Tác giả ca khúc 'Mưa phi trường' tái xuất

Nhạc sĩ Việt Anh trở lại với thị trường âm nhạc Việt sau 5 năm định cư nước ngoài cùng gia đình

Đêm nhạc "Về nhà" của nhạc sĩ Việt Anh sẽ diễn ra tối 23-11 tại Đảo Hoa - Ecovillage Saigon River, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đêm nhạc có các ca sĩ khách mời: Lê Hiếu, Thùy Chi, Phượng Vũ, Trần Minh Dũng.

Phóng viên: Đêm nhạc "Về nhà" có gì đặc biệt mà anh muốn giới thiệu với khán giả?

- Nhạc sĩ VIỆT ANH: "Về nhà" là một đêm diễn mà âm nhạc, khán giả và không gian xung quanh đều là nhân vật chính. Đêm nhạc sẽ trình làng những ca khúc mới được viết ra hay biểu diễn lần đầu trước công chúng và mong muốn rằng khán giả sẽ có những giây phút đáng nhớ, làm dịu đi những trăn trở, bề bộn của cuộc sống thường ngày.

Chủ đề "Về nhà" sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến những điều mới mẻ mà anh có được từ xứ người. Hiểu như thế có đúng không?

- Với tôi "Về nhà" lần này là sự trở về để nhìn sâu vào trong chính bản thân mình, là cơ hội để đối diện với tâm hồn mình. Cũng là sự khởi đầu cho những chủ đề tiếp theo trong hành trình mang đến cho khán giả những điều thú vị và hay ho.

Nhạc sĩ Việt Anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhạc sĩ Việt Anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhiều ca khúc của Việt Anh đã trở thành "ca khúc quốc dân" nhưng có vẻ như anh đã không còn giữ được phong độ viết ca khúc nữa phải không?

- Mỗi thế hệ sẽ tìm được lứa nghệ sĩ đại diện cho thời đại mình. Tôi đã dành cả đời để viết nên những giai điệu, lời ca để tìm đến những tâm hồn đồng điệu, những người có chung tần số, cùng sự đồng cảm. Tôi tin rằng khi âm nhạc đạt đến một giá trị và chiều sâu nào đó thì nó sẽ còn đọng lại.

Sau này, người trong giới đều biết anh thiên về khí nhạc nhiều hơn. Nhưng khán giả thì chưa thấy nhiều. Khi nào, anh giới thiệu điều đó đến với công chúng?

- Viết cho khí nhạc, nhạc múa, ballet và nhạc kịch…luôn là một phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Nó cũng vừa giúp tôi đào sâu, giúp tôi cân bằng trong cuộc sống và âm nhạc. Tôi vẫn nung nấu những ý tưởng giới thiệu những tác phẩm của mình với công chúng. Ví như chương trình "Nhạc kịch giữa thiên nhiên" cho đối tượng khán giả gia đình, trẻ em…

Công việc của anh ở nước ngoài thế nào?

- Tôi vẫn cố giữ nhịp cho việc sáng tác như là một phần của cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra tôi dạy nhạc, công việc cũng xoay quanh cây đàn vậy thôi. Cuộc sống bên New Zealand của tôi cũng rất bình dị. Hằng ngày chỉ xoay quanh gia đình và công việc mà tôi đang làm thôi.

Vì sao anh lại chọn định cư nước ngoài thay vì cứ tiếp tục cống hiến tài năng bản thân cho nền âm nhạc nước nhà?

- Có những giai đoạn cuộc sống cần những sự ưu tiên khác nhau. Đối với tôi, nơi tôi sống không chi phối đến cuộc sống hay công việc của mình. Dù có ở đâu tôi cũng làm một công việc giống nhau với sự cố gắng như vậy. Khi ở nước ngoài tôi đã hoàn thành khá nhiều tác phẩm như nhạc kịch "Dế mèn phiêu lưu ký", kịch múa "Kiều", kịch múa "Hoàng hôn" và sắp tới đây sẽ ra mắt kịch múa "Đất Lành"…

Dù là một người kiệm lời nhưng chắc chắn, sự nổi tiếng cũng chi phối ít nhiều đến cuộc sống của anh?

- Tôi thấy mình thuộc về kiểu người có thể lẫn ngay trong đám đông. Những ca khúc đã nằm trong ngăn kéo rất lâu trước khi được hát lên và biết đến. Có điều, chắc là việc được quan tâm sẽ giúp tôi giữ tính nghiêm túc trong việc sáng tác của mình.

Cuộc sống hiện tại của Việt Anh, điều gì khiến anh bận tâm nhiều nhất?

- Sự bận tâm của tôi chắc cũng tương tự như nhiều người thôi. Là sự phát triển lành mạnh cho con cái. Sức khỏe, bình an cho những người thân yêu. Và giữ được cảm xúc trong công việc của mình.

Nhạc sĩ Việt Anh (SN 1976 tại Hà Nội) là tác giả của các ca khúc nổi tiếng: "Dòng sông lơ đãng", "Đêm nằm mơ phố", "Hoa có vàng nơi ấy", "Những mùa hoa bỏ lại", "Mưa phi trường", "Chưa bao giờ"... Sau show diễn "Về nhà", nhạc sĩ Việt Anh sẽ góp mặt trong các đêm nhạc Hương Tràm (26-11), Vũ Cát Tường (15-12), Saigon Boys (ban nhạc của nhạc sĩ Việt Anh) cùng Lam Trường, Phương Thanh, Tuấn Hưng (12-1-2025).

THÙY TRANG thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tac-gia-ca-khuc-mua-phi-truong-tai-xuat-196241115212308589.htm