ông Mikkelsen chỉ ra rằng sự gián đoạn này đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 16/4 cho biết, sau khi ghi nhận kết quả hoạt động mạnh mẽ trong năm 2024, thương mại toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ chính sách thuế quan và sự không chắc chắn ngày càng tăng về chính sách thương mại. Trong báo cáo Thống kê và Triển vọng Thương mại Toàn cầu công bố mới đây, WTO cho hay, trao đổi thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo sẽ giảm 0,2% trong năm 2025 và dự kiến sẽ phục hồi khiêm tốn với mức tăng 2,5% vào năm 2026.

Ông Mikkelsen bình luận, với sự bất ổn kinh tế do thuế quan gây ra, sự gián đoạn tại các tuyến vận chuyển quan trọng gần eo biển Hormuz và Biển Đỏ có khả năng đẩy chi phí vận tải và giá năng lượng lên cao hơn. Chuyên gia này lưu ý: "Nếu các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vận chuyển và nhiên liệu gia tăng, những chi phí đó có thể sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, làm tăng áp lực lạm phát. Vụ nổ tại cảng Shahid Rajaee làm tăng nguy cơ lạm phát kéo dài và bất ổn chuỗi cung ứng".

Nguyễn Trường (TTXVN tại Cairo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tac-dong-tu-vu-no-cang-shahid-rajaee-cua-iran/371782.html