Tác giả của hơn 700 bìa sách
Tìm ý tưởng, thực hiện từng chi tiết nhỏ, có tầm nhìn xa là những điều mà Tạ Quốc Kỳ Nam hướng đến khi thiết kế bìa sách.
Tạ Quốc Kỳ Nam là tác giả của hơn 700 bìa sách nhiều thể loại. Bìa sách của anh góp phần lưu dấu ấn tác phẩm trong lòng bạn đọc. Hành trình trở thành người thiết kế bìa, những câu chuyện hậu trường của người sáng tạo bìa sách được anh kể khi tham gia chương trình “Câu chuyện xuất bản”.
Bìa sách phải thể hiện rõ mục đích xuất bản
Tạ Quốc Kỳ Nam được giới trẻ biết đến khi tạo trend “hoy đi nha”, một người sáng tạo nội dung với gần 100.000 người theo dõi trên mạng xã hội, ghi dấu ấn trong vai trò thiết kế hàng trăm bìa sách. Con đường trở thành người thiết kế bìa đến với anh một cách tình cờ.
Cách đây 11 năm, Nam đọc được dòng tin tuyển dụng nhân viết thiết kế bìa sách. Lúc đó, anh đang học báo chí - truyền thông, không có chuyên môn thiết kế. Chỉ với sở thích đọc sách, chàng trai 9X muốn thử công việc này.
Vượt qua bài kiểm tra, anh được làm bìa hai cuốn Đo thế giới, Xứ cát và được nhận vào công ty sách. “Tôi không ngờ công việc ấy mang lại nhiều niềm vui, giúp bản thân hạnh phúc, là một trong những thứ khiến mình được nhiều bạn biết đến”, Nam chia sẻ.
Khi bắt tay vào làm bìa sách, việc đầu tiên anh tìm hiểu là bìa sách gốc đã được nước ngoài thiết kế như thế nào. Dựa theo đó, người thiết kế biết được về nội dung, tầm quan trọng của tác phẩm, đối tượng khán giả… để có hướng đi phù hợp.
Bìa sách của Tạ Quốc Kỳ Nam không giống của nhà xuất bản nước ngoài hay phiên bản bìa sách gốc. Nhưng bước tìm hiểu đó rất quan trọng khi người thiết kế không đủ thời gian để đọc hết về cuốn sách mình làm bìa. Đã là công việc, người thiết kế phải tìm hiểu để làm sao bìa trở về gần nhất với nội dung cuốn sách, đúng với mục đích xuất bản, tất cả phải nhờ vào nghiên cứu tác phẩm.
Với nhiều người thiết kế bìa sách, vẽ là một thế mạnh. Nhưng với Tạ Quốc Kỳ Nam, vẽ đóng góp 10-20% dung lượng công việc. Tự nhận vẽ tranh bìa không phải điểm mạnh, anh tự nhủ muốn đi đường dài, buộc phải có tư duy thiết kế tốt. Những kỹ năng như chọn font chữ, sắp đặt, bố cục… được anh chăm chút, đào sâu.
Bộ sách anh ưng ý nhất trong năm 2021 là những cuốn của tác giả Nguyễn Thị Hoàng. Anh kết hợp họa sĩ Hương Anh để làm bìa, bàn bạc kỹ từ tranh vẽ cho tới kiểu chữ, màu chữ, gáy sách, bìa bốn… sao cho phù hợp thể loại, tác phẩm.
Khi làm bìa cho một tác giả, cần “nghĩ xa xa” rằng nếu tác giả ấy ra cuốn khác thì nên phát triển bìa sách như nào cho thống nhất với cuốn trước. Do đó, bạn đọc có thể dễ dàng nhận diện những điểm chung trong các cuốn sách của Alain de Botton, Milan Kundera…
Có những bộ sách, người làm bìa biết nếu thực hiện sẽ mất cả quãng thời gian dài. Ví dụ, khi làm cuốn Sử ký tập một, công ty sách nói việc ra trọn bộ tác phẩm có thể mất 10 năm do quá trình dịch bộ sách kéo dài. Từ đó, Tạ Quốc Kỳ Nam có sự chuẩn bị trước nên đến giờ, Sử ký có thêm các tập tiếp theo, bìa cuốn tập một không bị lỗi thời, các tập sau có thể tận dụng lại, phát triển thêm những ý tưởng từ tập đầu.
“Có những bộ sách nếu khi làm bìa mà chạy theo trend, thì vài năm sau sẽ không còn phù hợp nữa”, Tạ Quốc Kỳ Nam nói.
Dù nhìn trước, vẫn có những việc xảy ra ngoài dự tính của người làm bìa. Khi làm bìa bộ Emily, người thiết kế không ngờ tập ba mỏng hơn nhiều so với 2 tập trước. Vì thế, phần gáy của sách chưa được như kỳ vọng.
“Những lần như vậy, tôi chỉ mong sách bán hết thật nhanh để được tái bản. Tôi sẽ chỉnh sửa lại cho đẹp hơn”, họa sĩ thiết kế nói.
Chỉn chu từng chi tiết
Tự nhận mình không phải người làm việc tập trung và kỷ luật, bù lại, Tạ Quốc Kỳ Nam có trách nhiệm, luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao để sản phẩm chỉn chu nhất có thể.
Nhiều người nghĩ với công việc thiết kế, bìa của sách là quan trọng nhất, tạo ấn tượng với người mua và độc giả. Nhưng với người thiết kế, mọi chi tiết đều phải làm tốt nhất có thể. Khi độc giả mua sách về, họ xếp lên giá, bìa của sách sẽ không được nhìn thấy nữa. Lúc này, gáy sách là phần quan trọng, được nhìn thấy nhiều nhất.
Gáy sách cũng là một phần của bìa, liên kết giữa bìa một với bìa 4. “Không ai trả tiền cho thiết kế để làm một cái gáy đẹp, nhưng người làm sẽ rất vui khi tạo ra một chiếc gáy đẹp, hai mép gấp hài hòa với nhau. Đó là yêu cầu riêng của bản thân tôi”, Nam nói.
Trong 11 năm làm sách, bìa mà anh tâm đắc nhất là cuốn Máu lạnh, đây là thiết kế không có tên sách trên bìa (cũng là thiết kế cuối cùng sách được xuất bản mà không có tên trên bìa).
Thiết kế bìa cho tác phẩm của Truman Capote thể hiện đúng tinh thần của Nam: Muốn làm điều gì đó khác, ấn tượng hơn. Bên cạnh đó, anh cũng hài lòng với bìa của Sáu người đi khắp thế gian, Xứ cát, 1Q84, bộ bìa sách của Alain de Botton, một số bìa trong bộ Milan Kundera….
Là người đến với thiết kế bìa khi chưa được đào tạo căn cơ về nghề, Tạ Quốc Kỳ Nam trưởng thành với công việc từ sự yêu thích và tự học. Anh học chủ yếu qua mạng và sự quan sát. Cứ cầm sách, báo lên là anh "săm soi", thấy gì không hiểu thì hỏi. Khi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó chính là quá trình họa sĩ thiết kế học hỏi.
“Tôi luôn cảm thấy mình may mắn với công việc thiết kế bìa sách. Nhưng tôi khẳng định không ai gắn bó lâu với một việc gì đó mà không trải qua nước mắt, thất bại”, Tạ Quốc Kỳ Nam nói. Với anh, để làm tốt bất cứ công việc nào, sự tự học và tâm huyết quyết định rất lớn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-cua-hon-700-bia-sach-post1299178.html