Tác dụng khi xét nghiệm nhóm truy tìm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng

Sau khi áp dụng phương pháp trộn mẫu bệnh phẩm của nhiều thành viên trong gia đình, Đà Nẵng có thể tăng tốc xét nghiệm tìm người nhiễm virus.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, hàng chục nhân viên y tế làm việc ngày, đêm để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm người bệnh, giúp sớm giám sát, cách ly và chặn đứng sự lây lan của dịch.

Ban đầu, năng lực xét nghiệm của cơ quan này chỉ 500-700 mẫu/ngày. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, CDC có thể thực hiện 8.000-10.000 mẫu/ngày. Kết quả này đến từ việc gấp rút bổ sung máy móc, đổi mới cách thực hiện và sự chi viện nhân lực từ Bộ Y tế.

Bên trong phòng xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tìm người mắc Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng. Ảnh: T.D.

Bên trong phòng xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tìm người mắc Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng. Ảnh: T.D.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Hà Nội - được điều động vào Đà Nẵng đảm nhiệm vai trò Phó đội trưởng Đội xét nghiệm. Bà Hằng cho biết mẫu xét nghiệm tăng đột biến từng ngày.

“Chưa bao giờ chúng tôi thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế. Cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu rất nhiều", bà Hằng nói.

BS Lê Thành Chung (Phó giám đốc CDC Đà Nẵng) thông tin những ngày gần đây, để tăng tốc việc xét nghiệm nhưng vẫn đảm bảo kết quả, cơ quan này tiến hành trộn các mẫu bệnh phẩm của nhiều người trong một gia đình.

“Cách làm này chỉ áp dụng với những mẫu lấy tại khu dân cư. Xét nghiệm nhóm không sử dụng cho tất cả đối tượng”, ông Chung nói.

Đà Nẵng có 4 cơ sở được cấp phép chẩn đoán Covid-19 bằng phương pháp rRT-PCR. Đó là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện 199 - Bộ Công An và CDC Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, phương pháp gộp nhóm tìm SARS-CoV-2 (pool test) là cách lấy một phần trong các mẫu, sau đó đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm. Phần còn lại được bảo quản để kiểm tra riêng lại lần 2 nếu kết quả mẫu gộp dương tính.

Bộ Y tế khuyến cáo việc gộp mẫu xét nghiệm không được áp dụng với trường hợp F1, người đã xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nhưng chưa có kết quả xác định hoặc bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.

Thế giới có nhiều nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả của phương pháp gộp mẫu (pool) để phát hiện virus SARS-CoV-2.

Tại Israel, các nhà khoa học chứng minh kết quả 184 mẫu bệnh phẩm khi xét nghiệm gộp nhóm với thực hiện riêng lẻ không có sự sai khác đáng kể. Quốc gia này cũng phát hiện 31 bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng nhờ phương pháp nói trên. Chiến lược pool test giúp tăng công xuất xét nghiệm gấp 7,3 lần, trong khi vẫn duy trì độ nhạy ở mức cao.

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nếu tỷ lệ đang mắc Covid-19 trong cộng đồng dưới 10%, pool test sẽ giúp tiết kiệm gần 69% năng lực xét nghiệm.

Tại Việt Nam, xét nghiệm gộp nhóm được sử dụng nhiều năm nhằm sàng lọc các mầm bệnh trong túi máu là HIV, HBV, HBC gan...

Lê Hoàng - Thu Hòa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-dung-khi-xet-nghiem-nhom-truy-tim-sars-cov-2-tai-da-nang-post1117812.html