Tắc đường xuất khẩu thanh long sang châu Âu: 'Ngưng bao nhiêu tuần là thiệt hại bấy nhiêu'

Từ đầu tháng 7, việc xuất khẩu thanh long, ớt, đậu bắp... sang châu Âu bị ách tắc do thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của thị trường này.

Phản ánh tới PLO, một số doanh nghiệp cho biết từ ngày 1-7, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44/2018, dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính.

Ông Huỳnh Phúc Duy, Công ty TNHH Viet Exotic Fruit, cho biết đến ngày 17-7, tình hình này vẫn chưa được tháo gỡ. Công ty của ông Duy xuất khẩu thanh long sang châu Âu chủ yếu theo đường hàng không. Lịch cố định đã thống nhất với đối tác là 8-10 tấn/tuần. Do vậy, ngưng bao nhiêu tuần là thiệt hại bấy nhiêu tấn, bấy nhiêu tiền.

“Chúng tôi đang bị ảnh hưởng nặng lắm. Vì công ty chủ yếu xuất khẩu qua châu Âu. Giờ không có giấy chứng nhận là ngưng hết, trong khi hàng trong kho vẫn phải chuẩn bị sẵn. Theo tôi biết không chỉ công ty tôi, nhiều công ty khác xuất hàng sang châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng” - ông Duy nói.

 Hàng đã sẵn sàng nhưng không thể xuất đi được khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ảnh: AH

Hàng đã sẵn sàng nhưng không thể xuất đi được khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ảnh: AH

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, thanh long xuất khẩu đi châu Âu là hàng được sản xuất riêng, tiêu chuẩn riêng, phải đáp ứng các tiêu chuẩn sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Họ ưa thích trái nhỏ chỉ 300-350 gram/trái.

“Vì sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, chi phí sản xuất cao, nên nếu không đi được châu Âu là gần như bỏ luôn. Trong khi đó, thị trường châu Âu không phải chỉ mua của Việt Nam. Họ mua hàng từ khắp nơi. Mình mà vắng bóng một thời gian là họ tìm nguồn khác liền” - một doanh nghiệp chia sẻ.

Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng), cũng xác nhận đang có nhiều lô hàng thanh long xuất khẩu sang châu Âu bị ngưng trệ vì lý do này.

Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc xin cấp giấy chứng nhận đúng theo yêu cầu của thị trường EU.

“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền có cơ chế để việc cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của EU được hanh thông trở lại. Ví dụ trong thời gian 2-3 tuần thì cho phép Sở An toàn thực phẩm địa phương cấp để giải quyết trước mắt, trong lúc đợi các cấp hoàn chỉnh thủ tục với nhau. Vì mỗi ngày trôi qua, chúng tôi đều bị thiệt hại. Kho đã chất đầy mà hàng thì chưa đi được” - một doanh nghiệp đề xuất.

Trước đó, ngày 14-7, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng có văn bản khẩn gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ đến nay, việc cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu chưa được Bộ hướng dẫn cụ thể, nên không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, đậu, bắp… qua thị trường châu Âu, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kiến nghị Bộ sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu để đơn vị có căn cứ pháp lý thực hiện.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tac-duong-xuat-khau-thanh-long-sang-chau-au-ngung-bao-nhieu-tuan-la-thiet-hai-bay-nhieu-post861010.html