Tái cấu trúc toàn diện để tăng tốc xuất khẩu sầu riêng

Sầu riêng đã tạo ra bước chuyển lớn trong cơ cấu xuất khẩu trái cây Việt Nam, đặc biệt kể từ khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Sầu riêng Đắk Lắk được dán tem, sẵn sàng xuất khẩu. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Sầu riêng Đắk Lắk được dán tem, sẵn sàng xuất khẩu. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tuy nhiên, sự phát triển nóng cũng kéo theo không ít hệ lụy: vùng trồng manh mún, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thiếu đồng bộ về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tình trạng vi phạm các quy định an toàn thực phẩm… đã khiến tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này giảm mạnh trong nửa đầu năm 2025.

Để sầu riêng quay lại “đường đua” tăng trưởng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ nông dân, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, trong đó trọng tâm là kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng bền vững.

Theo ông Đỗ Hồng Khanh, Chánh Văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính đến tháng 6/2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.217 lô sầu riêng tươi với sản lượng gần 130.000 tấn. Trong khi đó, sầu riêng đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng đột phá, với 388 lô được xuất khẩu, đạt sản lượng 14.282 tấn, gấp ba lần cùng kỳ năm trước. “Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng mạnh là nhờ hiệu ứng tích cực từ chính sách mở cửa thị trường Trung Quốc vào tháng 8/2024. Đây là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng của ngành trong việc đa dạng hóa sản phẩm và giảm áp lực cho xuất khẩu quả tươi”, ông Khanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khanh, xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý III/2025, đặc biệt vào mùa vụ chính kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, cùng với việc Trung Quốc mới phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, ông Khanh cũng lưu ý: “Mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm tiếp tục tái diễn thì rủi ro đình chỉ xuất khẩu là rất lớn”.

Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là nguy cơ nhiễm kim loại nặng cadimi và chất cấm vàng O trong trái sầu riêng. Để chủ động ứng phó, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành lấy 130 mẫu phân bón, đất, nước… tại các vùng có nguy cơ ô nhiễm để khoanh vùng rủi ro. Cùng với đó, địa phương đang triển khai 7 mô hình kiểm soát cadimi thí điểm nhằm đưa ra các giải pháp thâm canh phù hợp, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh, hướng đến canh tác an toàn, bền vững. Các mô hình này sẽ được tổng kết và nhân rộng trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam đã có 24 phòng thử nghiệm cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O được phía Trung Quốc phê duyệt. Để tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng cần xây dựng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật ngay tại vườn trồng và cơ sở đóng gói bằng cách mở rộng danh sách và nâng cao năng lực cho nhiều phòng xét nghiệm đủ chuẩn phủ kín các vùng trồng. Các phòng kiểm tra này không cần được Trung Quốc cho phép. Dựa trên kết quả của các phòng kiểm tra này nông dân mới được phép bán sầu riêng cho các nhà đóng gói. Nếu như sản phẩm bị nhiễm cadmi thì cần chủ động lấy mẫu đất, nước, phân, thuốc… kiểm tra thêm để có hướng khắc phục.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng tại cơ sở đóng gói; quy trình canh tác mới để kiểm soát cadimi; hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo hướng minh bạch, chặt chẽ và sát thực tiễn.

Nhằm tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã số hóa toàn bộ dữ liệu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trên toàn quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, cơ quan quản lý cần có chính sách định hướng phát triển các vùng chuyên canh sầu riêng quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP. Song song đó, việc siết chặt quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là yêu cầu cấp bách. Các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tuân thủ tại các mã số đã cấp; xử lý nghiêm tình trạng cho thuê, mượn mã số và minh bạch hóa dữ liệu thông qua số hóa, hệ thống truy xuất nguồn gốc liên thông. Đây được xem là “hộ chiếu” để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác.

Cùng với sản xuất, ngành sầu riêng cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ chế biến sâu và đầu tư bảo quản sau thu hoạch. Hiện nay, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn khá cao do thiếu hệ thống kho lạnh, kho mát và công nghệ bảo quản hiện đại. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến như CAS (Cells Alive System) nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả tươi mà vẫn giữ nguyên chất lượng.

Việc đẩy mạnh chế biến sâu như sản xuất sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy, bánh kẹo, kem… không chỉ giúp giải quyết bài toán dư thừa khi vào vụ thu hoạch rộ mà còn tiếp cận được các phân khúc thị trường khác nhau và nâng cao giá trị sản phẩm. Các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản cần được quy hoạch bài bản, gắn liền với vùng nguyên liệu để tối ưu hóa chi phí logistics và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Cuối cùng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sầu riêng là chiến lược mang tính lâu dài. Thay vì cạnh tranh bằng giá và sản lượng, sầu riêng Việt Nam cần khẳng định vị thế bằng chất lượng, sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất. Đây cũng là cách giúp ngành hàng này không chỉ phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn phát triển bền vững trong tương lai, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tai-cau-truc-toan-dien-de-tang-toc-xuat-khau-sau-rieng-20250718160206587.htm