Tác giả ca khúc 'Năm anh em trên một chiếc xe tăng' nhắn gửi gì đến bộ đội xe tăng dự thi Army Games 2020?
Ngồi trước màn hình theo dõi Chương trình video của Báo Quân đội nhân dân Điện tử tường thuật trực tiếp trận thi đấu vòng loại bảng 2 Cuộc thi 'Xe tăng hành tiến' Army Games 2020, Đại tá, nhạc sĩ quân đội Doãn Nho đã có những phút giây hồi hộp xen lẫn vỡ òa niềm vui, tự hào khi đội tuyển xe tăng của Việt Nam chiến thắng.
Trong phút reo mừng cổ vũ, ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ Doãn Nho vang lên giọng hát của ông và vợ-nghệ sĩ Nguyệt Ánh (hai ông bà đều là nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị-TCCT, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội): Một ý chí bay qua đầu ngọn súng/Một niềm tin quyết thắng trong trận này.
Nhạc sĩ Doãn Nho và nghệ sĩ Nguyệt Ánh vui mừng trước chiến thắng của đội tuyển xe tăng Việt Nam tại Army Games 2020 trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử tường thuật.
Nhớ lại cơ duyên viết bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nhạc sĩ Doãn Nho kể: “Tôi được dự thao diễn cuộc tập trận xe tăng của Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức tại Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) năm 1968. Đó chính là cuộc tập trận đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp trước giờ xuất kích đánh trận Làng Vây. Được dự buổi tập trận đó, tôi phấn khởi vô cùng, bởi được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam khi có một binh chủng lớn, hiện đại. Do vậy, tôi đã rất tin tưởng chúng ta sẽ thắng to ở trận đấu này. Quả đúng là như vậy! Xe tăng Việt Nam lội suối, trèo đèo, xe tăng đột kích bất ngờ. Chiến thắng Làng Vây-trận đánh then chốt trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây là trận đánh được đánh giá có hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng, có tăng thiết giáp tham gia, mở đầu trang sử truyền thống hào hùng “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp.
Sau khi chứng kiến chiến thắng vang dội của bộ đội Tăng thiết giáp, nhạc sĩ Doãn Nho đã ấp ủ viết ca khúc. Trước đó đã có một ca khúc nói chung trong toàn quân là “Tiến bước dưới quân kỳ”, giờ đi vào cụ thể một binh chủng thì thế nào? viết ra sao?... Tới năm 1971, cơ duyên đến khi đọc trên Báo Nhân dân có bài thơ “Trên một chiếc xe tăng”, ký tên tác giả Vũ Hữu. Không biết tác giả là ai, nhưng bài thơ hay quá vì đang tìm ý cho ca khúc. Nhạc sĩ đi tìm hiểu thì biết bài thơ của Nguyễn Hữu Thỉnh, lúc đó là Trung úy, trợ lý của Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp. Bài thơ chứa chất trong đó chuyên môn sử dụng xe tăng đánh địch, nhưng đồng thời cũng mang đậm tính dân tộc, tâm hồn của anh bộ đội Việt Nam nói chung, người lính xe tăng nói riêng: Đã lên xe ấy là cùng một hướng/Nổ máy lên ta một dạ xung phong/Trước quân thù là chỉ biết có tiến công…
Chỉ trong một buổi chiều, nhạc sĩ Doãn Nho đã phổ nhạc xong và chuyển cho Đoàn Ca múa TCCT dàn dựng, biểu diễn và ngay lập tức có tiếng vang. Riêng Binh chủng Tăng thiết giáp có sáng kiến dựng cho tốp ca 5 giọng nữ hát mang màu sắc riêng. Trong TP Hồ Chí Minh sau đó có ca sĩ Ngọc Ánh hát một mình cũng được đông đảo người nghe hưởng ứng. Ca khúc đã lan tỏa khắp trong Nam, ngoài Bắc trong thời kỳ đó và cho tới ngày nay, khi các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối dàn dựng, biểu diễn.
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, ông đã lấy chất liệu âm nhạc dân ca ví, giặm của Nghệ Tĩnh cho ca khúc. Để người nghe cảm nhận được những luyến láy tâm tình nhưng chất chứa bên trong là ngọn lửa luôn sẵn sàng bừng cháy: Năm anh em trên một chiếc xe tăng/Như năm bông hoa nở cùng một cội/Như năm ngón tay trên một bàn tay/Đã xung trận là năm người như một… Ngôn ngữ rõ ràng mang chất thép mà vẫn trữ tình, toát lên hình ảnh người lính xe tăng Việt Nam.
Thêm một chuyện chia sẻ của nhạc sĩ Doãn Nho, nhà thơ Hữu Thỉnh viết tên bài thơ là “Trên một chiếc xe tăng”. Khi Đoàn Ca múa TCCT thu xong chuẩn bị phát, người trách nhiệm buổi phát tác phẩm hôm đó là nhạc sĩ Thanh Phúc quên mất tên, nhìn vào bản nhạc mở với lời ca mở đầu: Năm anh em trên một chiếc xe tăng…Thế là thành tên của bài hát luôn! Quên nhưng cũng có cái hay, đúng hình tượng của người lính xe tăng. Tác phẩm viết với tinh thần đồng đội, muôn người như một, sống cùng sống, chết cùng chết, tất cả tinh thần xả thân cứu nước: Năm anh em ta mang năm cái tên/Ấy khi lên xe không còn tên riêng nữa/Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa/Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng…Biên chế cho một chiếc xe tăng ngày đó là 5 người, sau 4 người, giờ là 3 người. Nhưng số lượng người bao nhiêu không thành vấn đề. Vấn đề là dù quân số bao nhiêu thì tình đồng đội, sống chết có nhau luôn là giá trị cốt lõi của quân đội ta. Tình đồng đội, đồng chí đồng lòng đồng hướng là yếu tố then chốt để chúng ta đánh thắng.
Gửi lời chúc mừng tới đội tuyển xe tăng Việt Nam tại đấu trường Army Games 2020, nhạc sĩ Doãn Nho cổ vũ: “Chúng tôi là những người dân Việt Nam luôn dõi theo, tự hào và gửi lời chúc mừng tới các đồng chí đã đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự tại đấu trường quốc tế, giành chiến thắng vang dội, làm rạng rỡ thêm cho trang vàng lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng”.
Nhắc đến nhạc sĩ Doãn Nho, người yêu nhạc nhớ ngay đến người nhạc sĩ tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam (ông nguyên là nhạc sĩ của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị-TCCT, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Trong gia tài âm nhạc của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho có hàng trăm tác phẩm đồ sộ cả về khí nhạc và thanh nhạc. Nổi bật trong đó phải kể đến “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Sóng cửa Tùng”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Chiếc khăn Piêu”… Đến nay, dù đã ở tuổi 88 nhưng nhạc sĩ Doãn Nho chưa có ý định ngừng, thôi sáng tác. Vẫn là những dự án âm nhạc lớn về khí nhạc, tác phẩm thanh nhạc ca ngợi tình yêu đất nước, ca ngợi người lính Cụ Hồ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.