Tác dụng của huyệt nội quan và ứng dụng trong điều trị bệnh
Nội quan, theo nghĩa Hán, 'nội' có nghĩa là bên trong; 'quan' là cửa ải. Tên gọi của huyệt vị này cũng đã cho thấy tác dụng đặc thù nó, đó chính là cửa ải đi vào bên trong cơ thể.
1.Vị trí huyệt nội quan
Huyệt nội quan nằm trên cổ tay, cách lằn chỉ cổ tay 2 thốn, tức bằng 1/6 khoảng cách từ lằn chỉ cổ tay đến lằn chỉ khuỷu tay và nằm giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé.
Trong đông y, nội quan là tên gọi của một huyệt vị thuộc kinh Thủ thiếu âm Tâm bào lạc. Thông qua huyệt vị này, các nhà châm cứu có thể điều hòa sự thiên lệch của âm dương.
Theo y học cổ truyền phương Đông, tiền nhân cho rằng: Cơ thể là một khối thống nhất "nhân thân tiểu thiên địa", ý muốn nói cơ thể con người là một vũ trụ thu nhỏ. Để phòng và chữa bệnh, cổ nhân dùng cách điều hòa âm dương nhằm lập lại sự cân bằng các chức năng tạng phủ trong cơ thể.
Âm dương được điều hòa thì cơ thể khỏe mạnh, mất điều hòa thì ốm đau. Muốn điều chỉnh được sự cân bằng âm dương, muốn đi vào bên trong cơ thể ắt phải qua huyệt Nội quan - là cửa ra vào của vũ trụ thu nhỏ ấy.
2.Tác dụng của huyệt nội quan
2.1 Theo y học cổ truyền phương Đông
Nội quan có tác dụng thanh tâm bào, sơ tam tiêu, định tâm an thần, thư trung, hòa vị, lý khí, trấn thống; thường được chỉ định chữa các bệnh tại chỗ như đau cổ tay, cẳng tay và các bệnh toàn thân như tim mạch, nôn, mất ngủ, buồn phiền, viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng tim, đau ngực, nóng ruột, bồn chồn...
Là huyệt của vùng tâm ngực, có tác dụng làm khoan khoái lồng ngực, hoành cách mô (cơ hoành), hành khí, tán uất kết... nên thường được dùng để chữa các bệnh ở tim và ngực.
Nếu kết hợp với huyệt tam âm giao thì có tác dụng tư âm dưỡng huyết, kiện tỳ, ích vị, giao tế được thủy hỏa, quân bình được âm dương... Có thể dùng để chữa các bệnh đau nhức trong xương, đau lưng, viêm họng, đổ mồ hôi trộm, thiếu máu, bế kinh...
2.2 Theo y học hiện đại
Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy, nội quan có tác dụng điều hòa thần kinh thực vật, điều hòa tim mạch và huyết áp. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc: Huyệt vị này có ảnh hưởng rõ rệt đối với tim mạch, có công dụng điều hòa nhịp tim, điều hòa huyết áp trên thực nghiệm ở bệnh nhân châm tê để mổ và bệnh nhân cao huyết áp…
Nội quan còn có tác dụng tốt trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng khi phối hợp với huyệt công tôn. Các nhà khoa học cũng kết luận tác dụng của huyệt vị này qua việc làm tăng khả năng thực bào của bạch cầu đối với tụ cầu vàng...
Soulíe de Morant, một châm cứu gia người Pháp nhận thấy: Khi châm bổ huyệt nội quan có tác dụng hữu ích cho những bệnh nhân mắc bệnh suy nhược thần kinh, bệnh tâm thần với các biểu hiện uể oải, mệt mỏi, gầy yếu, không tập trung chú ý tư tưởng, suy giảm trí nhớ, sợ sệt, giấc ngủ không sâu, hay ác mộng, suy nghĩ miên man không dứt...
3.Cách bấm huyệt nội quan và phối hợp huyệt
3.1 Cách bấm huyệt
Dùng ngón tay cái ấn vào vị trí huyệt, tác động lực mạnh dần tới mức có thể chịu đựng được, sau đó giữ huyệt từ 1-3 phút.
3.2 Cách phối hợp huyệt
Nội quan được phối hợp với nhiều huyệt vị khác nhau như:
Phối với huyệt túc tam lý, trung quản hoặc công tôn viêm dạ dày.
Phối với huyệt túc tam lý, thái xung chữa trào ngược dạ dày thực quản
Phối với kiến lý chữa chứng bồn chồn trong ngực.
Phối với chiếu hải chữa đau bụng do kết tụ.
Phối với ngư tế, túc tam lý trị ăn uống không tiêu.
Phối với cách du trị đầy tức ngực.
Phối với ngoại quan để chữa bệnh nhức đầu do ngoại cảm.
Trên lâm sàng cho thấy có thể áp dụng điện châm huyệt nội quan, hợp cốc để giảm đau và chống nhiễm trùng sau mổ cắt amiđan, mổ u vú..
Trong châm tê để mổ, các nhà châm cứu thường áp dụng nội quan cho các ca mổ vùng ngực. Ngoài ra, với những ca mổ thuộc các vùng cơ thể khác, nội quan vẫn được chỉ định nhằm ổn định thần kinh, an thần, chống rối loạn thần kinh thực vật, điều hòa nhịp tim và huyết áp... cho bệnh nhân.